Thái Bình: Giải quyết dứt điểm tình trạng đất nông nghiệp bỏ hoang
Sáng 11-12, tại TP Thái Bình, đã khai mạc kỳ họp thứ bảy HĐND tỉnh khóa XV. Một trong những vấn đề được cử tri trên địa bàn quan tâm là việc hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp bỏ hoang. Trước tình trạng này, tỉnh đã có giải pháp cụ thể gửi đến các đại biểu HĐND để trả lời cử tri.
– Sáng 11-12, tại TP Thái Bình, đã khai mạc kỳ họp thứ bảy HĐND tỉnh khóa XV. Một trong những vấn đề được cử tri trên địa bàn quan tâm là việc hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp bỏ hoang. Trước tình trạng này, tỉnh đã có giải pháp cụ thể gửi đến các đại biểu HĐND để trả lời cử tri.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 5.756 hộ gia đình, cá nhân ở 131 xã có đất sản xuất nông nghiệp nhưng bỏ hoang không sử dụng. Tổng diện tích là 373,81 héc-ta, gồm đất giao ổn định 232,23 héc-ta, đất thầu khoán của UBND cấp xã là 141, 58 héc-ta.
Nguyên nhân nông dân để đất hoang hóa là do hiệu quả kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thấp; ảnh hưởng của việc đô thị hóa, phát triển các khu, cụm công nghiệp; qui hoạch chưa đồng bộ, dẫn đến việc cung cấp nguồn nước và tiêu úng cho sản xuất bị ảnh hưởng, đất bị ô nhiễm.
Bên cạnh đó, nguồn lao động nông nghiệp thụt giảm do chuyển sang làm công nhân tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và tỉnh ngoài; đất nông nghiệp 5% công ích ở một số xã nẳm xen lẫn trong khu dân cư, nhỏ lẻ, đất xấu, không thuận lợi về giao thông và thủy lợi dẫn đến khó khăn cho canh tác lúa và hoa màu nên nông dân buộc phải bỏ hoang đất.
Để giải quyết tình trạng trên, UBND tỉnh Thái Bình đang chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp tục sản xuất bằng cách hỗ trợ, điều chỉnh và giảm các khoản thuế, phí có liên quan đến nông dân; đồng thời đầu tư, cải tạo giao thông, thủy lợi đối với những khu vực bị ảnh hưởng.
Trường hợp không cải tạo được để trồng lúa, căn cứ qui hoạch sử dụng đất tỉnh sẽ có cơ chế, chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực.
Tỉnh Thái Bình tập trung chỉ đạo việc thực hiện các dự án bảo đảm đúng kế hoạch thời gian và phải hoàn trả hệ thống giao thông, thủy lợi để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Trong thời gian tới, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý đối với những trường hợp đất được giao hoặc thầu khoán đất nông nghiệp của UBND cấp xã sử dụng sai mục đích, gây ô nhiễm làm thoái hóa đất hoặc không sử dụng để hoang hóa.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()