Thách thức và cơ hội của nông nghiệp Việt Nam thời kỳ hội nhập
Ngày 12/12 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị toàn thể thường niên Chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG) 2013 với chủ đề: “Nông nghiệp Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế: Thách thức và cơ hội mới”.
Ngày 12/12 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị toàn thể thường niên Chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG) 2013 với chủ đề: “Nông nghiệp Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế: Thách thức và cơ hội mới”.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh, kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, từ một xuất phát điểm thấp đã dần vượt qua các rào cản, vươn lên khẳng định vị thế của mình.
Năm 2012, mặc dù kinh tế thế giới có nhiều biến động bất thường nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam vẫn đạt 27,5 tỷ USD, tăng 2,5 lần so với năm 2006. Nhiều mặt hàng của Việt Nam đã tạo dựng được tên tuổi và chiếm lĩnh được thị phần tại nhiều thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU…điển hình như xuất khẩu gạo chiếm 19,75% thị phần thế giới, hồ tiêu 16,26%, cà phê 16,89%…đạt tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu tăng theo từng năm.
Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, việc hội nhập với “sân chơi” chung của thế giới cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam phải đối mặt với không ít thách thức đặt ra. Có thể kể ra như đối với cá tra, mặc dù được đánh giá có nhiều thế mạnh nhưng hiện đang phải chịu nhiều áp lực cạnh tranh từ các đối thủ khác cũng như các mức thuế chống bán phá giá từ các thị trường nhập khẩu.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đánh giá, khi tham gia vào các hoạt động kinh doanh quốc tế, sự bất ổn của tỷ giá cũng gây ra không ít khó khăn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lúa gạo và thủy sản. Bên cạnh đó, khó khăn trong việc tiếp cận thông tin thị trường, các thủ tục hải quan phức tạp và các chính sách bảo hộ của thị trường nước ngoài cũng đang là bài toán khó với nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu cà phê, mía đường, thủy sản…
Theo đó, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên đáng kể nhất vẫn là do tác động của khủng hoảng kinh tế. Việc tham gia vào các hiệp định thương mại chưa mang lại những hiệu quả như mong đợi. Trong khi đó tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ yếu nhờ vào tăng khối lượng chứ không phải tăng về giá trị.
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, để có thể phát huy được những tiềm năng và lợi thế của ngành nông nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam cần phải nỗ lực hơn trong quá trình tái cơ cấu, cải cách những lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, chi tiêu công, doanh nghiệp Nhà nước… đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cung cấp nhiều công cụ hỗ trợ hơn cho các doanh nghiệp, tăng cường trao đổi thông tin, tận dụng sự hỗ trợ từ quốc tế…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()