Thái Lan áp dụng nhiều biện pháp kích thích tăng trưởng du lịch
Du lịch là một động lực quan trọng của nền kinh tế Thái Lan, đóng góp khoảng 20% GDP nước này, trong đó mỗi năm có ít nhất 2 triệu du khách nước ngoài mua sắm hàng hóa và dịch vụ ở Thái Lan.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 13/11, Thái Lan đã ra mắt một ứng dụng trên điện thoại di động có tên gọi TAGTHAI , tập hợp 20 công ty nhà nước và 28 doanh nghiệp tư nhân. Ứng dụng này được thiết kế như một giải pháp “một cửa” cho khách du lịch đến thăm quốc gia Đông Nam Á này.
Phát biểu tại lễ ra mắt ứng dụng, Bộ trưởng Kinh tế số và Xã hội Buddhipongse Punnakanta khẳng định, những hiệu quả từ sự hợp tác công-tư sẽ tiếp tục giúp mở rộng ngành du lịch. Trong khi đó, Chủ tịch Phòng thương mại Thái Lan Kalin Sarasin cho rằng ứng dụng trên sẽ mang lại sự thuận tiện hơn cho du khách, kể cả khả năng tự thiết kế chuyến đi. Bước tiếp theo là đưa thêm giá trị vào ứng dụng, bao gồm các gói du lịch và các dịch vụ đi kèm.
Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Thái Lan (THA) Supawan Tanomkieatipume cho biết vai trò của THA trong phần đặt khách sạn trực tuyến của ứng dụng sẽ mang lại cho du khách sự yên tâm rằng họ sẽ nghỉ tại các cơ sở được cấp phép. Bên cạnh ứng dụng điện thoại trên, Thái Lan còn có một biện pháp khác nhằm thu hút khách du lịch nước ngoài, đó là ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) vào quy trình hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).
Phát biểu sau lễ ký một bản ghi nhớ với Ngân hàng Krungthai, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Uttama Savanayana cho biết công nghệ blockchain ứng dụng trong hoàn thuế VAT sẽ đẩy nhanh quá trình thủ tục hoàn thuế cho du khách, khi mà chi tiết các khoản mua sắm của họ sẽ được chia sẻ ngay lập tức với Cục Thuế và Cục Hải quan khi các cửa hàng nạp dữ liệu vào hệ thống.
Du khách nước ngoài có thể yêu cầu hoàn thuế VAT thông qua ứng dụng này từ ngày 28/11 tới. Trong khi đó, công nghệ chuỗi khối có thể rút ngắn quá trình xác nhận giấy tờ, tiết kiệm 10 triệu tờ giấy mỗi năm, giảm bớt chi phí quản lý tiền mặt và loại bỏ tắc nghẽn tại các quầy hoàn thuế VAT.
Ngoài việc tăng cường thu hút du khách nước ngoài, Chính phủ Thái Lan còn tung ra nhiều chương trình kích thích du lịch nội địa như “Đến Thái Lan chỉ với 100 baht”, “Giảm giá sốc cho du lịch vào ngày thường”, cũng như phát tiền để người dân đi du lịch và mua sắm ở trong nước. Du lịch là một động lực quan trọng của nền kinh tế Thái Lan, đóng góp khoảng 20% GDP nước này. Mỗi năm có ít nhất 2 triệu du khách nước ngoài mua sắm hàng hóa và dịch vụ ở Thái Lan với tổng mức chi tiêu lên tới 50 tỷ baht (hơn 1,65 tỷ USD).
Thành phố Bangkok đang dựa vào du lịch để thúc đẩy kinh tế, trong bối cảnh khu vực xuất khẩu trì trệ và kinh tế trong nước giảm tốc. Do tác động của những căng thẳng địa chính trị và nền kinh tế trì trệ, ngành du lịch chỉ tăng trưởng với tốc độ chậm trong 8 tháng đầu năm 2019.
Du lịch nội địa tăng nhẹ 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, với 103,53 triệu lượt khách, trong khi lượng du khách quốc tế dừng lại ở mức 26,5 triệu lượt (tăng 2,6%). Bộ Du lịch và Thể thao mới đây đã hạ dự báo lượng du khách nước ngoài đến Thái Lan từ 40,2 triệu lượt xuống còn khoảng 39-39,8 triệu lượt cho năm 2019. Thái Lan hy vọng sẽ đón 42 triệu lượt du khách nước ngoài tới nước này trong năm 2020, đóng góp khoảng 2.430 tỷ baht (tương đương 65% tổng doanh thu từ du lịch), trong khi du lịch nội địa sẽ đóng góp khoảng 1.280 tỷ baht./.
Ý kiến ()