Thái-lan mở rộng sân bay quốc tế
Sân bay quốc tế Xu-va-na-bum. Ban giám đốc Công ty sân bay Thái-lan PLC (AOT) thông qua ngân sách 163 tỷ bạt (tương đương 5,5 tỷ USD) mở rộng sân bay quốc tế Xu-va-na-bum (Băng-cốc). Để có thể tiếp nhận 103 triệu lượt khách/năm vào năm 2024.Chủ tịch AOT, ông Ti-ra-pôn Noo-pram-pa cho biết, kế hoạch mở rộng đã được nhất trí thông qua và ngân sách được chia thực hiện làm ba giai đoạn. Từ năm 2013 đến 2016, xây thêm một nhà ga hành khách cho các chuyến bay trong nước; làm thêm đường băng thứ ba; xây bãi đậu xe cho hành khách đi các chuyến bay trong nước và hệ thống đường nội bộ liên kết các khu trong sân bay và ra bên ngoài với chi phí 21,8 tỷ bạt. Giai đoạn hai, từ năm 2017 đến 2020, vốn chi 43,4 tỷ bạt để mở rộng và hiện đại hóa nhà ga đưa đón khách trong nước và quốc tế của sân bay Xu-va-na-bum; xây đường băng thứ tư. Giai đoạn ba, từ năm 2020 đến 2024, với số tiền đầu tư 98,3 tỷ bạt, xây đường băng thứ năm; nâng cấp, hiện đại hóa...
|
Chủ tịch AOT, ông Ti-ra-pôn Noo-pram-pa cho biết, kế hoạch mở rộng đã được nhất trí thông qua và ngân sách được chia thực hiện làm ba giai đoạn. Từ năm 2013 đến 2016, xây thêm một nhà ga hành khách cho các chuyến bay trong nước; làm thêm đường băng thứ ba; xây bãi đậu xe cho hành khách đi các chuyến bay trong nước và hệ thống đường nội bộ liên kết các khu trong sân bay và ra bên ngoài với chi phí 21,8 tỷ bạt. Giai đoạn hai, từ năm 2017 đến 2020, vốn chi 43,4 tỷ bạt để mở rộng và hiện đại hóa nhà ga đưa đón khách trong nước và quốc tế của sân bay Xu-va-na-bum; xây đường băng thứ tư. Giai đoạn ba, từ năm 2020 đến 2024, với số tiền đầu tư 98,3 tỷ bạt, xây đường băng thứ năm; nâng cấp, hiện đại hóa thiết bị máy móc nhà ga, mở rộng khu vực bãi đậu xe.
Sân bay Xu-va-na-bum (đất vàng) nằm ở Bang Phli, tỉnh Xạ-mụt Pra-can, cách Băng-cốc khoảng 25 km về phía đông-nam. Từ sân bay có các tuyến đường cao tốc hiện đại (đường bộ, đường sắt trên cao) chạy vào Thủ đô và đến vùng công nghiệp phía đông Thái-lan, tới cảng Lẻm-trà-băng. Sân bay hoạt động chính thức vào ngày 28-9-2006. Là sân bay xếp thứ 18 trong danh sách những sân bay nhộn nhịp nhất thế giới và thứ ba ở châu Á có công suất phục vụ tối đa 45 triệu khách và ba triệu tấn hàng hóa/năm, sân bay này sẽ quá tải trong vài năm tới. Hình dáng sân bay mới lạ do hai kiến trúc sư Mơ-phy và Gian thuộc Hãng thiết kế Mơ-phy/Gian và cộng sự thiết kế, có đài không lưu cao nhất thế giới (132,2 m), nhà ga rộng 563 nghìn m2, chỉ nhỏ hơn nhà ga của sân bay quốc tế Hồng Công (Trung Quốc) 570 nghìn m2 (lớn nhất thế giới). Với hai đường băng song song rộng 60 m, dài 4.000 m và dài 3.700 m, cùng lúc máy bay có thể cất cánh và hạ cánh. Với 120 cửa đỗ máy bay, trong đó có năm cho máy bay cỡ lớn Airbus A380, trong một giờ sân bay có thể phục vụ xong cho 76 chuyến bay đến và đi. Trước sân ga có khách sạn 600 phòng Novotel của Tập đoàn Accor (Pháp). Hai nhà đậu xe năm tầng với 5.000 chỗ.
Trong năm tài chính 2010 (từ ngày 1-10-2009 đến 30-9-2010), riêng sân bay Xu-va-na-bum đón, đưa 42,7 triệu lượt khách, vận chuyển 728.086 tấn hàng hóa. Ngoài Xu-va-na-bum, AOT quản lý các sân bay quốc tế khác như Đôn Mường, Phu-kệt, Chiềng Mai, Chiềng Rai và Hạt Dày. Năm tài chính 2011, các sân bay quốc tế của Thái-lan sẽ đón khoảng 65 triệu hành khách, tăng 13%; tăng 8% về chuyến bay, đạt 418 nghìn chuyến. Riêng Xu-va-na-bum chiếm 72% tổng lượng hành khách, 65,94% tổng số chuyến bay và 94,37% tổng lượng vận chuyển hàng hóa của các sân bay do AOT điều hành, khai thác.
Kế hoạch xây sân bay quốc tế mới của Băng-cốc thay cho sân bay quốc tế Đôn Mường, có từ năm 1960, vùng đất rộng hơn 32 km2 được mua năm 1973 để xây dựng sân bay mới. Đã có nhiều lần định khởi công, nhưng luôn bị trì hoãn, ngăn cản bởi các cuộc khủng hoảng chính trị năm 1973 và tài chính năm 1997. Vùng đất này trước đây là đầm lầy Nong Ngu Hao (đầm lầy hổ mang), phải mất năm năm (từ năm 1997 đến 2001) mới san lấp và giải tỏa mặt bằng. Năm 2005, AOT tiếp quản việc giám sát thi công xây dựng. Với số vốn đầu tư hơn 4,5 tỷ USD, diện tích xây dựng 32,8 km2, một nửa chi phí xây dựng sân bay từ vốn của AOT, nửa khác vay của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC). JBIC hướng dẫn nghiêm ngặt quy định minh bạch và công khai đấu thầu các dự án và mua sắm thiết bị. Từ sân bay có nhiều phương tiện để tới trung tâm Băng-cốc, giá cước ta-xi khoảng 270 bạt/chuyến, xe buýt và tàu điện trên cao (có tốc độ 160 km/giờ) giá 150 bạt/người, ta-xi hạng sang giá khoảng 2.000 bạt/chuyến, v.v.
Đôn Mường được xây dựng năm 1914, nhiều lần được nâng cấp, mở rộng và có khả năng phục vụ 30 triệu lượt khách/năm, nhưng đã bị thành phố Băng-cốc mở rộng bao bọc. Đôn Mường từng là sân bay số 1 khu vực Đông – Nam Á, sau đó bị hạ ngôi bởi sân bay Chan-gi của Xin-ga-po (đi vào hoạt động đầu những năm 1990) về tính hiện đại và tiêu chuẩn dịch vụ cao của Chan-gi. Sân bay mới Su-bang ở Thủ đô Cu-a-la Lăm-pơ (Ma-lai-xi-a) mở cửa năm 1998, với công suất phục vụ 60 triệu hành khách/năm, với những tiện nghi tối tân và chất lượng dịch vụ hoàn hảo nhất.
Tại Thái-lan, nước đứng trước thực tế bị xói mòn vị trí là trung tâm hàng không khu vực ASEAN, đã nổ ra các cuộc tranh cãi của giới chuyên môn và cơ quan có trách nhiệm nhằm duy trì lợi thế địa lý về dịch vụ hàng không. Ngày nay, các nước ASEAN chưa có các sân bay quốc tế lớn hàng đầu thế giới, nhưng đã có các sân bay trong danh sách các sân bay lớn của thế giới. Đáng chú ý là kỷ lục sân bay lớn của khu vực này luôn thay đổi nhanh hơn bất kỳ các khu vực nào khác của thế giới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()