Thái Lan đẩy mạnh lộ trình chuyển đổi số
Những năm qua, các doanh nghiệp toàn cầu ngày càng đầu tư nhiều hơn cho hoạt động trực tuyến, hội nhập quá trình chuyển đổi số để trở nên linh hoạt và cạnh tranh hơn trong nền kinh tế mới. Chính phủ Thái Lan mới đây cũng khởi động chương trình chuyển đổi số quốc gia, nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp kỹ thuật số phát triển và đào tạo kỹ năng cho người lao động, hướng tới đón đầu cuộc cách mạng kỹ thuật số toàn cầu.
Người tiêu dùng Thái Lan ngày càng có nhiều lựa chọn thanh toán thuận tiện. (Ảnh: Esso) |
Bộ Kinh tế và Xã hội kỹ thuật số Thái Lan và Cơ quan Xúc tiến kinh tế kỹ thuật số (DEPA) phối hợp triển khai Sáng kiến Kỹ thuật số không giới hạn (Digital infinity), đặt mục tiêu tạo ra thêm hơn 9 tỷ USD thu nhập thông qua nâng cao kỹ năng cho hơn 6,2 triệu người lao động Thái Lan.
Chủ tịch DEPA Nuttapon Nimmanphatcharin khẳng định, các dự án mới sẽ góp phần thúc đẩy áp dụng công nghệ kỹ thuật số và đổi mới, đồng thời, chuẩn bị cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái kỹ thuật số của Thái Lan, sẵn sàng cho một “nền kinh tế và xã hội kỹ thuật số thịnh vượng”.
Bộ Kinh tế và Xã hội kỹ thuật số Thái Lan và Cơ quan Xúc tiến kinh tế kỹ thuật số (DEPA) phối hợp triển khai Sáng kiến Kỹ thuật số không giới hạn (Digital infinity), đặt mục tiêu tạo ra thêm hơn 9 tỷ USD thu nhập thông qua nâng cao kỹ năng cho hơn 6,2 triệu người lao động Thái Lan.
Theo lãnh đạo Bộ Kinh tế và Xã hội kỹ thuật số Thái Lan, dự án là một phần trong những nỗ lực của chính phủ nhằm đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho người lao động, giúp người Thái Lan trở thành những “công dân kỹ thuật số”, qua đó mỗi người có thể điều chỉnh, nâng cấp các kỹ năng của mình và nắm bắt công nghệ để có cơ hội trong các ngành, nghề mới.
Lộ trình mới cũng sẽ giúp Thái Lan đào tạo các chuyên gia kỹ thuật số người bản địa, giảm sự phụ thuộc vào nhân lực nước ngoài và thúc đẩy sức phát triển của công nghệ do Thái Lan sản xuất, sáng tạo.
Công ty nghiên cứu thị trường công nghệ IDC nhận định các doanh nghiệp đang bước vào một kỷ nguyên mới, trong quá trình tăng tốc số hóa đang diễn ra trên toàn thế giới.
IDC dự báo, các tổ chức ở châu Á-Thái Bình Dương sẽ tăng mạnh chi tiêu cho công nghệ số trong năm 2023, tạo nền tảng để hoạt động hiệu quả hơn, thúc đẩy sức cạnh tranh và tăng trưởng trong dài hạn.
IDC ước tính, đến năm 2024, khoảng 30% các tổ chức ở châu Á-Thái Bình Dương sẽ có chiến lược quản lý khủng hoảng bằng công nghệ số thời gian thực, bao gồm thông tin liên tục và từ đó cho phép phản ứng nhanh trước những cú sốc và gián đoạn kinh tế trong tương lai. Đến năm 2026, các sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm trên nền tảng số được dự báo sẽ tạo ra 40% tổng doanh thu của hơn 2.000 tổ chức có trụ sở tại châu Á-Thái Bình Dương, tăng mạnh so mức 26% của năm 2022.
Một cuộc khảo sát của MasterCard cho thấy, hơn 88% số người tiêu dùng khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã sử dụng các dịch vụ thanh toán bằng công nghệ số, như ví điện tử, quét mã QR, mua ngay và thanh toán sau (BNPL), tiền điện tử…
Giám đốc MasterCard tại Thái Lan Aileen Chew chỉ ra, Thái Lan đứng đầu danh sách các quốc gia trong khu vực sử dụng các phương thức thanh toán số, với 94% người tiêu dùng đã sử dụng thanh toán điện tử theo nhiều hình thức, bao gồm quét mã QR và thanh toán bằng ví điện tử. Chính phủ Thái Lan coi số hóa lĩnh vực tài chính là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển quốc gia 4.0, bên cạnh hệ thống PromptPay của chính phủ, các ngân hàng thương mại tại Thái Lan đều được khuyến khích triển khai hàng loạt chương trình và dịch vụ thanh toán số khác.
IDC: Đến năm 2026, các sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm trên nền tảng số được dự báo sẽ tạo ra 40% tổng doanh thu của hơn 2.000 tổ chức có trụ sở tại châu Á-Thái Bình Dương, tăng mạnh so mức 26% của năm 2022.
Trong lĩnh vực dịch vụ công, Thái Lan cũng bắt đầu áp dụng thẻ căn cước điện tử thông qua ứng dụng trên điện thoại di động từ ngày 10/1, áp dụng cho mọi dịch vụ do các cơ quan chính phủ cung cấp và sau đó sẽ mở rộng dần sang các dịch vụ tư nhân khác, như ngân hàng thương mại.
“Đất nước nụ cười” đặt mục tiêu thúc đẩy lộ trình chuẩn bị cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái kỹ thuật số để hỗ trợ các hoạt động kinh tế nhằm tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi thành một “Thái Lan kỹ thuật số”. Chính phủ Thái Lan khuyến khích nông dân, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp cộng đồng và các doanh nhân sử dụng công nghệ và giải pháp do các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số của Thái Lan cung cấp để cải thiện hiệu quả kinh doanh.
https://nhandan.vn/thai-lan-day-manh-lo-trinh-chuyen-doi-so-post736613.html
Ý kiến ()