Thái Bình cơ bản chấm dứt hoạt động xe công nông, xe tự chế
Anh Phạm Hữu Việt giới thiệu máy tuốt lúa và máy nổ do anh cải tạo từ động cơ của xe công nông. Trước đây, đường giao thông nông thôn không đáp ứng được các phương tiện có trọng tải lớn, cho nên người dân Thái Bình đã lựa chọn xe công nông, xe ba bánh, xe tự chế làm phương tiện chính để vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, khi phát triển ồ ạt, các phương tiện này đã tràn ra cả quốc lộ, gây nên nhiều nguy hiểm không chỉ đối với người tham gia giao thông mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường sống...Trước thực tế này từ tháng 12-2011, UBND tỉnh Thái Bình tập trung chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện nghiêm Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ như: tịch thu, tháo dỡ tiêu hủy và cấm lưu hành đối với xe công nông, xe ba, bốn bánh, xe lôi máy ở các huyện, thành phố. Trong thời gian thực hiện, Công an tỉnh đã thành lập nhiều tổ công tác ở các huyện, thành phố, nhất là những huyện có số lượng lớn xe tự chế hoạt động để xử lý...
Anh Phạm Hữu Việt giới thiệu máy tuốt lúa và máy nổ do anh cải tạo từ động cơ của xe công nông. |
Trước thực tế này từ tháng 12-2011, UBND tỉnh Thái Bình tập trung chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện nghiêm Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ như: tịch thu, tháo dỡ tiêu hủy và cấm lưu hành đối với xe công nông, xe ba, bốn bánh, xe lôi máy ở các huyện, thành phố. Trong thời gian thực hiện, Công an tỉnh đã thành lập nhiều tổ công tác ở các huyện, thành phố, nhất là những huyện có số lượng lớn xe tự chế hoạt động để xử lý các chủ phương tiện cố tình vi phạm. Số liệu thống kê cho thấy, trên địa bàn Thái Bình có 2.271 phương tiện xe tự chế các loại, trong đó xe công nông là 651 chiếc, xe ba bánh, bốn bánh 1.358 chiếc, xe lôi và xích lô máy 230 chiếc và máy kéo 32 chiếc. Sau hơn hai tháng tuyên truyền vận động, trên địa bàn tỉnh có 1.632 chủ phương tiện tự tháo dỡ, số còn lại phải cưỡng chế để xử lý vi phạm. Nhìn chung, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xóa bỏ được hơn 90% số xe các loại. Một số huyện, thành phố xóa bỏ gần như 100% gồm: Vũ Thư, Tiền Hải, Hưng Hà, Quỳnh Phụ và khu vực thành phố Thái Bình.
Chúng tôi có nhiều ngày đi thực tế một số huyện tìm hiểu về việc kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các phương tiện như ở Vũ Thư, Quỳnh Phụ và Hưng Hà. Hưng Hà là huyện có số lượng lớn xe tự chế các loại hoạt động. Trước khi đi đến quyết định cưỡng chế, huyện Hưng Hà đã lập danh sách các phương tiện nằm trong diện cấm lưu hành để vận động người dân tự tháo dỡ có hỗ trợ kinh phí. Thời điểm cuối tháng 5-2011, UBND huyện Hưng Hà đã hỗ trợ cho chủ xe công nông và xe tự chế các loại tổng số tiền gần 3,5 tỷ đồng, bình quân 5 triệu đồng/xe công nông. Tuy nhiên, sau khi hỗ trợ kinh phí, nhiều chủ phương tiện vẫn cố tình không tự tháo dỡ, cho nên công an huyện buộc phải dùng biện pháp “rắn” hơn. Thành lập 11 tổ công tác với 85 cán bộ chiến sĩ thường xuyên đến những hộ gia đình có phương tiện bị đình chỉ lưu hành, lập biên bản cưỡng chế, xử phạt. Tính đến ngày 29-2, Hưng Hà đã xử lý 685/690 xe vi phạm các loại, trong đó thu giữ 37 xe đưa về công an huyện; 167 xe bán cho cơ sở thu mua phế liệu; 480 xe chủ phương tiện tự tháo dỡ, tiêu hủy để chuyển đổi mục đích sử dụng.
Xe công nông, xe tự chế là nguyên nhân cơ bản dẫn tới nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại Thái Bình. Tuy nhiên, khi cấm lưu hành loại xe này thành công thì cũng là thời điểm hơn hai nghìn chủ phương tiện lâm vào cảnh khó khăn vì không có đủ vốn để chuyển đổi nghề nghiệp cũng như khả năng sử dụng phương tiện khác thay thế. Anh Trịnh Công Dũng ở xã An Vinh, anh Hà Văn Tung ở xã Đồng Tiến (huyện Quỳnh Phụ) đã tự tháo dỡ và chuyển đổi mục đích sử dụng xe công nông. Anh Dũng cho biết, năm 2009, anh đầu tư 40 triệu đồng mua xe công nông phục vụ nhu cầu vận chuyển của người dân trong xã bởi theo anh chỉ có xe loại xe này mới phù hợp với hoạt động trên tuyến đường giao thông nông thôn nhỏ bé. Trước tháng 2-2012, cơ quan công an huyện Quỳnh Phụ đã đến tận nhà yêu cầu gia đình tháo dỡ và anh đã chấp hành. Sau đó, anh bán chiếc xe đó cho cơ sở thu mua sắt vụn và chế tạo cơ khí ở xã được 15 triệu đồng. Khi mới bán xe công nông, anh đã vay ngân hàng 100 triệu đồng để mua một xe ô-tô tải năm tạ của hãng Vinasuki. Nhưng sau khi anh mua ô-tô về, mới “phát hiện” mình biết lái nhưng chưa có bằng nên phải “nhượng” lại cho người anh trai sử dụng.
Được biết, ở các xã: An Tràng, An Ninh, Đồng Tiến, An Lễ… (huyện Quỳnh Phụ), mỗi xã bình quân có khoảng 30 xe công nông đã được chủ phương tiện tự tháo dỡ, một số bị cưỡng chế. Khi tỉnh Thái Bình triển khai kiểm tra, xử lý vi phạm đối với những xe này, một số tổ công tác và lực lượng cảnh sát giao thông ở nhiều huyện, thành phố đã gặp phải không ít khó khăn. Thực tế, khi xử lý nhiều chủ phương tiện đã bỏ xe hoặc cho xe đâm xuống sông, xuống mương và không chịu ký biên bản vi phạm… Việc cấm xe công nông, xe ba bánh tự chế là một chủ trương lớn của Chính phủ và tỉnh Thái Bình. Thời điểm này, có thể khẳng định, trên địa bàn Thái Bình đã cơ bản giải quyết xong xe công nông, xe ba bánh, xe tự chế. Tuy nhiên, đằng sau sự thành công đó là sự lo lắng của các chủ phương tiện khi đang loay hoay tìm kế mưu sinh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()