Thái-lan, Indonesia, Malaysia giảm xuất khẩu cao-su
Động thái trên được công bố lần đầu tiên vào cuối tháng 2 vừa rồi, sau cuộc họp của Hội đồng Cao-su quốc tế ba bên (ITRC), bao gồm Thái-lan, Indonesia và Malaysia. Tuy nhiên, khối lượng chính xác, ngày bắt đầu và khung thời gian không được công bố tại thời điểm đó.
Ba quốc gia trên đã đưa ra một kế hoạch gọi là Chương trình thỏa thuận sản lượng xuất khẩu (AETS) trong cuộc họp mới đây tại Bangkok, Thái-lan. Theo đó, việc giảm lượng xuất khẩu cao-su sẽ bắt đầu vào tháng tư và kéo dài trong bốn tháng.
Đây cũng là thời điểm mà nguồn cung cao-su giảm một cách tự nhiên hàng năm, khi cây cao-su rụng lá và người nông dân ngừng thu hoạch mủ. Xét về sản lượng cao-su, Thái-lan là nước sản xuất nhiều nhất trong khu vực với 52%, tiếp theo là Indonesia với 38% và Malaysia là 10%. Hiện sản lượng cao-su của ba nước Thái-lan, Indonesia và Malaysia chiếm khoảng 70% sản lượng cao-su tự nhiên toàn thế giới.
“Trong chương trình AETS lần thứ 6, ba nước đã đồng ý cắt giảm xuất khẩu 240.000 tấn cao-su tự nhiên”, Hội đồng IRTC tuyên bố.
Dự báo về giá cao-su trên Sàn giao dịch hàng hóa Tokyo ở mức thấp trong 27 tháng tính đến tháng 11 vừa qua, do những lo ngại về tình trạng dư cung toàn cầu. Trong khi giá cao-su RSS3 của Thái-lan cũng giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba năm gần đây.
Theo các nhà sản xuất cao-su, việc giảm xuất khẩu rất quan trọng để khôi phục giá cơ bản của cao-su tự nhiên thông qua việc giảm nguồn cung và giúp đẩy giá lên.
Bên cạnh việc kiềm chế xuất khẩu cao-su, hai chiến lược khác mà ITRC đã đưa ra là Chương trình thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước (DPS) ở mỗi quốc gia và Chương trình quản lý cung ứng (SMS) liên quan đến cam kết trồng lại cao-su tự nhiên.
Theo Nhandan
Ý kiến ()