Thách thức từ cuộc khủng hoảng việc làm
Ðại dịch Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào thị trường việc làm ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó giới trẻ là lực lượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Chính phủ các nước đã tích cực triển khai nhiều biện pháp bảo đảm việc làm cho người dân, song đây vẫn là thách thức lớn đối với khu vực.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cơn bão Covid-19 quét qua đã khiến 81 triệu người lao động tại châu Á – Thái Bình Dương mất việc làm. Tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng khi nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm giờ làm của người lao động vì tình hình kinh doanh ảm đạm. Theo thống kê, tổng thời gian làm việc của người lao động ở châu Á – Thái Bình Dương giảm 15,2% trong quý II và 10,7% trong quý III năm nay so mức trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Nam Á là khu vực có số người mất việc làm lớn nhất với gần 50 triệu người, tiếp theo là Ðông Á với 16 triệu người, trong khi Ðông – Nam Á và các đảo Thái Bình Dương lần lượt ghi nhận 14 triệu và 500 nghìn người. Theo ước tính của ILO, tỷ lệ thất nghiệp ở châu Á – Thái Bình Dương có thể tăng từ 4,4% năm 2019 lên mức từ 5,2% đến 5,7% trong năm nay.
Lao động trẻ chịu tác động mạnh nhất bởi cuộc khủng hoảng việc làm tại châu Á – Thái Bình Dương. Thất nghiệp ở giới trẻ đang là thách thức toàn cầu, song tình trạng này càng đáng lo ngại đối với châu Á – Thái Bình Dương, khu vực có tỷ lệ lao động trẻ cao. Gần một nửa số lao động trẻ tại khu vực làm việc trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch như bán lẻ, sản xuất chế tạo, dịch vụ ăn uống và lưu trú… Ðây là một trong những lý do khiến giới trẻ là đối tượng bị mất việc làm nhiều nhất. Các chuyên gia của ILO nhận định, nếu không được quan tâm thích đáng, cuộc khủng hoảng việc làm hiện nay có nguy cơ tạo nên một “thế hệ bị phong tỏa”.
Giới chuyên gia nhận định, cuộc khủng hoảng việc làm do đại dịch Covid-19 không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống của người lao động, mà còn đảo ngược những thành quả đạt được trong cuộc chiến chống đói nghèo tại khu vực. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), cú sốc từ Covid-19 đang tạo ra một tầng lớp “người nghèo mới” trên khắp Ðông Á và khu vực Thái Bình Dương, khi số người rơi vào cảnh đói nghèo lần đầu tăng trong 20 năm qua. Một thực trạng đáng lo ngại là nhiều người lao động có việc làm nhưng thu nhập vẫn không đủ trang trải cuộc sống, do số giờ làm việc giảm. ILO ước tính, tổng số người có việc làm nhưng vẫn nghèo tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2020 sẽ tăng lên mức từ 94 đến 98 triệu người.
Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia đã triển khai các biện pháp hỗ trợ người lao động với quy mô và phạm vi chưa từng có tiền lệ. Thủ tướng Ô-xtrây-li-a X.Mo-ri-xơn khẳng định, trọng tâm chính của chính phủ nước này là tạo công ăn việc làm. Ðể giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động và thúc đẩy nền kinh tế hồi phục, Ô-xtrây-li-a xác định ba ưu tiên chính, gồm hỗ trợ người dân thông qua các chương trình trợ cấp lương và thất nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng và các chương trình đào tạo, đồng thời thực hiện các biện pháp giảm chi phí kinh doanh như cải cách thuế, bỏ nạn quan liêu. Trong khi đó, Chính phủ Xin-ga-po đưa ra Sáng kiến tăng trưởng việc làm, theo đó hỗ trợ các công ty gia tăng số lượng lao động địa phương trong giai đoạn từ tháng 9-2020 đến tháng 2-2021. Tại Nhật Bản, chương trình trợ cấp việc làm đã sớm được triển khai và hiện vẫn là một trong những vấn đề được Chính phủ Thủ tướng Xư-ga Y-ô-si-hi-đê đặc biệt quan tâm…
Trong nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế, giải quyết tình trạng thất nghiệp được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với chính phủ nhiều nước châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ổn định thị trường việc làm vẫn được xem là bài toán khó. Các chuyên gia kỳ vọng, với sự nỗ lực và hành động quyết liệt của các quốc gia trong khu vực, bức tranh việc làm tại châu Á – Thái Bình Dương sẽ dần chuyển sang gam màu sáng.
Ý kiến ()