Thái Nguyên: Nỗ lực cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Ảnh minh hoa. (Ảnh:M.P)-Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút đầu tư và phát triển sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp. Mặc dù kết quả thu hút đầu tư trên địa bàn đã có nhiều biến chuyển tích cực nhưng so với điều kiện, tiềm năng thế mạnh của tỉnh vẫn chưa tương xứng, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vẫn ở mức thấp trong cả nước.Theo Báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2011 (PCI 2011) của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, tỉnh Thái Nguyên xếp thứ hạng 57/63 tỉnh thành, trong 9 chỉ số thành phần của chỉ số PCI năm 2011, tỉnh Thái Nguyên có 3 chỉ số có thứ hạng cao và 6 chỉ số thành phần có thứ hạng thấp hơn.Theo nhận định của UBND tỉnh Thái Nguyên, nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành vẫn còn nhiều hạn chế, đôi khi thiếu kiên quyết và chưa được quan tâm đúng...
– Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút đầu tư và phát triển sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp. Mặc dù kết quả thu hút đầu tư trên địa bàn đã có nhiều biến chuyển tích cực nhưng so với điều kiện, tiềm năng thế mạnh của tỉnh vẫn chưa tương xứng, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vẫn ở mức thấp trong cả nước.
Theo Báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2011 (PCI 2011) của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, tỉnh Thái Nguyên xếp thứ hạng 57/63 tỉnh thành, trong 9 chỉ số thành phần của chỉ số PCI năm 2011, tỉnh Thái Nguyên có 3 chỉ số có thứ hạng cao và 6 chỉ số thành phần có thứ hạng thấp hơn.
Theo nhận định của UBND tỉnh Thái Nguyên, nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành vẫn còn nhiều hạn chế, đôi khi thiếu kiên quyết và chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và với đối tượng phục vụ chưa tích cực, thiếu chặt chẽ và đồng bộ, công tác hỗ trợ và tiếp thu xử lý các thông tin cũng như giúp doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh các thủ tục phát triển sản xuất kinh doanh còn hạn chế… nên năng lực cạnh tranh của tỉnh chưa được cải thiện nhiều, một số chỉ tiêu thành phần PCI của tỉnh còn có điểm số thấp so với cả nước.
Đại diện các doanh nghiệp tại tỉnh Thái nguyên cũng cho rằng những nỗ lực về giải pháp hành chính của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh thời gian qua chỉ có tác động, tác dụng tạm thời, để chỉ số PCI của tỉnh lọt vào tốp 15 địa phương dẫn đầu cả nước phải có sự thay đổi theo hướng tích cực từ cơ chế đến việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, nhất là về giải quyết thủ tục hành chính và chính sách quản lý đất đai của tỉnh. Trước nhiều ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp trên địa bàn, Thái Nguyên đã chỉ đạo coi cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư là một trong những nội dung chính trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp.
Theo đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, doanh nhân, đảm bảo chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả, tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau: tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; giải quyết những khiếu nại của công dân và cộng đồng doanh nghiệp; quan tâm đào tạo lao động; quản lý đất đai; đẩy mạnh xây dựng quy hoạch và công bố quy hoạch, có chính sách hỗ trợ pháp lý, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại; rà soát bãi bỏ hoặc đề nghị bãi bỏ những quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để phát triển doanh nghiệp, giảm tối đa chi phí không chính thức mà các doanh nghiệp phải chi trả, giảm các cuộc thanh tra doanh nghiệp, giảm huy động, đóng góp của doanh nghiệp.
Được biết, tỉnh Thái Nguyên đang tập trung chỉ đạo quyết liệt để nâng cao điểm số các chỉ số thành phần của PCI còn đang xếp hạng thấp như: dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, môi trường kinh doanh minh bạch và việc tiếp cận thông tin kinh doanh thuận lợi, tính năng động và tiên phong, tiếp cận đất đai dễ dàng và ổn định trong sử dụng đất của doanh nghiệp.
Cụ thể, đối với dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh Thái Nguyên yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác thông tin dự báo, đánh giá đúng tình hình, làm rõ khó khăn, vướng mắc có biện pháp tháo gỡ nhằm duy trì và thúc đẩy phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tổ chức diễn đàn trao đổi thường xuyên giữa chính quyền với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp với cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp mới thành lập: đăng ký lao động, bảo hiểm, nộp thuế, hải quan, các văn bản quy phạm pháp luật mới của tỉnh và nhà nước…
Đồng thời, công bố rộng rãi, cập nhật thông tin về doanh nghiệp đã đăng ký, mới thành lập và thay đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tìm kiếm đối tác kinh doanh cũng như thuận tiện trong các giao dịch.
Hỗ trợ doanh nghiệp về tư vấn pháp lý thông tin thị trường, tư vấn xây dựng chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, đào tạo nhà quản lý và người lao động….
Tỉnh cũng khuyến khích tạo điều kiện phát triển thị trường dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, bình ổn giá, kiềm chế lạm phát trên địa bàn. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư. Gắn kết hoạt động xúc tiến thương mại với hoạt động khuyến công để tạo hiệu quả cao hơn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, tỉnh Thái Nguyên cũng khuyến khích các doanh nghiệp tham gia cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công. Thực hiện các biện pháp hạn chế cạnh tranh không lành mạnh. Đẩy mạnh sự phát triển hạ tầng, nhất là về cung cấp điện và giao thông, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tăng năng suất lao động. Khuyến khích xã hội hóa, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, xây dựng các khu công nghệ cao.
Đặc biệt, đối với chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, cần hoàn thành công tác lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất trong giai đoạn 2011-2015 ở 3 cấp: tỉnh, huyện và xã, phường. Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng nhằm minh bạch hóa tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất, đảm bảo cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, hỗ trợ khảo sát địa điểm, cung cấp thông tin quy hoạch, giải quyết các thủ tục đầu tư xây dựng…
Hoàn chỉnh đồng bộ hoạt động giám sát của chính quyền địa phương các cấp và cơ quan quản lý đầu tư xây dựng về việc thực hiện quy hoạch xây dựng, trên cơ sở đó đẩy mạnh phân cấp quản lý, nâng cao năng lực của chính quyền cơ sở. Đồng thời công bố công khai quy hoạch cho các tổ chức, cá nhân biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện quy hoạch.
Đáng chú ý, cần rà soát, thống kê và thu hồi đất của các dự án không triển khai, giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật. Có giải pháp cụ thể đối với các dự án chậm triển khai do nguyên nhân khách quan.
Đối với chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin cũng được tỉnh Thái Nguyên đặt ra mục tiêu phấn đấu 100% các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính được công khai, thông tin cho doanh nghiệp qua các kênh thông tin như cổng thông tin điện tử của tỉnh, các trang web của các Sở, ngành, địa phương, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là qua sự hoạt động cung cấp hỗ trợ thông tin của các hiệp hội doanh nghiệp,…Thực hiện công khai minh bạch, hướng dẫn rõ ràng và thường xuyên cập nhật thông tin, tập trung trên các lĩnh vực quản lý xây dựng, đất đai, cấp giấy phép đầu tư, thành lập doanh nghiệp, kê khai và nộp thuế, phí và lệ phí, hải quan…
Đặc biệt, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội trong tư vấn và phản biện các chính sách của tỉnh. Tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tham gia đóng góp ý kiến về các quy định, chính sách của Nhà nước bằng cách tăng cường các cuộc đối thoại doanh nghiệp – chính quyền, thông qua Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, thông qua website của tỉnh và thông qua các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề. Trong 9 chỉ số cấu thành PCI, quan trọng nhất vẫn là tính năng động và tiên phong của lãnh đạo địa phương. Vì vậy, phải có được sự quyết tâm của bộ máy hành chính, phải đột phá vào việc xây dựng các cơ chế điều hành và sự năng động của đội ngũ công chức nhằm chuyển đổi mạnh mẽ hệ thống bộ máy chính quyền sang hành chính phục vụ, từ đó cải thiện môi trường đầu tư, đây cũng là yếu tố quyết định cải thiện năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Thái Nguyên cũng đặt ra yêu cầu đổi mới toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng bộ máy hành chính. Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo và tiên phong của lãnh đạo các cấp chính quyền và đội ngũ cán bộ công chức trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Quán triệt tới từng cán bộ, công chức về quan điểm cần sáng tạo vận dụng các cơ chế chính sách trong việc giải quyết các công việc nói chung, đặc biệt là tháo gỡ các trở ngại đối với cộng đồng doanh nghiệp theo hướng tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Đề cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Nhờ những nỗ lực của các cấp, các ngành theo báo kết quả 9 tháng năm 2012 của UBND tỉnh Thái Nguyên tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn đã có nhiều diễn biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của tỉnh ước đạt 6,3% (cả nước ước đạt 5,35%); chỉ số toàn ngành công nghiệp tăng 6,7% (cả nước tăng khoảng 4,8%); tỉnh đã tiếp và làm việc với gần 100 nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tìm cơ hội đầu tư tại Thái Nguyên; chấp thuận và cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho trên 90 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 8.000 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng khoảng 1.000 ha; lũy kế đến tháng 9/2012, trên địa bàn tỉnh đã có gần 600 dự án được UBND tỉnh chấp thuận và cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký khoảng 180.588 tỷ đồng, diện tích đất dự kiến sử dụng trên 9.100 ha (chưa kể dự án Tổ hợp khu đô thị, nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ Yên Bình). |
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()