Thaco nhắm đích tập đoàn đa ngành tầm ASEAN
Năm 2018, năm khởi đầu một chiến lược phát triển mới của Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) với mục tiêu trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành của Việt Nam mang tầm khu vực ASEAN trong đó sản xuất kinh doanh ô tô là chủ lực.
Thaco đặt mục tiêu trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành của Việt Nam mang tầm khu vực ASEAN trong đó sản xuất kinh doanh ô tô là chủ lực |
Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaco, ông Trần Bá Dương, khẳng định mục tiêu phát triển đó trong bài phát biểu thông điệp đầu năm 2018 gửi tới toàn thể cán bộ, nhân viên của tập đoàn.
Theo đó, Thaco nêu rõ, sứ mệnh tham gia phát triển kinh tế của đất nước và triết lý kinh doanh được xác tín là: “mang lại giá trị cho khách hàng, xã hội thông qua sản phẩm và dịch vụ của mình đồng thời có đóng góp thiết thực cho đất nước”.
Phân tích về những yếu tố và điều kiện để thực hiện mục tiêu này, ông Trần Bá Dương cho rằng, năm 2018, kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng cao ước đạt 6,5-6,8%, trên cơ sở là năm 2017 vừa qua kinh tế Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục vượt ngoài dự báo đạt 6,81%, mức cao nhất kể từ 2011, nhất là thế và vận của đất nước đang lên với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và cả nước hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế.
Năm 2018, cũng là năm đầu tiên hội nhập ASEAN hoàn toàn với thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN đã về mốc 0%. Công nghiệp ô tô trong nước phải cạnh tranh rất khốc liệt và không cân xứng với các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia đang là những nước đã có nền kinh tế đi trước, có thị trường ô tô rất lớn và ngành công nghiệp ô tô phát triển mạnh, ổn định lâu đời trong hơn 70 năm qua.
Năm 2018, cũng là năm khởi đầu cho một chu kỳ phát triển mới của ngành công nghiệp ô tô trong nước trong bối cảnh hội nhập khu vực ASEAN. Khi mà hầu hết các hãng xe nổi tiếng trên thế giới mặc dù đã sản xuất, lắp ráp rất lâu ở Việt Nam nhưng đã chuyển phần lớn sang nhập khẩu nguyên chiếc và Thaco được xem là một trong những DN đang là đại diện và trụ cột trong chu kỳ phát triển mới của ngành công nghiệp ô tô trong nước đầy khó khăn và thách thức này.
Đồng thời, theo xu thế tất yếu của thế giới là sản phẩm ô tô thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng điện, tối đa tự động hóa và ứng dụng công nghệ thông tin để quản trị sản xuất kinh doanh theo mô hình thông minh xuyên suốt trong chuỗi giá trị, Thaco quyết tâm đạt được mục tiêu là tiếp tục phát triển ngành sản xuất kinh doanh ô tô của mình và góp phần phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nói chung theo hướng hiện đại, sớm bắt kịp và bền vững trong hội nhập.
Do vậy, Thaco sẽ tập trung các nguồn lực nhằm củng cố vị trí hàng đầu, bảo đảm năng lực cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh ô tô trong bối cảnh hội nhập. Song song đó, phát triển các ngành nghề kinh doanh mới thông qua các tổng công ty trực thuộc với triết lý, chiến lược chuyên biệt phù hợp với đặc thù các ngành nghề và dựa trên triết lý, chiến lược chung của Thaco.
Nhà máy bus Thaco |
Cụ thể, về xe du lịch, sẽ đa dạng hóa các dòng xe mang thương hiệu quốc tế như Kia đến từ Hàn Quốc, Mazda – Nhật Bản, Peugeot – Pháp, và BMW- Đức và MINI đến từ Anh nhằm mang lại cho khách hàng sự lựa chọn đa dạng và phong phú. Đồng thời thực hiện chiến lược marketing và công tác quản trị hoạt động chuyên biệt cần thiết nhằm bảo đảm định vị của từng thương hiệu, tư vấn sản phẩm và cung cấp dịch vụ đúng với từng đối tượng khách hàng và không cạnh tranh trực tiếp lẫn nhau.
Đối với xe tải, bus sẽ xuyên suốt và khép kín chuỗi giá trị từ khâu nghiên cứu phát triển sản phẩm (R&D), phân phối, bán lẻ và dịch vụ sau bán hàng với đầy đủ các sản phẩm từ nhỏ đến lớn theo model xe và các phân khúc trung cao cấp đến cao cấp theo thương hiệu.
Để trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành mang tầm khu vực ASEAN, Thaco luôn nhận thức được việc phải tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nhằm thực hiện chiến lược sản xuất, lắp ráp đầy đủ các loại ô tô với mục tiêu nâng tỉ lệ nội địa hóa đạt lên 40%.
Theo đó, trong năm sẽ khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy Thaco-Mazda giai đoạn 1, công suất 50.000 xe vào ngày 24/3/2018; đầu tư nâng cấp nhà máy Thaco-Kia đáp ứng yêu cầu mới của chiến lược với chi phí sản xuất tối ưu nhất; đầu tư và đưa vào hoạt động nhà máy xe tải mới công suất 100.000 xe/năm; đầu tư và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất lắp ráp xe 7 chỗ, Mini Bus VIP, cao cấp và chuyên dụng.
Đặc biệt, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nhằm liên kết hoặc liên doanh để nhận chuyển giao công nghệ phát triển nhanh công nghiệp phụ trợ qua đó phát triển cụm công nghiệp hỗ trợ mới với việc mở rộng 33 ha và 50 ha ở KCN Tam Hiệp nâng tổng diện tích cho công nghiệp hỗ trợ trong năm 2018 là 138 ha….
Đồng thời, để giảm giá thành logistics, qua đó thu hút đầu tư vào khu kinh tế mở Chu Lai nói riêng và miền Trung nói chung, Thaco sẽ mở rộng thêm một cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 50.000 tấn, mở tuyến container trực tiếp Chu Lai – Nhật Bản để tiếp tục thực hiện chiến lược đưa cảng Chu Lai trở thành cảng container lớn nhất miền Trung.
Bên cạnh đó, năm 2018 là năm đánh dấu sự có mặt của Thaco trong lĩnh vực công nghiệp hóa nông nghiệp nhằm góp phần công nghiệp hóa ngành nông nghiệp Việt Nam theo hướng cơ giới hóa tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp bằng hàng loạt các sự kiện như: đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất máy móc nông nghiệp tại Chu Lai cùng với việc thiết lập hệ thống phân phối và bán lẻ trên toàn quốc; triển khai dự án Khu công nghiệp chuyên về lúa và ngũ cốc tại tỉnh Thái Bình; liên kết với các DN nông nghiệp khác chuyên về cây ăn trái và cây công nghiệp để từng bước phát triển máy móc các loại nhằm cơ giới hóa.
“Đối với Thaco, hội nhập ASEAN 2018 vừa là thách thức nhưng cũng là một cơ hội lớn khi mà nền kinh tế Việt Nam hội nhập với chính sách và lộ trình hợp lý cho từng ngành nghề để doanh nhân và DN Việt từng bước cạnh tranh một cách sòng phẳng với các DN ở khu vực và trên thế giới. Với tinh thần nỗ lực đóng góp, sẵn sàng cống hiến, Thaco sẽ tự tin hội nhập và vững tiến vươn xa”, ông Trần Bá Dương khẳng định.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()