Thách thức trong nhiệm kỳ mới của ông chủ Điện Élysée
Kết thúc cuộc bầu cử tổng thống Pháp, thắng lợi đã thuộc về ông Emmanuel Macron. Tuy nhiên, điều khá khó hiểu là cử tri đất nước hình lục lăng lại không ủng hộ đảng cầm quyền chiếm đa số ghế tại Quốc hội. Việc này báo hiệu một nhiệm kỳ không yên ả của ông chủ Điện Élysée.
Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp Pháp Laurent Fabius xác nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống Pháp vòng hai hôm 24/4, theo đó, Tổng thống mãn nhiệm Emmanuel Macron giành thắng lợi với 58,6% số phiếu ủng hộ, so tỷ lệ 41,4% phiếu bầu của đối thủ Marine Le Pen.
Đây là lần đầu trong 20 năm qua, nước Pháp chứng kiến một tổng thống nắm quyền hai nhiệm kỳ liên tiếp. Kết quả cuộc bầu cử thể hiện sự tin tưởng của người dân Pháp dành cho ông Macron hơn là mạo hiểm gửi gắm số phận vào tay bà Marine Le Pen của phe cực hữu.
Ngay sau khi công bố kết quả bầu cử, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã gửi lời chúc mừng đến nước Pháp và ông Macron, người đồng hành với họ suốt 5 năm qua.
Dù ủng hộ Tổng thống Macron nắm quyền thêm một nhiệm kỳ 5 năm nhưng có vẻ cử tri Pháp lại không muốn đảng Cộng hòa tiến bước (LREM) cầm quyền của ông chủ Điện Élysée giành đa số ghế tại Quốc hội trong các cuộc bầu cử quốc hội lưỡng viện vào các ngày 12 và 19/6 tới.
Điều lạ lùng rất khó lý giải đó thể hiện trong kết quả cuộc thăm dò ý kiến cử tri cho thấy, có đến 61% người dân Pháp ủng hộ phe đối lập. Tỷ lệ này tăng lên 69% trong nhóm cử tri thuộc tầng lớp lao động và xấp xỉ 90% nhóm cử tri cực hữu và cực tả.
Trong trường hợp LREM và đảng Phong trào dân chủ (Modem) đồng minh không nắm đa số ghế tại Quốc hội Pháp, Tổng thống Macron sẽ buộc phải tìm kiếm liên minh với các chính đảng khác. Điều này sẽ đẩy vị tổng thống sinh năm 1977 vào thế khó trong việc thực hiện các cam kết của mình trong chiến dịch tranh cử là đẩy mạnh cải cách và tăng độ tuổi về hưu.
Trong các cam kết tranh cử, lời hứa của ông Macron về cải thiện sức mua cho các gia đình được cử tri đánh giá cao trong bối cảnh giá hàng hóa, nhiên liệu liên tục tăng cao và viễn cảnh kinh tế ảm đạm. Theo kết quả thăm dò của hãng Ipsos Sopra-Steria, 51% người dân coi đây là tiêu chí ưu tiên trong lựa chọn tổng thống, sau đó mới đến các vấn đề cải cách hệ thống y tế (32%), cải thiện môi trường (30%) và quản lý người nhập cư (29%). Sức mua yếu là một trong những chỉ số cho thấy khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa người nghèo và người giàu ngày càng nới rộng.
Thách thức thứ hai cũng không hề dễ dàng đối với ông Macron trong nhiệm kỳ mới, đó là những vấn đề về khí hậu và môi trường. Đây là chủ đề giành được sự quan tâm đặc biệt của mọi tầng lớp xã hội Pháp, đặc biệt là giới trẻ. Nhiệm vụ càng trở nên nặng nề hơn khi cả nước Pháp và châu Âu muốn giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga.
Tổng thống Macron khẳng định sẽ giao thủ tướng của chính phủ sắp tới phụ trách quy hoạch sinh thái, bởi đây là nhiệm vụ bao trùm tất cả lĩnh vực, khu vực, dự án đầu tư. Sự quyết tâm của ông thể hiện qua kế hoạch thành lập một bộ mới về quy hoạch năng lượng, nhằm đặt nước Pháp vào lộ trình giảm tiêu thụ khí đốt, dầu mỏ và than đá.
Tuy nhiên, để có nền tảng thực thi ý tưởng này, ông Macron sẽ phải thuyết phục Thượng viện thông qua Dự luật khí hậu. Dự luật sẽ giúp người dân thay đổi cách ứng xử với môi trường sống, phương thức sản xuất, di chuyển, làm việc, cho phép nước Pháp có thể cắt giảm 40% khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.
Đặc biệt, dự luật cũng tạo điều kiện để thực hiện kế hoạch France 2030 mà ông Macron vừa công bố năm 2021, trong đó cốt lõi là các chương trình kinh tế-công nghệ xanh bao trùm mọi lĩnh vực của cuộc sống. Về vấn đề an ninh nội địa và quản lý người nhập cư, ông Macron tỏ thái độ cứng rắn hơn với cam kết thành lập 200 đơn vị hiến binh mới để bảo đảm an ninh nội địa, tăng cường năng lực quản lý nhập cư, sửa đổi quy định lãnh sự và siết chặt điều kiện cấp thẻ cư trú.
Rất nhiều công việc đang đợi Tổng thống Macron trong 5 năm tới. Cộng đồng quốc tế hy vọng nhiệm kỳ mới của Tổng thống Pháp sẽ suôn sẻ, góp phần ổn định trong nước, phát triển kinh tế và tăng cường vị thế quốc tế của nước Pháp.
Ý kiến ()