Thái Bình ra sức khắc phục hậu quả bão số 8, khôi phục sản xuất
Thái Bình là địa phương chịu ảnh hưởng nặng do bão số 8. Với cường độ cấp 12, giật cấp 14 kèm theo mưa lớn, cơn bão vừa qua đã làm 3 người chết, 76 người bị thương, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, tổng thiệt hại ước tính ban đầu trên 6,6 nghìn tỷ đồng.Bão số 8 được đánh giá là có cường độ mạnh nhất đổ bộ vào Thái Bình kể từ năm 1986 đến nay. Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện lực, hệ thống thông tin liên lạc, lúa, hoa màu, phương tiện đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản tại hầu hết các địa phương trong tỉnh, nhất là ở hai huyện ven biển là Tiền Hải và Thái Thụy bị tàn phá rất nặng nề.Khu Du lịch Sinh thái Cồn Vành (Tiền Hải - Thái Bình) bị bão số 8 phá hủy hoàn toàn (Ảnh: Đ.H)Đồng chí Phạm Văn Ca, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, bão số 8 đã làm 3 người chết, gồm 2 người già tại thành phố Thái Bình và 1 em nhỏ 9 tuổi tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy....
Thái Bình là địa phương chịu ảnh hưởng nặng do bão số 8. Với cường độ cấp 12, giật cấp 14 kèm theo mưa lớn, cơn bão vừa qua đã làm 3 người chết, 76 người bị thương, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, tổng thiệt hại ước tính ban đầu trên 6,6 nghìn tỷ đồng.
Bão số 8 được đánh giá là có cường độ mạnh nhất đổ bộ vào Thái Bình kể từ năm 1986 đến nay. Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện lực, hệ thống thông tin liên lạc, lúa, hoa màu, phương tiện đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản tại hầu hết các địa phương trong tỉnh, nhất là ở hai huyện ven biển là Tiền Hải và Thái Thụy bị tàn phá rất nặng nề.
Khu Du lịch Sinh thái Cồn Vành (Tiền Hải – Thái Bình) bị bão số 8 phá hủy hoàn toàn (Ảnh: Đ.H) |
Đồng chí Phạm Văn Ca, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, bão số 8 đã làm 3 người chết, gồm 2 người già tại thành phố Thái Bình và 1 em nhỏ 9 tuổi tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy. Nguyên nhân dẫn đến số người chết thương tâm trên là do tai nạn trong nhà khi cơn bão xảy ra. Có 76 người bị thương trong khi chống bão, trong đó Tiền Hải là huyện có số người bị thương lớn nhất, lên tới 37 người. Ngoài thiệt hại về người, nhiều công trình thủy lợi cũng bị hư hỏng nặng, như kè Đông Minh (huyện Tiền Hải) và nhiều vị trí đê biển số 5, số 6, số 8; đê tuyến 1 thuộc xã Đông Long, xã Nam Hải (huyện Tiền Hải) bị sạt lở rất nghiêm trọng. Ngoài ra, một số đê kè khác bị sạt lở như kè Hà Xá, kè Việt Yên (huyện Hưng Hà); kè Đại Đổng Tả (huyện Đông Hưng)… Sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Toàn tỉnh có 5.973 ha lúa mùa đã chín bị đổ, ngập nước, sản lượng giảm từ 30-70%; 25.366 ha cây hoa màu và cây vụ đông bị dập nát, ngập úng, thiệt hại nặng, trong đó có 10.469 ha bị mất trắng và 14.897 ha bị giảm sản lượng từ 10-70%; 3.022 ha cây công nghiệp ngắn ngày bị thiệt hại nặng; 122 ha rừng ngập mặn mới trồng bị hư hỏng 10%, 80% số cây phi lao trồng ở bãi biển và các cồn cát bị gẫy đổ. Chăn nuôi cũng bị thiệt hại nặng, với 11.130 gia súc và 337.252 gia cầm bị chết và nước cuốn trôi; trên 6.014 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, trong đó có 2.423 ha bị thiệt hại trên 70% và 3.591 ha bị thiệt hại từ 30-70%.
Kết cấu hạ tầng của Thái Bình cũng bị tổn thất nặng nề, nhất là hệ thống điện, hệ thống thông tin liên lạc. Toàn tỉnh có 15.668 cột điện bị gẫy, 2.430.000 m dây điện bị đứt, 21 trạm biến áp bị hư hỏng, đã làm cho toàn tỉnh Thái Bình mất điện trong nhiều ngày, gây ảnh hưởng lớn đến công tác khắc phục hậu quả sau bão. Cơn bão cũng đã làm 210 trạm thông tin bị hư hỏng, 1.461 cột điện thoại và cột phát sóng Viba bị đổ, 1.065.000 m dây viễn thông bị đứt, đã gây ra tình trạng hệ thống liên lạc bị tê liệt nhiều ngày, gây ảnh hưởng lớn đến công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả bão của các cấp, các ngành. Các công trình xây dựng cũng bị tổn thất lớn. Có 536 nhà máy, xí nghiệp bị thiệt hại nặng, trong đó có những nhà máy đã bị sập đổ hoàn toàn; có 279 nhà dân bị sập đổ, 40.840 nhà bị tốc mái, hàng nghìn phòng học bị hư hỏng…
Huyện Tiền Hải là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nhất về sản xuất nông nghiệp do cơn bão số 8 gây ra, với tổng thiệt hại lên tới trên 1.000 tỷ đồng. Để kịp thời khắc phục hậu quả sau bão, đồng chí Nguyễn Văn Giang, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Tiền Hải cho biết, ngay sau khi cơn bão đi qua, huyện ủy đã tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị xuống cơ sở để đánh giá tình hình thiệt hại và bàn phương án giải quyết. Huyện đã huy động trên 1.000 cán bộ chiến sỹ bộ đội, công an, sinh viên xuống cơ sở giúp dân. Nam Trung là một xã của huyện Tiền Hải bị thiệt hại nặng nề nhất về lúa. Theo đồng chí Nguyễn Bá Lân, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Trung, xã có tổng diện tích đất trồng lúa là 460 ha. Do lúa chưa đến thời điểm thu hoạch nên trước bão, chỉ có 5% tổng diện tích canh tác được thu hoạch. Cơn bão số 8 đã làm 160 ha lúa bị thiệt hại trên 80%, số còn lại bị thiệt hại từ 40-60%, gây tổn thất rất nặng nề cho nông dân. Ngoài diện tích trồng lúa, xã cũng bị mất trắng 60 ha canh tác rau màu, với mỗi ha có trị giá khoảng 800 triệu đồng (sản phẩm cuối cùng); 15 cột điện hạ thế bị gẫy, 50 cột bị nghiêng đổ, hơn 400 hòm công tơ bị hỏng với tổng thiệt hại khoảng 485 triệu đồng đã làm cho việc cấp điện rất khó khăn. Hiện, xã đang huy động toàn nhân lực của ngành điện và thuê thêm lao động ngoài ngành, đồng thời tập trung chỉ đạo mua cột mới thay thế những cột đã bị gẫy và dựng lại cột bị nghiêng đổ. Cả xã có 8 căn nhà bị tốc mái hoàn toàn, 568 căn bị hư hỏng nặng, 2.295 hộ có công trình phụ bị sập đổ hoàn toàn.
Dưới sức gió giật lên tới cấp 14 đã làm cho hàng trăm ha lúa ở Nam Trung nay chỉ còn là rơm (Ảnh: Đ.H) |
Cơn bão số 8 cũng gây thiệt hại rất nặng đối với kinh tế trang trại của Tiền Hải, trong số đó có trang trại nuôi lợn của Công ty TNHH Cường Thịnh thuộc xã Nam Hưng. Trang trại này đã bị sập hoàn toàn, gây thiệt hại lên tới gần 8 tỷ đồng. Các xã ven biển bị thiệt hại lớn về đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Do cơn bão quá mạnh, đã làm cho tất cả các tàu cá bị hư hỏng, không thể hoạt động. Riêng xã Nam Thịnh, có trên 100 tàu sau bão đã bị mắc cạn và nhiều tàu bị phá hủy hoàn toàn. Ngoài nghề đi biển, xã Nam Thịnh cũng nổi tiếng là địa phương nuôi thủy hải sản. Cơn bão đã làm 1.100 ha ngao bị thiệt hại với tổng giá trị lên tới 160 tỷ đồng. Ngoài ngao, nhiều loại thủy sản hải sản khác cũng bị thiệt hại nặng nề. Chỉ tính riêng về thủy hải sản, tổng thiệt hại ước tính lên tới 250 tỷ đồng. Đây là một con số rất lớn đối với một xã. Hiện, chính quyền các cấp xã Nam Thịnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hướng dẫn các hộ dân nuôi thủy hải sản phục hồi những diện tích, nhất là diện tích nuôi ngao vàng.
Do sức tàn phá của cơn bão, tất cả các nhà máy của Khu công nghiệp Tiền Hải bị tổn thất nghiêm trọng, phải dừng hoạt động, có những nhà xưởng bị phá hủy hoàn toàn (số liệu những thiệt hại ở Khu công nghiệp này chưa được thống kê đầy đủ). Ông Vũ Trường Sinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Nhà máy sản xuất sứ vệ sinh – sứ dân dụng nằm trong Khu công nghiệp Tiền Hải cho biết, Nhà máy được xây dựng bằng hệ thống dầm thép kiên cố, thiết kế có thể chịu được bão với cường độ cấp 12. Do cơn bão số 8 quá mạnh, lên tới cấp 14 ở địa bàn Tiền Hải, nên toàn bộ các khu nhà xưởng đã bị hỏng hoàn toàn. Hầu hết sản phẩm sứ của Nhà máy bị vỡ và hỏng, không thể phục hồi, thiệt hại trên 10 tỷ đồng. Để khôi phục lại Nhà máy, cần thời gian ít nhất từ 30-40 ngày với kinh phí trên 10 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này cơ bản được lấy từ vốn tự có và vốn lưu động của Nhà máy, đồng thời huy động vốn góp của các cổ đông. Nhà máy cũng đã làm tờ trình với chính quyền các cấp để hỗ trợ thêm nguồn kinh phí cũng như đề nghị các tổ chức tín dụng có cơ chế hỗ trợ về tài chính. Nhà máy có gần 150 công nhân, với mức lương bình quân từ 3-4 triệu đồng/tháng, có người trên 9 triệu đồng/tháng, trong thời gian Nhà máy phải ngừng hoạt động để sửa chữa nhưng Nhà máy vẫn trả lương cho công nhân, góp phần giúp họ đảm bảo thu nhập để ổn định cuộc sống và khắc phục tổn thất do bão gây ra đối với gia đình họ.
Ngay sau khi cơn bão đi qua, Thái Bình đã tập trung triển khai nhiều biện pháp cấp bách để khắc phục hậu quả bão và sớm khôi phục sản xuất. UBND tỉnh, các huyện, thành phố đã tổ chức kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị và nhân dân khẩn trương khắc phục hậu quả do bão gây ra. Kịp thời thăm hỏi các gia đình có người chết và bị thương do bão, hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 10 triệu đồng; hỗ trợ 50 triệu đồng/1 nhà bị sập đổ đối với các hộ có công với cách mạng, 30 triệu đồng/1 nhà bị sập đổ cho các đối tượng khác; 4 triệu đồng/1 phòng học bị tốc mái, hư hỏng nặng; 10 triệu đồng/1 ha trồng cây khoai tây; tạm cấp bổ sung 10 tỷ đồng cho 8 huyện, thành phố để phát triển cây rau màu…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái BìnhPhạm Văn Ca (đội mũ xanh) đôn đốc Dự án cầu Trà Linh khắc phục hậu quả do bão (Ảnh: Đ.H) |
Cùng với việc hỗ trợ trên, Thái Bình đang tập trung tiêu úng, thu hoạch lúa trà muộn, khôi phục những diện tích hoa màu có thể phục hồi. Chuẩn bị triển khai mở rộng diện tích trồng cây rau màu, cây ưa lạnh thay thế diện tích cây vụ đông bị thiệt hại; khôi phục sản xuất thủy hải sản, ngành chăn nuôi để bảo đảm cung ứng thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Tị. Nhanh chóng thu dọn, vệ sinh môi trường không để dịch bệnh phát sinh; tu bổ đê, kè, cống bị thiệt hại sau bão. Huy động lực lượng tập trung giải phóng các chướng ngại vật trên các tuyến giao thông, lập phương án xử lý các công trình giao thông bị hư hỏng. Nhanh chóng khôi phục hệ thống thông tin liên lạc; hệ thống điện lưới trong toàn tỉnh, nhất là ở các trạm bơm tiêu úng để hạn chế thấp nhất thiệt hại sau bão. Tăng cường các đợt diễn tập phòng chống lụt bão để có thể đối phó chủ động hơn, hạn chế thấp nhất những tổn thất do bão gây ra…
Theo đồng chí Phạm Văn Ca, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, là một tỉnh nghèo, với những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 8 gây ra, ngoài phát huy nội lực, địa phương rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, của toàn xã hội để sớm khắc phục hậu quả của cơn bão, khôi phục sản xuất. UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Trung ương xem xét, hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Thái Bình với tổng số tiền hơn 2.000 tỷ đồng để khắc phục các công trình đê điều, kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất nông nghiệp; đề nghị Trung ương có chính sách giãn nợ vay vốn ngân hàng, miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp bị thiệt hại do cơn bão gây ra. Thái Bình cũng đang kêu gọi những người là con em địa phương đang sinh sống và làm việc trong và ngoài nước chia sẻ, hỗ trợ nhân dân sớm ổn định đời sống và sớm phát triển sản xuất.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()