Thái Nguyên siết chặt quản lý đào tạo lái xe ô-tô
Sau những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra gần đây trên địa bàn một số tỉnh làm nhiều người thiệt mạng, tỉnh Thái Nguyên siết chặt thực hiện các quy định, xử lý nghiêm các cơ sở đào tạo không đáp ứng yêu cầu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo lái xe ô-tô.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 9 cơ sở đào tạo lái xe ô-tô các hạng với lưu lượng 7.000 học viên, mỗi năm Sở Giao thông vận tải cấp khoảng 17 nghìn giấy phép lái ô-tô các hạng. Thời gian vừa qua, nhất là sau những vụ tai nạn nghiêm trọng tại một số tỉnh gần đây, Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên tăng cường kiểm tra, siết chặt việc đào tạo lái xe ô-tô, kiên quyết không cho thi cấp giấy phép lái xe đối với các trường hợp, các cơ sở đào tạo không đáp ứng quy định.
Trong đó, Sở Giao thông vận tải quản lý chặt chẽ việc tuân thủ các quy định tại Thông tư 04/TT-BGTVT, ngày 22/4/2022 (sửa đổi Thông tư 12/2017/TT-BGTVT) của Bộ Giao thông vận tải về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, có hiệu lực từ ngày 15/6/2022 đối với các cơ sở đào tạo lái xe ô-tô trên địa bàn.
Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở Giao thông vận tải) Nguyễn Quang Vinh, cho biết: “Chúng tôi kiểm tra tất cả cơ sở đào tạo phải lắp đặt thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết, thiết bị giám sát kilomet thực hành trên các ô-tô dạy tập lái. Các thiết bị này sẽ được truyền về để chúng tôi quản lý học viên có đủ thời gian học lý thuyết, đủ số kilomet thực hành thì mới cho thi chứng chỉ tốt nghiệp, sau đó là sát hạch cấp giấy phép lái xe”.
Nếu các cơ sở đào tạo lái xe ô-tô chưa lắp cabin mô phỏng lái xe, đây là thiết bị mô phỏng lái xe giúp học viên xử lý các tình huống khi tham gia giao thông thì Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên chưa cho phép cơ sở đào tạo lái xe ô-tô hoạt động, tuyển sinh.
“Các cơ sở đào tạo lái xe ô-tô trên địa bàn tỉnh chia sẻ, do có thời gian nghiên cứu, lộ trình chuẩn bị và là điều kiện bắt buộc nên chúng tôi chủ động lắp đặt cabin để học viên học thao tác số nóng, số nguội; phần mềm mô phỏng tình huống giao thông, lắp đặt thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết, giám sát quỹ kilomet thực hành theo quy định”, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Sở Giao thông vận tải sẽ kết hợp kiểm tra, giám sát trực tiếp và ứng dụng chuyển đổi số để giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định của các cơ sở đào tạo lái xe, buộc cơ sở đào tạo và học viên phải nghiêm túc trong việc dạy và học lái xe, chấm dứt tình trạng học lý thuyết không đầy đủ; đặc biệt học viên phải thực hành lái xe đủ số kilomet theo quy định, đối với hạng B1 và B2 là thực hành đủ 1.000km thì mới được dự thi sát hạch, tránh tình trạng cắt xén thực hành để tiết kiệm xăng, tiết kiệm thời gian.
Với các quy định mới được áp dụng từ 15/6 tới đây theo Thông tư 04/TT-BGTVT; các cơ sở đào tạo lái xe ô-tô trên địa bàn có lộ trình, thời gian chuẩn bị và sự quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nghiêm túc của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, chất lượng đào tạo lái xe ô-tô trên địa bàn sẽ được nâng lên, góp phần giảm thiểu tai nạn.
Ý kiến ()