Thái Nguyên chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp
Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Ðảng bộ xã Cổ Lũng (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Tỉnh thành lập Tiểu ban Nhân sự Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh khóa 20, nhiệm kỳ 2020-2025 và yêu cầu tiểu ban thực hiện nghiêm Kết luận số 55 ngày 15-8-2019 của Ban Bí thư về tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Ðại hội XIII của Ðảng; kiện toàn nhân sự Ủy viên Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy và các chức danh khác thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy và Trưởng đoàn đại biểu QH tỉnh khóa mới bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, đúng quy trình, quy định. Tỉnh cũng chỉ đạo cấp ủy các cấp tiếp tục thực hiện công tác rà soát, quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025 về tiêu chuẩn chính trị cán bộ, đảng viên theo phân cấp quản lý; quan tâm các nhân sự được dự kiến giới thiệu mới, nhân sự dự kiến tái cử vào cấp ủy các cấp, bố trí làm cán bộ chủ chốt. Việc rà soát, bổ sung quy hoạch để chuẩn bị một bước nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 đã được các cấp ủy đảng thực hiện bài bản, đúng quy trình và hoàn thành trong quý IV-2019. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phê duyệt bổ sung quy hoạch nhiệm kỳ 2020-2025 đối với chức danh Ủy viên Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh 102 đồng chí; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy 30 đồng chí. Việc xây dựng các dự thảo văn bản tổng kết về công tác nhân sự nhiệm kỳ 2015-2020 và dự thảo Ðề án nhân sự Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra, nhiệm kỳ 2020-2025 được thảo luận, thông qua tại hai phiên họp Tiểu ban Nhân sự đại hội cấp tỉnh.
★ Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, TP Ðà Nẵng chỉ đạo các ban, sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện đề án Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch. Cụ thể, thành phố tập trung các chỉ tiêu như: Ðạt sản lượng nước mắm tiêu thụ từ 200 đến 250 nghìn lít/năm; nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì, nhãn mác của sản phẩm để tạo thương hiệu riêng, đặc sắc của vùng miền, từ đó nâng cao giá trị thương mại của sản phẩm nước mắm Nam Ô; tăng thu nhập bình quân đầu người từ nghề đạt từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng vào năm 2020 và đạt từ 4,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng vào năm 2025. Thành phố hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao trình độ quản lý, kinh doanh… cho hội làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô và 100% chủ hộ gia đình, chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã tại làng nghề. Ðể làng nghề nước mắm Nam Ô trở thành điểm du lịch, thành phố đã chỉ đạo địa phương khai thác tiềm năng các di tích, phong cảnh cũng như các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Ðề án cũng đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: Bảo tồn và phát triển làng nghề nước mắm Nam Ô bằng cách khôi phục đội tàu đánh cá nhằm chủ động nguồn nguyên liệu, khuyến khích tạo điều kiện cho người dân đóng mới tàu thuyền, tham gia đánh bắt cá nhằm tăng quy mô và sản lượng phục vụ nghề mắm. Bên cạnh đó, thành phố đầu tư cơ sở hạ tầng chỉnh trang đô thị, bảo đảm an ninh trật tự và vệ sinh môi trường; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng cáo, tiếp thị; xây dựng khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm; kết nối tổ chức các tua du lịch…
Ý kiến ()