Tham gia bảo hiểm y tế: “Cứu cánh” của người nhiễm HIV
LSO- Đối với những người mắc bệnh hiểm nghèo, bảo hiểm y tế (BHYT) có ý nghĩa quan trọng. Với bệnh phải điều trị suốt đời như HIV/AIDS thì BHYT thực sự là một cứu cánh.
“Tài sản đảm bảo” sức khỏe
Bị nhiễm HIV và phải dùng thuốc ARV từ 5 năm nay, tháng nào, anh Hoàng Văn H. ở thị trấn Cao Lộc cũng đến Trung tâm Y tế huyện để thực hiện các xét nghiệm kiểm tra công thức máu, chức năng gan, thận, X-quang tim, phổi… Anh nói: “Tuy các xét nghiệm này không tốn nhiều tiền (xét nghiệm công thức máu 31 ngàn đồng, chức năng gan 20 ngàn đồng, X-quang tim phổi 32 ngàn đồng…) song có BHYT thì không ngại đi kiểm tra để các bác sĩ có cơ sở tư vấn về sức khỏe cho mình.
Ngược lại, anh Trần Văn T. ở thành phố Lạng Sơn đã dùng thuốc ARV 4 năm nay, song ít đi kiểm tra sức khỏe. Anh nói: “Đúng là số tiền không lớn nhưng mình cứ “ngại” bỏ ra. Chỉ khi nào các bác sĩ yêu cầu mới xin vợ mấy chục ngàn vào Bệnh viện Đa khoa thực hiện xét nghiệm và mang kết quả về nộp cho phòng điều trị ngoại trú”. Khi được hỏi: tại sao không mua thẻ BHYT, anh cho biết: cuộc sống phụ thuộc khiến anh rất ngại xin một khoản tiền lớn để mua BHYT theo kênh tự nguyện.
Cán bộ Trung tâm Y tế Cao Lộc cấp thuốc ARV cho bệnh nhân
Tỷ lệ mua BHYT thấp
Bác sĩ Đinh Thị Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Cao Lộc cho biết: Trung tâm hiện đang điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV cho 312 người, trong đó có 86 người trên địa bàn huyện. Theo điều tra, có khoảng 40% bệnh nhân có thẻ BHYT (chủ yếu là những bệnh nhân vùng cao, vùng dân tộc, thuộc hộ nghèo… được nhà nước chi trả tiền mua thẻ BHYT; tỷ lệ BHYT tự nguyện chỉ từ 5-7%). Những bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Trung tâm Y tế Cao Lộc luôn được hưởng dịch vụ tốt về các xét nghiệm cơ bản, kiểm soát bệnh tật. Và như vậy, các cán bộ y tế có cơ sở để tư vấn cho họ về giữ gìn sức khỏe, phòng chống các bệnh cơ hội. Đối với người không có thẻ BHYT (hoặc có thẻ nhưng không dùng) thường có tần suất xét nghiệm ít hơn; vì vậy, không có cơ sở để cán bộ y tế tư vấn kỹ và sâu.
Có một tâm lý chung là được bao cấp trong dùng thuốc ARV, xét nghiệm CD4, các loại thuốc chống nhiễm trùng hoặc bệnh cơ hội nên nhiều bệnh nhân HIV không cảm thấy cần thiết phải mua thẻ BHYT. Mặt khác, điều khiến họ ngại mua thẻ là không muốn bộc lộ danh tính vì e ngại sự phân biệt, kỳ thị.
Sẽ không còn bao cấp
Thạc sĩ Đào Đình Cường, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Lạng Sơn cho biết: theo lộ trình đến năm 2017, các khoản viện trợ hết hiệu lực, người bệnh sẽ không còn hưởng miễn phí thuốc ARV, xét nghiệm CD4 và các loại thuốc chống nhiễm trùng cơ hội nữa. Tuy giá thuốc ARV, các thuốc khác không quá cao (ARV khoảng 6 triệu đồng/ bệnh nhân/năm) song sẽ là vấn đề nan giải đối với người nhiễm HIV đang điều trị. Mua thẻ BHYT sẽ là giải pháp tài chính tốt nhất vì họ phải điều trị suốt đời.
Từ ngày 15/8/2015, Thông tư số 15/2015/TT-BYT, ngày 26/6/2015 của Bộ Y tế về “Hướng dẫn thực hiện khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS” sẽ có hiệu lực. Thông tư quy định rất rõ quyền lợi của những người nhiễm HIV/AIDS hoặc sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS… theo hướng thuận lợi nhất cho người bệnh. Vì vậy, mỗi bệnh nhân HIV và gia đình họ cần phải ý thức được tầm quan trọng của tấm thẻ BHYT ngay từ lúc này.
Bài, ảnh: MINH HỒNG
Ý kiến ()