tle=”Thách thức “xanh hoá” nền kinh tế”> yerText”> Xem thêm:1 ảnh PGS.TS Bùi Cách Tuyến – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường chủ trì hội thảo.
– “Việt Nam đang ở đâu trên lộ trình hướng tới nền kinh tế xanh?” là câu hỏi được TS. Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đặt ra tại Hội thảo “Kinh tế xanh và phát triển bền vững” diễn ra sáng nay 4-6, tại Quảng Ninh. Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường nhằm bàn thảo về những thách thức và cơ hội của Việt Nam trong việc tiến tới nền “kinh tế xanh”.
Còn nhiều thách thức
Kinh tế xanh được hiểu như hệ thống kinh tế đặc thù có sự tương hợp với môi trường tự nhiên, thân thiện với môi trường, hệ sinh thái và toàn xã hội. Kinh tế xanh có thể được hiểu như “xanh hóa nền kinh tế” bao gồm bốn nội dung: kinh tế nông nghiệp, kinh tế công nghiệp, kinh tế dịch vụ và kinh tế tri thức.
Ông Phạm Văn Lợi – Viện trưởng Viện Khoa học Quản lý Môi trường, Tổng cục Môi trường cho rằng, khó khăn đầu tiên là chưa có nhận thức đầy đủ và chính xác về “Kinh tế xanh” bởi khái niệm này còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Thứ hai là công nghệ sản xuất cũ, lạc hậu, tiêu hao năng lượng nhiều so với công nghệ thế giới, do đó việc thay đổi công nghệ sản xuất là thách thức không nhỏ trong tiếp cận nền kinh tế xanh ở Việt Nam.
Thứ ba, nguồn vốn đầu tư cho thực hiện Kinh tế xanh ở Việt Nam còn hạn chế. Thói quen tiêu dùng cũ, lạc hậu, thiếu sự lựa chọn là một rào cản lớn.
Khi đặt câu hỏi về vị trí của Việt Nam trong lộ trình hướng tới nền kinh tế xanh, TS. Nguyễn Văn Tài cho hay, nền kinh tế Việt Nam đang dựa vào khai thác tài nguyên là chính, trong khi đó phân bổ và sử dụng “nguồn vốn tự nhiên” kém hiệu quả; phát sinh nhiều chất thải ô nhiễm môi trường; tốc độ gia tăng phát thải khí nhà kính cao nhất thế giới. Các ngành kinh tế “nâu”, gây ô nhiễm môi trường đang chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế.
Thực tế, ngành sản xuất năng lượng sạch chưa phát triển như năng lượng hạt nhân, năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, sinh học, địa nhiệt… còn thiếu vắng… Một số ngành kinh tế thân thiện với môi trường những gặp khó khăn về nguồn vốn, đầu ra của sản phẩm thiếu ổn định, lợi thế cạnh tranh, lợi nhuận thấp.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng thiệt hại kinh tế của nước ta trong thời gian qua do ô nhiễm môi trường gây ra tối thiểu từ 1,5 đến 3% GDP. Ngoài ra, mỗi năm Việt Nam còn phải chịu thiệt hại 780 triệu USD trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng vì ô nhiễm môi trường. Hàng năm, ngân sách Nhà nước cho bảo vệ môi trường không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách.
Xanh hóa nền kinh tế
Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những giải pháp cũng như thực tiễn cho vấn đề phát triển kinh tế xanh ở nước ta.
Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, việc tập trung phát triển kinh tế đã phải trả giá cho sự suy giảm tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Tỉnh Quảng Ninh đang tiến hành chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “tăng trưởng nóng sang tăng trưởng xanh”, trong đó trước mắt chú ý đến công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường đến cán bộ, nhân dân.
Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho hay thời gian qua đã chú trọng hơn đến việc bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững. Tập đoàn đã lập Quỹ môi trường tập trung bằng 1% chi phí sản xuất, đồng thời cho phép các đơn vị thành viên trực tiếp chi 0,5% chi phí sản xuất cho các hoạt động bảo vệ môi trường thường xuyên.
Các nhà máy cơ khí (Cơ khí Hòn Gai, Cơ khí Cẩm Phả), tuyển than (Tuyển than Hòn Gai), bến cảng xuất than (cảng Hòn Gai, các cảng lẻ ven bờ từ Mạo Khê đến Cẩm Phả)… đã được di dời khỏi trung tâm thành phố Uông Bí , Hạ Long, Cẩm Phả. Vinacomin cũng đã xây dựng 32 trạm xử lý nước thải mỏ; xây dựng các tuyến đường vận chuyển than chuyên dụng; cải tạo phục hồi môi trường các bãi thải, khai trường đã kết thúc sản xuất (bãi thải Nam Đèo Nai, Nam Lộ Phong, Ngã Hai…).
TS Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng, Việt Nam cần phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thu hẹp khu vực “kinh tế nâu”, mở rộng khu vực “kinh tế xanh” trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh về vốn tự nhiên. Bên cạnh đó, phải tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; Xây dựng năng lực giải quyết các vấn đề môi trường nội tại, giải quyết hậu quả về môi trường do khu vực kinh tế “nâu” gây ra.
Hôm qua, trong lễ mit- tinh hưởng ứng Ngày vì môi trường, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã kêu gọi các cấp chính quyền, các bộ, ngành, đoàn thể thực hiện bốn hành động cụ thể: Tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tăng cường các ngành công nghiệp sinh thái và dịch vụ môi trường; Giảm khí phát thải nhà kính trên đơn vị GDP và tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, thích ứng và giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu; Xanh hóa lối sống và thực hiện tiêu dùng bền vững, trong đó thực hiện đô thị hóa bền vững; Tăng cường các nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường.
Theo Nhandan
Ý kiến ()