Thái Lan đề xuất 3 lĩnh vực hợp tác cho quan hệ ASEAN-Mỹ
Thủ tướng Thái Lan đề xuất ba lĩnh vực hợp tác mà ASEAN và Mỹ cần tăng cường là thúc đẩy an ninh sức khỏe cộng đồng; thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu và khu vực và thúc đẩy phát triển vốn con người.
Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 14/11 đã tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Mỹ lần thứ 8 diễn ra dưới hình thức trực tuyến và phát biểu đề xuất các lĩnh vực hợp tác giữa hai bên.
Hội nghị do Việt Nam – nước giữ cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 – chủ trì. Cố vấn An ninh quốc gia Robert C. O’Brien đại diện cho phía Mỹ tham dự hội nghị.
Theo Thủ tướng Thái Lan Prayut, Mỹ là một người bạn lớn và Đối tác Chiến lược toàn diện của ASEAN, đồng thời là một đồng minh thân thiết của Thái Lan trong 187 năm qua.
ASEAN mong muốn thấy vai trò mang tính xây dựng của Mỹ trong việc thúc đẩy tính trung tâm và sự đoàn kết của ASEAN, cũng như một trạng thái cân bằng chiến lược mới ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, điều sẽ giúp tạo ra một môi trường tin cậy và tự tin có lợi cho sự phục hồi kinh tế và khả năng phục hồi của khu vực trong dài hạn.
Thủ tướng Prayut cũng đề xuất ba lĩnh vực hợp tác thiết thực mà ASEAN và Mỹ cần tăng cường hơn nữa là thúc đẩy an ninh sức khỏe cộng đồng; thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu và khu vực; và thúc đẩy phát triển vốn con người.
Về thúc đẩy an ninh sức khỏe cộng đồng, ưu tiên trước mắt nên là thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất và đảm bảo khả năng tiếp cận các loại thuốc kháng virus và vaccine ngừa COVID-19. Thái Lan sẵn sàng là nơi sản xuất những loại thuốc kháng virus và vắcxin đó, vốn phải là hàng hóa công cộng toàn cầu, có thể tiếp cận được đối với mọi người.
Thủ tướng Thái Lan cũng tán thành các dự án hợp tác cụ thể theo sáng kiến Tương lai Y tế ASEAN-Mỹ.
Về thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu và khu vực, Mỹ – với tư cách là nền kinh tế lớn nhất thế giới và ASEAN – nền kinh tế lớn thứ năm, cần hợp tác chặt chẽ để tăng cường khả năng phục hồi và tính bền vững của các chuỗi cung ứng, tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ trong ASEAN, và hỗ trợ phát triển thành phố thông minh.
Hơn nữa, ASEAN và Mỹ cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế của cả hai bên, đặc biệt là thông qua phát triển kinh tế số và sử dụng dữ liệu lớn và công nghệ đám mây trong lĩnh vực chế tạo.
Thủ tướng Prayut cũng gửi lời mời các khu vực tư nhân của Mỹ tham gia vào việc cải thiện năng lực kỹ thuật số cho các doanh nhân ASEAN, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng theo Công ty phát triển tài chính quốc tế Mỹ (USDFC).
Thái Lan cũng có một số dự án hỗ trợ chuyển đổi kỹ thuật số trong khu vực, như “Trung tâm Kỹ thuật số ASEAN” để thúc đẩy cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trong ASEAN và “Khu kỹ thuật số Thái Lan” là một phần của Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) của Thái Lan.
Về thúc đẩy phát triển vốn con người, Thủ tướng Prayut đề xuất ASEAN và Mỹ cần hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy phát triển kỹ năng lao động nhằm đáp ứng nhu cầu đang thay đổi của thị trường lao động trong kỷ nguyên bình thường mới và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Hợp tác cần được tập trung vào thúc đẩy Giáo dục và huấn luyện kỹ thuật và nghề nghiệp (TVET) trong các lĩnh vực nghề nghiệp mới nổi, cải thiện kỹ năng ngôn ngữ, và nâng cao các kỹ năng công nghệ và đổi mới./.
Ý kiến ()