Thái-lan mở "cuộc chiến chống ma túy" mới
Cảnh sát Thái-lan canh gác số lượng lớn ma túy bị thu giữ. Tại Thái-lan, thời gian gần đây, do các cấp chính quyền "bận" đối phó những bất ổn chính trị, xã hội dẫn đến các loại tội phạm gia tăng, trong đó có tệ nạn ma túy. Từ 490 nghìn vụ lạm dụng ma túy năm 2007, con số này đã tăng gấp ba lần trong vòng bốn năm qua. Tệ nạn ma túy đã lan đến 60 nghìn trong số 80 nghìn ngôi làng trên cả nước.Theo cam kết khi tranh cử và thực hiện ba nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong chương trình hành động của Chính phủ mới ở Thái-lan, gồm chống buôn lậu ma túy, chống tham nhũng và kiến tạo hòa bình ở miền nam nước này, mới đây, Thủ tướng Thái-lan Dinh-lắc đã chủ trì lễ phát động chiến dịch phòng, chống buôn bán và cai nghiện ma túy, đồng thời ra mắt Trung tâm điều hành. Phó Thủ tướng, phụ trách an ninh nội địa Chạ-lớm được cử làm Giám đốc trung tâm. Sáu bộ, gồm: Nội vụ, Tư pháp, Quốc phòng, Y tế, Lao động và Ngoại giao...
|
Theo cam kết khi tranh cử và thực hiện ba nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong chương trình hành động của Chính phủ mới ở Thái-lan, gồm chống buôn lậu ma túy, chống tham nhũng và kiến tạo hòa bình ở miền nam nước này, mới đây, Thủ tướng Thái-lan Dinh-lắc đã chủ trì lễ phát động chiến dịch phòng, chống buôn bán và cai nghiện ma túy, đồng thời ra mắt Trung tâm điều hành. Phó Thủ tướng, phụ trách an ninh nội địa Chạ-lớm được cử làm Giám đốc trung tâm. Sáu bộ, gồm: Nội vụ, Tư pháp, Quốc phòng, Y tế, Lao động và Ngoại giao được huy động phối hợp cùng hành động. Chiến dịch phòng, chống tệ nạn ma túy nói trên được phương tiện truyền thông nước này gọi là “cuộc chiến chống ma túy” mới.
Những năm trước, một chiến dịch tương tự, được gọi là “cuộc chiến chống ma túy thứ nhất”, được khởi động năm 2003 ở Thái-lan, kết quả không đạt yêu cầu, nhưng có tới hơn 2.600 nghi phạm đã bị giết, trong đó có nhiều trường hợp đáng ngờ. Cuối tháng 12-2010, cảnh sát Thủ đô Băng-cốc và vùng lân cận tiến hành chiến dịch lớn, trấn áp các loại tội phạm ma túy, mở màn cho chiến dịch phòng, chống tội phạm ma túy được báo chí nước này gọi là “cuộc chiến chống ma túy thứ hai”. Đến giữa năm nay, Băng-cốc chuyển giao quyền lực, chiến dịch tạm ngừng, chính quyền mở chiến dịch mới nhằm ngăn chặn và tiết giảm tệ nạn.
Chính phủ của Thủ tướng Dinh-lắc tiến hành “cuộc chiến chống ma túy” mới với hai mũi chủ công, gồm trấn áp buôn bán, vận chuyển ma túy và giúp cai nghiện để hòa nhập cộng đồng. Chính phủ thông qua chương trình hành động sáu điểm phòng, chống ma túy: Lập kế hoạch phòng, chống ma túy trên toàn quốc, trong đó phân công rõ trách nhiệm cho các quan chức; phân công cán bộ có trách nhiệm tham gia; lập trung tâm thông tin về các nhóm buôn lậu ma túy từ địa bàn huyện đến tỉnh và toàn quốc; xác định danh tính 400 nghìn người nghiện ma túy, giúp họ cai nghiện trong đợt đầu; lập cơ chế hoạt động cho các trung tâm chỉ huy phòng, chống ma túy địa phương, giúp các cấp khu vực hoạt động; xác định thẩm quyền và trách nhiệm của từng khu vực, giao trách nhiệm cụ thể cho quan chức địa phương; tăng cường quyền hạn và trách nhiệm các cộng đồng địa phương để ngăn chặn lạm dụng ma túy, tuyên truyền đưa vào cuộc sống triết lý nền kinh tế vừa đủ và hỗ trợ các quỹ giúp đỡ phòng, chống và cai nghiện ma túy.
Những kẻ buôn lậu ma túy phải đối mặt với các quy định nghiêm minh của pháp luật. Các quan chức chính quyền phải cùng cấp trên và các cơ quan hữu quan vạch ra các biện pháp phòng ngừa để dập tắt nạn buôn lậu ma túy. Những kẻ bị bắt giữ về tội buôn lậu ma túy, có thể bị tịch thu tài sản. Bất cứ người nào nộp tiền bảo lãnh cho nghi phạm buôn lậu ma túy sẽ bị điều tra chống rửa tiền. Các nước có Hiệp định phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia với Thái-lan sẽ được yêu cầu giúp ngăn chặn buôn lậu ma túy. Để giải quyết điều kiện tù nhân quá đông và ngăn chặn người bị kết án ma túy trở lại buôn bán ma túy sau khi được thả, các tù nhân sẽ được khuyến khích đào tạo nghề nghiệp trong năm cuối của án tù.
Ước tính có khoảng 70% lượng ma túy được đưa vào Thái-lan qua ngả biên giới giáp Mi-an-ma. Số trạm kiểm soát của quân đội và cảnh sát dọc đường biên giáp với Mi-an-ma tại các tỉnh Chiềng Rai, Chiềng Mai và Me Hong Son sẽ được xây dựng tăng thêm gấp ba lần. Các đội cảnh sát đặc biệt chống ma túy có trang bị đầy đủ vũ khí, phương tiện và tiền bạc được điều đến các khu vực biên giới phía bắc, nơi có các tỉnh giáp biên với Mi-an-ma, nhằm ngăn chặn các băng buôn lậu ma túy xuyên biên giới. Giữa tháng 7 vừa qua, Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của LHQ (UNODC) thông báo, diện tích trồng thuốc phiện ở Mi-an-ma (chủ yếu ở bang San dọc biên giới với Thái-lan) tăng 20% trong năm 2010, lên 38,1 nghìn ha và thu được khoảng 330 tấn thuốc phiện (tăng gần 50% so với năm 2009, số thuốc phiện này tương đương hơn 30 tấn hê-rô-in). Phần lớn thuốc phiện được giới buôn lậu đưa đến Thái-lan. Năm nay diện tích trồng thuốc phiện ở Mi-an-ma mở rộng hơn năm ngoái.
Các vấn đề liên quan lĩnh vực thông tin tình báo, vai trò của các quan chức có trách nhiệm, quy định của luật pháp và thái độ của cộng đồng địa phương đối với ma túy được chú trọng nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống ma túy. Khoảng 60 nghìn trung tâm thể thao, giải trí sẽ được xây dựng thêm trong cả nước, làm nơi vui chơi lành mạnh cho thanh, thiếu niên, giúp họ tránh xa ma túy. Đợt đầu, hơn 400 nghìn người nghiện (trong tổng số 1,2 triệu người) sẽ được giúp cai nghiện tại các trung tâm phục hồi do Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế điều hành. Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp có nhiệm vụ thu xếp các địa điểm trong các doanh trại quân đội hoặc các trại giam để lập thêm các cơ sở cai nghiện.
Theo nghiên cứu của Ủy ban kiểm soát ma túy quốc gia (ONCB), hơn 1,7 triệu người trẻ tuổi ở Thái-lan đã từng sử dụng ma túy hay mê-tham-phê-ta-min. Trong số mẫu điều tra 12.253.191 thanh niên trong độ tuổi từ 12 đến 24 tại 17 tỉnh trên cả nước (tiến hành từ ngày 15-8 đến 14-9-2011), có 20,7% trong số họ thừa nhận, bắt đầu hút thuốc lá lúc 15 tuổi; 35% bắt đầu uống đồ uống có cồn khi 16 tuổi; cần sa là loại ma túy được sử dụng phổ biến nhất với 894.483 người sử dụng, mê-tham-phê-ta-min với 649.419 người nghiện và mê-tham-phê-ta-min tinh thể (hoặc ma túy đá – ở Thái-lan gọi là thuốc điên) 563.647 người nghiện. Độ tuổi trung bình của người bắt đầu nghiện từ 16 đến 17. Năm 2010, trên toàn thế giới có ít nhất 149 triệu người đã sử dụng các chất ma túy ít nhất một lần. Tại Thái-lan có 46 triệu người (hơn một nửa dân số) trong độ tuổi từ 15 đến 64, từng ít nhất một lần dùng ma túy các loại. Vì vậy, các chiến dịch phòng, chống và cai nghiện luôn được dư luận và cộng đồng quan tâm, ủng hộ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()