Thái Lan đề nghị Nhật Bản giúp hoàn tất thỏa thuận hiệp định RCEP
Thái Lan đề nghị Nhật Bản hỗ trợ việc lập khối thương mại khu vực gồm 16 thành viên này vì cả hai nước đều nhất trí rằng thỏa thuận RCEP sẽ thúc đẩy tăng trưởng của khu vực.
Thái Lan đã hối thúc Nhật Bản giúp hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một thỏa thuận thương mại tự do gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN và sáu quốc gia mà hiệp hội này đã ký hiệp định thương mại.
Truyền thông sở tại cho biết Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak đã thảo luận về RCEP trong cuộc gặp với Thứ trưởng cấp cao Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hideki Makihara hôm 2/11 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao liên quan đang diễn ra tại Bangkok và tỉnh Nonthaburi.
Tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng Somkid đã đề nghị Thứ trưởng Makihara hỗ trợ việc thành lập khối thương mại khu vực gồm 16 thành viên này vì cả hai nước đều nhất trí rằng thỏa thuận RCEP sẽ thúc đẩy tăng trưởng của khu vực, đồng thời giúp tăng cường thương mại và đầu tư.
Các cuộc đàm phán về RCEP bắt đầu từ tháng 11/2012 với mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế giữa ASEAN và sáu quốc gia mà hiệp hội này đã ký hiệp định thương mại tự do là Trung Quốc, Nhật Bản , Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và New Zealand. Thái Lan mong muốn các cuộc đàm phán RCEP, vốn kéo dài gần bảy năm qua với rất nhiều phiên họp, sẽ kết thúc trong năm nay khi nước này là Chủ tịch luân phiên của ASEAN.
Trước đó, đại diện của các nước tham gia đàm phán RCEP đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng trù bị chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ ba sẽ diễn ra vào ngày 4/11. Tại Hội nghị, các bộ trưởng đã thảo luận hướng xử lý những vướng mắc còn lại trong đàm phán Hiệp định RCEP, đồng thời đánh giá cao những nỗ lực và kết quả tích cực của các nhà đàm phán trong năm 2019.
Là một hiệp định thương mại tự do quy mô lớn của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, RCEP khi được ký kết sẽ bao gồm 16 quốc gia trong một khối thương mại tổng dân số 3,56 tỷ người và giá trị thương mại hơn 1.000 tỷ USD (tương đương 29% giá trị thương mại toàn cầu)./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()