Thách thức với vận tải biển quốc tế
Các hãng vận tải biển quốc tế đang không chỉ đối mặt với mối đe dọa tấn công do lực lượng Houthi tiến hành ở Biển Đỏ và các vùng biển lân cận, mà còn phải ứng phó nạn cướp biển Somalia gần đây trỗi dậy sau một thời gian bị lực lượng hải quân quốc tế trấn áp. Bảo đảm an ninh đang nổi lên là thách thức lớn trên những tuyến vận tải biển, cũng như với hoạt động thương mại toàn cầu.
Hải quân Ấn Độ gần đây giải cứu một tàu thương mại khỏi cướp biển ngoài khơi bờ biển Somalia. Lực lượng Ấn Độ đã bắt giữ 35 tên cướp và giải cứu 17 thành viên thủy thủ đoàn của tàu MV Ruen treo cờ Malta. Đây là những nạn nhân mới nhất của nạn hải tặc trỗi dậy thời gian gần đây. Nhóm cướp biển Somalia thừa nhận lợi dụng tình hình trong lúc lực lượng hải quân quốc tế tập trung vào việc đẩy lùi các cuộc tấn công của Houthi, để hoạt động trở lại sau thời gian “nằm vùng” gần 10 năm.
Theo dữ liệu của Lực lượng đặc nhiệm Liên minh châu Âu chống cướp biển (EUNAVFOR), kể từ tháng 11/2023, cướp biển đã chiếm giữ ít nhất 2 tàu hàng và 12 tàu cá. Đến tháng 2 vừa qua, EUNAVFOR đã xác định 5 nhóm cướp biển hoạt động ở Vịnh Aden và vùng biển phía đông Somalia. EUNAVFOR cảnh báo cướp biển mở rộng hoạt động trong mùa mưa này. Các đại diện ngành vận tải biển cũng cho biết, từ tháng 11 năm ngoái, cướp biển Somalia đã thực hiện hơn 20 cuộc tấn công và bắt giữ các tàu hàng.
Diễn biến nêu trên đẩy giá thuê nhân viên an ninh có vũ trang và phí bảo hiểm của các hãng tàu tăng cao. Trong tháng 2 vừa qua, chi phí để thuê một đội bảo vệ đi theo tàu trong 3 ngày dao động trong khoảng 4.000 USD-15.000 USD, tăng khoảng 50% so mức tháng trước đó. Ngoài ra, các hãng vận tải cũng lo ngại về nguy cơ mất một số tiền lớn để chuộc tàu. Các cuộc tấn công của hải tặc Somalia khiến các công ty bảo hiểm mở rộng phạm vi các vùng biển áp dụng phí bảo hiểm rủi ro chiến tranh bổ sung đối với tàu hàng. Hiện nay, phí bảo hiểm rủi ro chiến tranh ngày càng cao đối với các chuyến tàu đi qua Vịnh Aden và Biển Đỏ.
Việc bảo đảm an ninh, an toàn cho các tuyến vận tải hàng hóa trên biển là thách thức lớn hiện nay, khi ba tuyến thương mại toàn cầu chính đều bị gián đoạn.
Việc bảo đảm an ninh, an toàn cho các tuyến vận tải hàng hóa trên biển là thách thức lớn hiện nay, khi ba tuyến thương mại toàn cầu chính đều bị gián đoạn. Ngoài tuyến Biển Đỏ, có cả dòng chảy ngũ cốc và dầu mỏ ở Biển Đen sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine và tuyến vận tải qua kênh đào Panama, nơi mực nước thấp do hạn hán khiến lưu lượng vận chuyển giảm mạnh.
Biển Đỏ nối với Địa Trung Hải qua kênh đào Suez, hình thành nên tuyến vận tải biển ngắn nhất kết nối châu Âu và châu Á, chiếm khoảng 15% lưu lượng vận tải biển của thế giới. Căng thẳng leo thang ở Biển Đỏ đã thúc đẩy các công ty vận tải biển chủ chốt định tuyến lại hoạt động vận chuyển, theo đó tạm thời chuyển hướng sang tuyến đường biển quanh Mũi Hảo Vọng. Theo dữ liệu từ nền tảng PortWatch của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khối lượng vận chuyển hàng hóa qua kênh đào Suez trong tuần kết thúc ngày 13/2 đã giảm 55% so mức cùng kỳ năm 2023, trong khi khối lượng vận chuyển quanh Mũi Hảo Vọng tăng gần 75%.
Theo dữ liệu từ nền tảng PortWatch của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khối lượng vận chuyển hàng hóa qua kênh đào Suez trong tuần kết thúc ngày 13/2 đã giảm 55% so mức cùng kỳ năm 2023, trong khi khối lượng vận chuyển quanh Mũi Hảo Vọng tăng gần 75%.
Theo Cơ quan Quản lý kênh đào Suez (SCA) của Ai Cập, căng thẳng ở Biển Đỏ khiến giá cước vận chuyển tăng mạnh, từ mức 750 USD/container lên 6.800 USD/container. Chi phí nhiên liệu và bảo hiểm cũng tăng cao, đặt ra những thách thức chưa từng có đối với ngành hàng hải nói chung và hoạt động vận chuyển qua kênh đào Suez nói riêng.
Theo Cơ quan quản lý kênh đào Panama (ACP), phải đến tháng 2/2025, giao thông qua lại kênh đào này mới có thể trở lại bình thường, sau khi tình trạng thiếu nước nghiêm trọng buộc nhà chức trách Panama giảm lượng tàu lưu thông qua đây.
Các cuộc tấn công trên Biển Đỏ, một phần của tuyến vận tải huyết mạch đông-tây của thế giới, cùng các vụ cướp biển xảy ra trên các vùng biển làm tăng lo ngại về hoạt động thương mại quốc tế bị gián đoạn khi chỉ vừa mới phục hồi sau đại dịch Covid-19, gây thêm tổn thất cho nền kinh tế toàn cầu. Ngăn chặn nạn cướp biển và các vụ tiến công là vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm và cần một nỗ lực phối hợp nhằm bảo đảm an ninh lâu dài cho các tuyến hàng hải quan trọng, giữ cho hoạt động thương mại toàn cầu thông suốt, an toàn.
Ý kiến ()