Tham gia phòng, chống bạo lực gia đình: Hội Nông dân lấy tuyên truyền làm giải pháp chính
– Để phát huy vai trò của tổ chức hội nông dân (HND) trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), các cấp HND trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, trong đó chú trọng các giải pháp tuyên truyền. Qua đó, nâng cao nhận thức về việc phòng, chống BLGĐ đến toàn thể cán bộ, hội viên nông dân (HVND) và góp phần giảm số vụ BLGĐ trên toàn tỉnh.
Cán bộ HND thành phố Lạng Sơn treo pano tuyên truyền về Đường dây nóng phòng, chống bạo lực gia đình
BLGĐ gây ra nhiều hệ lụy, tác động đến nhiều đối tượng trong xã hội. Nguyên nhân của BLGĐ là do sự bất bình đẳng giới, trọng nam khinh nữ; sự thiếu hiểu biết về pháp luật; các thành viên trong gia đình thiếu kỹ năng ứng xử. Ngoài ra, tình trạng cờ, bạc, rượu, bia, đói nghèo, thiếu việc làm… cũng là nguyên nhân dẫn đến BLGĐ.
Là tổ chức hội với trên 108.600 HVND, các cấp HND trên toàn tỉnh luôn nhận định rằng công tác phòng, chống BLGĐ là nhiệm vụ quan trọng. Ông Hoàng Văn Ngôn, Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Để thực hiện tốt việc phòng, chống BLGĐ, chúng tôi xác định lấy tuyên truyền làm giải pháp chính. Theo đó, các cấp hội chủ động phối hợp để tuyên truyền lồng ghép các nội dung về phòng, chống BLGĐ thông qua các buổi sinh hoạt chung, qua loa truyền thanh, cấp phát tờ rơi; qua trang thông tin điện tử của hội; các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook…
Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, HND tỉnh phối hợp với Trung ương HND Việt Nam tổ chức 12 hội nghị cho gần 2.000 lượt hội viên tham dự. Trung bình mỗi năm, các cấp hội trên toàn tỉnh tổ chức tuyên truyền lồng ghép hơn 2.500 cuộc cho trên 220.000 lượt cán bộ, HVND; phát hơn 15.000 tờ rơi về phòng, chống BLGĐ… Nội dung tuyên truyền tập trung vào: Luật Phòng, chống BLGĐ và các văn bản liên quan; nguyên nhân, hậu quả của BLGĐ và những kỹ năng giải quyết mâu thuẫn gia đình; vai trò của nam giới với công tác phòng, chống BLGĐ… Đặc biệt, từ tháng 10/2023 đến nay, 100% HND cấp xã đều treo pano tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ, trong đó niêm yết đường dây nóng 1800.1768 hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực.
Đến nay, các cấp HND đã phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xây dựng được hơn 1.500 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng nhằm hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ cho nạn nhân, tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu hậu quả của BLGĐ. |
Nét nổi bật trong việc tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ là trong khoảng 5 năm gần đây, thay vì chỉ truyền đạt một chiều thì tại các buổi tuyên truyền, báo cáo viên đã sử dụng phương pháp nói chuyện gần gũi, cùng thảo luận, trao đổi và đưa những ví dụ sinh động từ cuộc sống để hội viên cùng tập trung phân tích, thảo luận nhằm giúp mọi người hiểu rõ và đúng hơn về phòng, chống BLGĐ. Sau buổi truyền thông, mỗi cán bộ, hội viên được tham gia với những kiến thức đã tiếp thu sẽ là đội ngũ tuyên truyền viên tích cực trong phòng, chống BLGĐ tại địa phương.
Anh Vi Văn Thắng, HVND Chi HND thôn Việt Thắng Hang Đỏ, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng cho biết: Qua dự các buổi tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ do HND xã phối hợp tổ chức, tôi đã hiểu biết hơn về nội dung này. Từ đó, tôi chủ động chia sẻ, giúp đỡ vợ nhiều hơn trong công việc hằng ngày, cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc, không có bạo lực.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho HVND, các cấp HND còn vận động hội viên tham gia các mô hình gia đình phòng, chống BLGĐ trên địa bàn và tuyên truyền thông qua các mô hình này. Hiện toàn tỉnh có tổng số 156 mô hình phòng, chống BLGĐ; 780 câu lạc bộ (CLB) “Gia đình phát triển bền vững” thu hút trên 21.130 gia đình tham gia; 780 nhóm phòng, chống BLGĐ với khoảng 31.000 thành viên…
Ông Vi Văn Thanh, Chủ tịch HND huyện Lộc Bình cho biết: Từ khi đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống BLGĐ và vận động HVND tích cực tham gia các mô hình phòng, chống BLGĐ, đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 17 mô hình phòng, chống BLGĐ với 81 CLB và 81 nhóm gia đình phát triển bền vững. Trong đó, hơn 70% thành viên là HVND. Các CLB duy trì sinh hoạt hằng quý, trong các buổi sinh hoạt chi hội, họp nhóm. Tham gia sinh hoạt, các thành viên được tuyên truyền, tư vấn và cùng nhau chia sẻ kiến thức chăm sóc gia đình, con cái, giáo dục đạo đức, lối sống, cách ửng xử trong quan hệ gia đình. Nhờ đó, 100% gia đình thành viên của CLB không xảy ra BLGĐ. Các thành viên này cũng là tuyên truyền viên tích cực vận động người dân trong cộng đồng dân cư cùng chung tay phòng, chống BLGĐ.
Đáng chú ý, các cấp HND còn chủ động phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xây dựng được hơn 1.500 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng nhằm hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ cho nạn nhân, tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu hậu quả của BLGĐ.
Bên cạnh đó, hằng năm, các cấp hội đều vận động hội viên đăng ký danh hiệu gia đình nông dân văn hóa với kết quả bình xét đạt trên 98% gia đình hội viên nông dân được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa.
Nhờ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ, nhận thức của HVND về xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống BLGĐ được nâng lên. Sự nỗ lực của các cấp HND trong công tác phòng, chống BLGĐ đã góp phần cùng chính quyền địa phương làm giảm số vụ BLGĐ trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 54 vụ bạo lực gia đình, giảm 60 vụ so với năm 2021. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 18 vụ BLGĐ, giảm 10 vụ so với cùng kỳ năm 2022.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp HND trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động HVND nâng cao nhận thức về phòng chống BLGĐ. Đồng thời, kêu gọi toàn thể cán bộ, HVND trong tỉnh “Chung tay xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em”. Từ đó, đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Ý kiến ()