Tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Giờ thực hành của học viên lớp trung cấp điều dưỡng đa khoa, Trường trung cấp nghề số 22 - Bộ Quốc phòng. Sau hơn hai năm đi vào hoạt động, Trường trung cấp nghề số 22-Bộ Quốc phòng đã vượt khó hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo nghề cho thanh niên, nhất là bộ đội xuất ngũ và con em gia đình thuộc diện chính sách...Đến công tác tại Trường trung cấp nghề số 22 - Bộ Quốc phòng, mặc dù đầu giờ làm việc buổi chiều, thời tiết nắng nóng khô hanh, nhưng trên giảng đường, các lớp học, không khí "dạy tốt, học tốt" diễn ra sôi động. Có mặt tại xưởng thực hành cơ khí-động lực, thầy giáo Hoàng Văn Bình cho biết, từ đầu năm 2010 đến nay, anh và các đồng nghiệp đã trực tiếp giảng dạy năm khóa sơ cấp nghề hàn cắt kim loại, học viên cơ bản là bộ đội xuất ngũ. Đáng mừng là, 100% số học viên tốt nghiệp ra trường đều có việc làm; trong đó, một số được tuyển đi lao động tại các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, còn lại phần lớn được tuyển làm...
Giờ thực hành của học viên lớp trung cấp điều dưỡng đa khoa, Trường trung cấp nghề số 22 – Bộ Quốc phòng. |
Đến công tác tại Trường trung cấp nghề số 22 – Bộ Quốc phòng, mặc dù đầu giờ làm việc buổi chiều, thời tiết nắng nóng khô hanh, nhưng trên giảng đường, các lớp học, không khí “dạy tốt, học tốt” diễn ra sôi động. Có mặt tại xưởng thực hành cơ khí-động lực, thầy giáo Hoàng Văn Bình cho biết, từ đầu năm 2010 đến nay, anh và các đồng nghiệp đã trực tiếp giảng dạy năm khóa sơ cấp nghề hàn cắt kim loại, học viên cơ bản là bộ đội xuất ngũ. Đáng mừng là, 100% số học viên tốt nghiệp ra trường đều có việc làm; trong đó, một số được tuyển đi lao động tại các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, còn lại phần lớn được tuyển làm thợ cơ khí, thợ hàn tại các khu công nghiệp, công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Dương, TP Hồ Chí Minh; một số anh em về mở các tiệm làm cửa sắt, kỹ nghệ sắt… Vừa hoàn thành xong bài thực hành hàn tích, lau vội giọt mồ hôi túa ra trên khuôn mặt, học viên Lê Quang Nam, 22 tuổi, quê ở xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri (Bến Tre) thổ lộ: Từng là chiến sĩ của Sư đoàn 9 (Binh đoàn Cửu Long), xuất ngũ tháng 8 năm 2011, ở quê bố mẹ Nam có nghề làm muối rất vất vả. Hết nghĩa vụ, được các cấp quan tâm, nhà trường lo ăn, ở, dạy nghề, nên Nam cố gắng học tập để khi tốt nghiệp ra trường, xin vào làm việc tại khu công nghiệp…”. Cũng là bộ đội xuất ngũ, học viên Trịnh Duy Cốp, 21 tuổi, quê ở xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), phấn khởi khoe: “Em có anh bạn là bộ đội xuất ngũ, vừa tốt nghiệp nghề hàn cắt kim loại là xin vào làm việc ngay tại khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, lương sáu đến bảy triệu đồng/tháng, nên em đã quyết định chọn học nghề này để lập thân, lập nghiệp…
Đến phòng học vi tính, mặc dù cuối giờ làm việc buổi chiều, nhưng cô giáo và học viên lớp trung cấp điều dưỡng đa khoa khóa 1 vẫn tập trung thực hiện bài thực hành trên máy vi tính. Học viên Huỳnh Thị Thanh Thúy, 23 tuổi, quê Hưng Nhượng, Giồng Trôm (Bến Tre), cho biết: Học viên trong lớp chủ yếu thuộc diện đối tượng gia đình chính sách, ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Ngày đầu về đây học tập, không ít người còn băn khoăn, trăn trở vì trường mới thành lập, liệu chất lượng đào tạo có đáp ứng nhu cầu việc làm của xã hội hay không? Nhưng qua hơn một năm học tập, nhà trường duy trì nền nếp, chế độ quy định nghiêm túc, các thầy giáo, cô giáo luôn nhiệt tình, trách nhiệm giúp đỡ học viên, nội dung học tập, thực hành sát thực tế, nên em và các bạn trong lớp yên tâm học tập để sau này có công ăn, việc làm ổn định… Còn học viên Trương Thị Loan, quê ở xã biên giới Tăng Tiến, huyện Bù Đốp (Bình Phước) kể: “Em yêu nghề điều dưỡng đa khoa, được cấp ủy, chính quyền xã giới thiệu đi học, nhà trường miễn học phí, tạo điều kiện về nơi ăn, ở, nên em sẽ phấn đấu học tập thật tốt, để sau này ra trường về quê góp phần nhỏ bé của mình xây dựng quê hương.
Trao đổi ý kiến với Đại tá Hoàng Thọ Luật, Hiệu trưởng nhà trường được biết: Cuối tháng 11-2009, Trường trung cấp nghề số 22 được thành lập. Ngày đầu “khởi nghiệp”, nhà trường gặp không ít khó khăn, doanh trại, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ dạy và học còn thiếu. Số đông cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường được lựa chọn điều động từ các đơn vị huấn luyện chiến đấu về, chưa quen môi trường sư phạm…
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhà trường đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với việc thực hiện học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy. Động viên cán bộ, đảng viên, nhân viên đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ, huy động hàng nghìn ngày công để củng cố doanh trại, hệ thống biển, bảng, làm nhà để xe máy tập trung… Đặc biệt, để đào tạo nghề sát thực tế, nhà trường đã cử cán bộ, giáo viên đến các đơn vị quân đội, khu công nghiệp, công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất các địa phương trên địa bàn các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh để tìm hiểu, khảo sát nhu cầu lao động… xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch, tuyển sinh đào tạo nghề phù hợp. Coi trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; có cơ chế thu hút, tuyển dụng giáo viên có trình độ năng lực chuyên môn giỏi về giảng dạy tại nhà trường. Liên kết với Trường trung cấp Ấu Việt, TP Hồ Chí Minh đào tạo trung cấp y, dược; phối hợp Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ cán bộ, giáo viên… Hằng năm, tổ chức tốt tư vấn về học nghề và việc làm cho chiến sĩ, nhất là bộ đội ở 100% số các đơn vị thuộc Binh đoàn Cửu Long. Chủ động quan hệ chặt chẽ các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn đóng quân và các tỉnh lân cận để tìm nhu cầu lao động và giới thiệu việc làm cho học viên học nghề sau khi tốt nghiệp. Kết hợp giới thiệu việc làm cho học viên vừa học nghề tại nhà trường vừa đi làm thêm vào các ngày nghỉ để đỡ một phần khó khăn về kinh tế cho gia đình trong thời gian học tại trường… Đến nay, nhà trường đã đào tạo hơn 2.000 học viên sơ cấp nghề: công nghệ ô-tô; điện tử và điện dân dụng, hàn công nghiệp, lái xe ô-tô hạng B2 và hạng C… chủ yếu là thanh niên nông thôn; hơn 200 học viên trình độ trung cấp nghề: điều dưỡng đa khoa, dược sĩ trung cấp, công nghệ thông tin…
Theo Nhandan
Ý kiến ()