Thái Nguyên - điểm sáng thu hút đầu tư
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, nhưng từ cuối năm 2020 đến nay, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phát huy tiềm năng lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính cho nên đã thu hút đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký lên tới hơn 2,1 tỷ USD.
Lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thái Nguyên thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các công trình giao thông để đẩy mạnh thu hút đầu tư. |
Trong đó, tỉnh cấp mới 26 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 755,6 triệu USD, tăng vốn đầu tư cho 34 lượt dự án FDI với tổng vốn đăng ký tăng thêm 1,33 tỷ USD và chấp thuận 10 nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp với tổng giá trị vốn góp là 826,5 tỷ đồng (tương đương 35,8 triệu USD).
Trong số 26 dự án FDI cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, có 21 số dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư đăng ký là 713 triệu USD, chiếm 80,8% về số dự án và 94,4% về tổng vốn đầu tư đăng ký. Singapore là quốc gia có vốn đầu tư đăng ký mới lớn nhất với 245 triệu USD vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Đối với 34 lượt dự án thực hiện tăng vốn đầu tư, các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc có 24 lượt dự án với tổng vốn đăng ký tăng thêm 1,23 tỷ USD, đều là các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo.
Như vậy, tổng vốn FDI đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên sau hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020-2025 là hơn 2,1 tỷ USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 172 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đầu tư khoảng 10,3 tỷ USD, đứng thứ tư toàn quốc về thu hút vốn đầu tư FDI. Nguồn lực này đang thật sự là động lực phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Thái Nguyên.
Đạt được kết quả đó, là nhờ sự nỗ lực quyết tâm của hệ thống chính trị, từ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đến các sở, ban, ngành, địa phương, thể hiện hướng đi đúng đắn của tỉnh Thái Nguyên. Trong bối cảnh Covid-19 với nhiều khó khăn, thách thức đặt ra cho doanh nghiệp, bên cạnh các chính sách của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, tỉnh Thái Nguyên nỗ lực thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại 208 cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh, trong đó 19 trong số 20 sở, ban, ngành (trừ Thanh tra tỉnh), tất cả chín Ủy ban nhân dân cấp huyện và 178 Ủy ban nhân dân cấp xã.
Như tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thái Nguyên, các sở, ban, ngành cử cán bộ túc trực, thường xuyên tiếp nhận, xử lý hồ sơ thủ tục hành chính, trả kết quả và giám sát, kiểm tra tiếp nhận, hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính cho nên công việc của doanh nghiệp, người dân được giải quyết nhanh chóng, không phiền hà.
Mặt khác, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, tỉnh quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tiêm vắc-xin cho chuyên gia và công nhân các doanh nghiệp FDI. UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành hỗ trợ, giải đáp và hướng dẫn nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh, định kỳ báo cáo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Thông qua các cuộc họp trực tuyến, trực tiếp, tỉnh Thái Nguyên ghi nhận và kịp thời xử lý các đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư trong quá trình triển khai các dự án. Nhờ đó, có nhiều dự án FDI sau khi đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhà đầu tư tiếp tục tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất tại tỉnh Thái Nguyên. Tỉnh tập trung các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu phục vụ thu hút đầu tư, trong đó trọng tâm là hạ tầng về giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài; bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu, cụm công nghiệp, nơi tập trung nhiều nhà đầu tư nước ngoài; tập trung các nguồn lực để tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phục vụ thu hút đầu tư, trong đó trọng tâm là hạ tầng giao thông, đồng bộ hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Tỉnh xây dựng tài liệu, cơ sở dữ liệu xúc tiến đầu tư; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu môi trường, chính sách đầu tư; chủ động nắm bắt, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, củng cố vững chắc lòng tin của các nhà đầu tư. Qua đó, góp phần tích cực đưa Thái Nguyên là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại vào năm 2030.
Ý kiến ()