Trong số 142 người chưa được EC xác nhận trúng cử hợp lệ, có 55 người bị phạt 'thẻ vàng', 'thẻ đỏ' sẽ có 30 ngày để làm rõ đúng, sai. Những người khác vướng đơn kiện cáo sẽ được các bộ phận chức năng EC làm rõ trắng, đen. Trong đó có những nhân vật có tên tuổi trên chính trường và xã hội nước này như bà Dinh-lắc Xin-na-vắt đứng đầu đảng Phưa Thái (PT); ông A-bi-xít từng là nhân vật số 1 của đảng Dân chủ (DP), đương kim Thủ tướng tạm quyền Thái-lan; cựu Chủ tịch Hạ viện (vừa giải thể) Chai Chít-chốp…
Cuộc bỏ phiếu đồng nghĩa một cuộc 'sát hạch' về sự ủng hộ của cử tri dành cho đảng hoặc cá nhân cụ thể. Với cuộc đua trung bình bảy người chọn một, mỗi cử tri khi bầu được phát hai phiếu, một bầu cho đảng và một bầu trực tiếp người ứng cử. Ba tiêu chí chung được nhiều cử tri dựa vào để lựa chọn bầu cho đảng: người đứng đầu đảng; chính sách, khả năng và uy tín của đảng. Người đứng đầu danh sách đảng đồng nghĩa với gương mặt của đảng tranh ghế thủ tướng. Đối với phiếu bầu trực tiếp, cử tri chọn lựa người có tài, có đức.
Kết quả, trong số 40 đảng cử người tham gia tranh cử, chỉ có 11 đảng có người đắc cử, trong đó có 10 đảng trúng theo danh sách đảng (DSĐ); tám đảng có người đắc cử khi bầu trực tiếp. Đảng PT đã giành được nhiều ghế nhất, được dư luận nước này mô tả 'long trời lở đất' với 265 ghế ( 204 trực tiếp và 61 theo DSĐ). Đảng DP cầm quyền có 159 chỗ (115 và 44), được coi là 'thất bại thảm hại', dẫn tới việc các lãnh đạo hàng đầu đảng từ chức. Đứng thứ ba là đảng Bum-gia Thái (BJT) với 34 ghế (29 và 5). Tám đảng khác chia nhau 42 ghế còn lại. Thủ đô Băng-cốc là nơi thử sức giữa người giữ 'pháo đài' là DP và người 'tiến công' PT, với kết quả được coi là chiến thắng 'an ủi' của DP, khi còn giữ được 23 trong tổng số 33, PT giành 10 ghế. Nếu tô mầu đỏ cho vùng PT thắng và mầu xanh cho DP, bản đồ bốn vùng Thái-lan gồm: đông-bắc và bắc mầu đỏ; miền nam mầu xanh; miền trung và Băng-cốc xanh đỏ xen kẽ.
Phiên họp đầu tiên, các vị trí chủ chốt trong Hạ viện mới và Thủ tướng được chỉ định phải được người đứng đầu Nhà nước chấp thuận, sau đó phê chuẩn. Ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu, PT nhanh chóng tìm đối tác liên minh với năm đảng khác, chuẩn bị thành lập Chính phủ liên hiệp mới, gồm sáu đảng với hơn 300 ghế trong Hạ viện. Bà Dinh-lắc 44 tuổi (em gái út của cựu Thủ tướng bị lật đổ Thặc-xỉn), ngôi sao đang lên trên sân khấu chính trị, gương mặt sáng giá nhất của vị Thủ tướng Thái-lan thứ 28 và người phụ nữ đầu tiên ở Thái-lan giữ trọng trách này (hai phần ba số người được thăm dò coi đó là một trong những niềm tự hào mới của Thái-lan). Dinh-lắc đang là biểu tượng nụ cười, dấy lên phong trào nữ quyền của Thái-lan, vốn lâu nay bị xem nhẹ.
Sau bầu cử, kết quả đã ngã ngũ, các lực lượng chính trị, phong trào đối nghịch tiếp tục chống phá nhau. Nhiều nhóm thuộc Liên Nhân dân vì dân chủ (PAD-lực lượng chống bầu cử) nộp đơn lên tòa án đòi hủy kết quả tổng tuyển cử, đòi giải tán PT. Phe đối lập trong Hạ viện đang hình thành gồm DP, đảng Tình yêu nước Thái và một vài đảng nhỏ khác bắt đầu công kích liên minh do PT làm nòng cốt.
Sau tổng tuyển cử, tình hình Thái-lan vẫn phức tạp như vốn có, nhưng hãy đặt nó trong bối cảnh chính trị, xã hội nước này đã và đang có nhiều thay đổi rõ nét, các lực lượng chính trị, xã hội cũng có những dịch chuyển và thay đổi lợi thế trông thấy. Các lực lượng, các nhóm lợi ích dường như đang toan tính tìm giải pháp 'ít xấu', tạm chấp nhận được để tránh mất mát quá nhiều cho nước Thái và cho chính phe cánh của họ.
Ý kiến ()