Thái Bình đột phá trong tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ
Năm 2013, Tỉnh ủy Thái Bình xác định là "năm công tác cán bộ" với việc đổi mới mạnh mẽ các khâu từ tuyển chọn cán bộ, công chức đến đào tạo, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý. Kết quả bước đầu đã dần khắc phục những hạn chế, yếu kém, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và đó cũng là động lực để cán bộ phấn đấu.
Năm 2013, Tỉnh ủy Thái Bình xác định là “năm công tác cán bộ” với việc đổi mới mạnh mẽ các khâu từ tuyển chọn cán bộ, công chức đến đào tạo, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý. Kết quả bước đầu đã dần khắc phục những hạn chế, yếu kém, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và đó cũng là động lực để cán bộ phấn đấu.
Công khai, minh bạch “đầu vào”
Là con gái lớn trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Hưng Hà, sau khi tốt nghiệp Khoa Kinh tế, Trường đại học Quốc gia Hà Nội, chị Ðinh Thị Thùy đã may mắn trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức khối Ðảng, đoàn thể tỉnh Thái Bình. Tốt nghiệp đại học loại giỏi, tháng 5-2012, tình cờ một lần về quê “xin trợ cấp”, chị Thùy nghe đài truyền thanh xã thông báo tỉnh tổ chức thi tuyển công chức khối cơ quan làm công tác Ðảng, đoàn thể và đã mạnh dạn đăng ký dự thi. Qua hai ngày với năm môn thi căng thẳng, chị Thùy được lựa chọn và trở thành cán bộ trẻ của Văn phòng Tỉnh ủy. Gặp Ðinh Thị Thùy tại nơi làm việc, chúng tôi được biết còn có hai người nữa cũng trúng tuyển đợt thi này. Họ đều là sinh viên mới ra trường, trẻ và nhanh nhẹn. Việc thi tuyển lần này diễn ra công khai, minh bạch và được kiểm soát chặt chẽ. Trong tất cả các môn thi, họ đều không thấy có một hiện tượng quay cóp bài hay có thí sinh nào được “ưu tiên”. Nội dung thi chuyên ngành đòi hỏi phải có kiến thức vững vàng.
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ðàm Văn Vượng cho rằng, việc thi tuyển cán bộ, công chức là một bước tiến lớn trong đổi mới công tác cán bộ của Tỉnh ủy. Lâu nay, công tác tuyển chọn cán bộ là xét duyệt, lựa chọn những người đã làm hợp đồng, dẫn đến tình trạng hầu hết ở các cơ quan, đơn vị con cháu, người thân cán bộ “ém” vào chờ chỉ tiêu. Không ít người yếu kém về năng lực chuyên môn, trình độ nghiệp vụ vẫn được tuyển chọn. Sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 ( khóa XI) về xây dựng Ðảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định tuyển cán bộ, công chức thông qua thi tuyển nhằm công khai, minh bạch để nâng cao chất lượng đầu vào. Theo đó, Ban Thường vụ đã chỉ đạo thí điểm thi tuyển công chức khối Ðảng, đoàn thể, là nơi mà chất lượng cán bộ còn thiếu và yếu. Với cách làm này, 48 cán bộ trẻ, hầu hết là sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi các trường đại học đã trúng tuyển. Từ kết quả đó, năm 2013, Tỉnh ủy Thái Bình tiếp tục thực hiện thi tuyển công chức từ tỉnh đến huyện, xã, đồng thời tổ chức thống nhất một hội đồng thi và do Tỉnh ủy tổ chức.
Chủ trương nêu trên được cán bộ, nhân dân trong tỉnh phấn khởi đón nhận, nhất là sinh viên các trường đại học. Ðược biết những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc tại các trường đại học lớn ở Hà Nội là người Thái Bình, như Quốc Tuấn, Minh Thư, Quỳnh Hoa đang “cố thủ” tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội để tìm việc đã nhanh chóng trở về quê đăng ký dự thi, khi nghe tin kỳ thi sẽ diễn ra trong tháng 7-2013. Anh Quốc Tuấn, quê ở xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà tâm sự: Chủ trương của Tỉnh ủy Thái Bình đã tạo điều kiện cho sinh viên tốt nghiệp ra trường khẳng định năng lực của mình và có cơ hội đóng góp sức trẻ để xây dựng quê hương. Tôi tin là với cơ chế tuyển dụng như vậy, sinh viên sẽ cố gắng học giỏi để có nhiều cơ hội được làm việc ở quê hương.
Chọn cán bộ có tâm, có tầm
Một đột phá nữa trong công tác cán bộ ở Thái Bình là đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ diện Tỉnh ủy quản lý. Ðồng chí Ðặng Trọng Thăng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Trước đây, đơn vị, tổ chức nào có nhu cầu bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý thì tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được gửi về Ban Tổ chức Tỉnh ủy để thẩm định và báo cáo Ban Thường vụ. Ban Thường vụ sẽ họp, quyết định sau khi nghe báo cáo của Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sửa đổi quy trình bổ nhiệm với điểm nhấn là mở rộng nguồn để chọn lựa. Cụ thể, khi bổ nhiệm một chức danh, phải có ít nhất hai ứng cử viên. Trường hợp đầu tiên thực hiện theo quy trình mới là bổ nhiệm vị trí Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương, tháng 2-2013. Ban Thường vụ Huyện ủy Kiến Xương tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt đến cấp xã để chọn bốn trong số sáu ứng cử viên vào chức danh nói trên. Bốn ứng cử viên này tiếp tục trình bày chương trình hành động của mình trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Kết quả là đồng chí Nguyễn Ngọc Oánh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đạt số phiếu cao nhất và được bổ nhiệm Phó Chủ tịch huyện Kiến Xương. Tâm sự với một số ứng cử viên, chúng tôi nhận thấy ai cũng chuẩn bị chương trình hành động kỹ lưỡng trước buổi “sát hạch” của tập thể Ban Thường vụ.
Ðể tránh tình trạng các cơ quan, đơn vị chỉ giới thiệu một ứng cử viên, Ban Tổ chức Tỉnh ủy có trách nhiệm giúp Ban Thường vụ tìm thêm nguồn tương đương ngoài đơn vị để tham gia.
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy Thái Bình đã triển khai Ðề án thí điểm thi tuyển chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường học từ tiểu học đến trung học phổ thông và được tổ chức ba vòng, gồm: thi nhận thức chung, bảo vệ đề tài tại cơ sở và bảo vệ đề án tại hội đồng tuyển dụng. Việc thí điểm được giao Sở Giáo dục và Ðào tạo thực hiện.
Khắc phục những bất cập
Ðánh giá cao cách làm của tỉnh, nhưng bác Trần Minh Lân, phường Trần Lãm, TP Thái Bình vẫn băn khoăn về kết quả thí điểm thi tuyển công chức khối cơ quan Ðảng, đoàn thể. Theo báo cáo tỷ lệ thí sinh nữ đỗ cao (85,42%), trong khi nhiều vị trí công việc lại cần nam giới. Cách tính điểm còn cào bằng (năm môn đều điểm hơn 50), chưa đáp ứng yêu cầu chuyên môn sâu với những chức vụ cần tuyển chọn. Một số cơ quan như Ðoàn Thanh niên tỉnh và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy rất cần cán bộ năng lực nắm bắt chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước, nhất là năng lực nói được, viết được, nhưng việc thi tuyển như hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu này. Nhiều ý kiến cho rằng, cần đổi mới nội dung, phương pháp thi và cách tính điểm để chọn được cán bộ có trình độ, năng lực thật sự. Về việc thi tuyển thí điểm các chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, nhiều giáo viên cho rằng, cần có yêu cầu cao về tiêu chuẩn về chính trị, tư tưởng đạo đức lối sống vì đây là phẩm chất quan trọng của ngành giáo dục và nên nghiên cứu mở rộng đối tượng dự tuyển để khuyến khích cán bộ trẻ, có đức, có tài tham gia. Ðồng chí Trưởng phòng Nội vụ huyện Tiền Hải Ðỗ Trực Tiếp cho rằng, nên để cấp huyện tổ chức thi tuyển mà tỉnh chỉ giám sát thay vì Tỉnh ủy tổ chức.
Hiện nay, số lượng người đăng ký thi tuyển công chức trong tỉnh đã lên đến hơn hai nghìn. Trong đó, số người dự tuyển chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường lên đến vài trăm. Ðây là tín hiệu đáng mừng mở ra triển vọng mới trong quá trình nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành.
Theo Nhandan
Ý kiến ()