Năm 1941, Thái-lan quy định ngày chính của Song-kran vào ngày 15-4 dương lịch. Nhưng người Thái vẫn theo truyền thống, tổ chức ngày Tết theo Phật lịch, ngày 13 hoặc 14-4 dương lịch hằng năm (năm nay là năm 2.554). Trong năm, người Thái có nhiều lễ hội, nhưng Song-kran là lễ hội lớn nhất, vui nhất và mang đậm bản sắc dân tộc, tôn giáo, phong tục, tập quán cùng với truyền thống của một đất nước nằm trong khu vực của nền văn minh lúa nước chịu ảnh hưởng lớn của các tôn giáo từ Ấn Độ. Dịp này người Thái chính thức được nghỉ một tuần, ở những vùng nông thôn, thời gian nghỉ và vui chơi kéo dài hơn ở thành phố.
Phần lễ trong những ngày Song-kran, nước thơm được tắm cho các tượng Phật, dâng đồ ăn, thức uống lên chùa biếu sư, xây chê-di bằng cát (tháp nhiều tầng thờ Phật) ở các sân chùa; thả chim, thả cá phóng sinh, làm việc công đức; thăm viếng cha mẹ, họ hàng; thăm thầy, bạn; biếu quà người thân; tắm rửa, dọn dẹp nhà cửa, tẩy sạch những gì dơ bẩn của năm cũ, v.v. Sau đó là hội, có nhiều hội được tổ chức theo tập tục vùng miền, nhưng hội mọi người vui chơi là hội té nước. Người ta dùng chậu dội nước, dùng súng bắn nước lớn, dùng máy bơm phun nước, v.v. Người Thái cho rằng, sang năm mới con người phải được trong sạch bằng cách dùng nước rửa đi tất cả những bụi bặm, rủi ro, gột sạch tội lỗi, để sang năm mới có tinh thần trong sáng và thể chất sạch sẽ, khỏe mạnh hơn, làm được nhiều việc thiện và gặp nhiều may mắn hơn năm cũ. Nó đồng nghĩa với hạnh phúc và giàu sang hơn, nên trong những ngày Song-kran, người người chúc nhau bằng dội nước một cách chân tình và người được dội vui sướng đón nhận nước, càng được dội nhiều nước càng hãnh diện, vui sướng.
Ai đã từng qua mùa khô khắc nghiệt ở Nam và Đông-Nam Á mới thấy giọt nước quý, hạt nước là vàng, là nguồn sống của con người, của cây cỏ và cây lúa nước. Nước thành thần, được thờ phụng để cầu mưa thuận gió hòa, thần nước về nuôi cây lúa nước. Lúa là nguồn sống, 'lúa đầy đồng, sông đầy cá', 'đi ăn cá, về ăn cơm' là no, là đủ.
Hội té nước kéo dài và tưng bừng nhất ở miền bắc và đông-bắc Thái-lan. Trong những ngày nghỉ Song-kran, Thủ đô Băng-cốc vắng người, ít xe cộ, không còn cảnh tắc đường dài, vì gần nửa cư dân của thành phố 13 triệu người về quê ăn Tết, hoặc đi chơi xa. Dịp này, nhiều người Thái đi Tây Song Bản Lạp (Vân Nam, Trung Quốc) dự lễ hội Song-kran, vùng đất tổ tiên họ đã giã từ để di cư xuống miền nam gần 1.000 năm trước. Tại Băng-cốc, hội té nước được tổ chức tại phố trung tâm Khao-sản. Cả đường phố tràn ngập người mình mẩy ướt át, hò reo, phun nước, đổ nước vào nhau, bôi phấn hồng, phấn trắng lên đầu, lên mặt chúc nhau mạnh khỏe, vui vẻ. Song-kran cũng là dịp thu hút khách du lịch nước ngoài đông nhất đến với Băng-cốc, Thái-lan.
Sau Song-kran, gió mùa tây-nam nóng rát thổi mạnh, đẩy hơi nước từ vịnh Thái-lan, từ biển An-đa-man, từ Ấn Độ Dương kết thành những đám mây nặng, đổ mưa xuống, tưới cả một vùng rộng lớn bị khô héo sau những tháng mùa khô. Mùa mưa bắt đầu, nước về, cây đâm chồi, nhà nông mở hội xuống đồng, chu kỳ cuộc sống lặp lại ở những vùng chỉ có hai mùa mưa, nắng.
Năm nay, thời tiết bất thường ở Thái-lan, nhiều vùng lạnh giá chưa từng thấy, những trận mưa lớn không đợi qua Song-kran. Từ cuối tháng 3, đầu tháng 4 những trận mưa như đổ nước xuống vùng phía bắc bán đảo Ma-lai, gây trận lũ lụt tồi tệ nhất ngay giữa mùa khô ở nhiều tỉnh phía bắc của miền nam Thái-lan. Lũ quét, lở đất đã làm ít nhất 45 người chết, nhiều người bị thương, khoảng hai triệu người bị ảnh hưởng, thiệt hại kinh tế ước tính không dưới 0,1% GDP (tương đương khoảng ba tỷ USD). Năm ngoái, mùa khô gây đại hạn chưa từng thấy, mùa mưa xảy ra lũ lụt lịch sử tàn phá nhiều vùng, làm khoảng 250 người chết. Thời tiết bất thường trong vài năm gần đây ở Thái-lan được quy là do biến đổi khí hậu trên trái đất và một phần do môi trường thiên nhiên nước này đã bị hủy hoại do bàn tay con người.
Đón năm mới, người Thái giã từ năm cũ – một năm thiên tai và hỗn loạn. Năm mới được coi là năm 'bầu cử', năm khắc phục, hàn gắn vết thương do thiên tai và con người gây ra trong năm cũ, dựng lại hình ảnh 'đất nước nụ cười'.
Ý kiến ()