Thách thức và cơ hội của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN
Với kinh nghiệm từng là Chủ tịch ASEAN năm 2010 và tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.
Quân y các nước ASEAN diễn tập trực tuyến cơ chế phòng chống dịch COVID-19 .
Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, báo Sakai – một tờ báo lớn và có uy tín hàng đầu tại khu vực Kansai (miền Trung Nhật Bản), vừa có bài viết khẳng định Việt Nam sẽ đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020.
Bài báo cho rằng những thách thức lớn đối với Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 lan rộng, chủ nghĩa bảo hộ, cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn cũng như diễn biến phức tạp ở Biển Đông.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm từng là Chủ tịch ASEAN năm 2010 và tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) với sự tham gia của các nước lớn như Nga và Mỹ, Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt vai trò lần này.
Bài báo cũng cho rằng Việt Nam với kinh nghiệm kiểm soát COVID-19 sẽ có cơ hội tốt để cùng các nước thảo luận về cách ứng phó với đại dịch. Bên cạnh đó, việc tổ chức Hội nghị mở rộng với sự tham gia của các nước lớn sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam mà còn góp phần ổn định môi trường an ninh khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương.
Với việc duy trì chính sách ngoại giao cởi mở, chú trọng liên kết với các nước trong khối, đồng thời tranh thủ và thu hút các nước lớn, Việt Nam có thể tận dụng vai trò nước Chủ tịch ASEAN năm 2020 để thúc đẩy các lợi ích của mình cũng như an ninh khu vực.
Bài báo cũng khẳng định năm 2020 sẽ là thời điểm để các nước trong khối ASEAN một lần nữa khẳng định vai trò của “tính trung tâm của ASEAN” cũng như sự “độc lập” và “tự chủ”. Bài báo cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể thành công trong việc triển khai chính sách ngoại giao “đậm chất ASEAN”./.
Ý kiến ()