Thách thức trong công tác đấu tranh chống buôn lậu
LSO-Là tỉnh có đường biên giới dài trên 231 km, nhiều đường tắt đường mòn qua lại, nên công tác kiểm tra, kiểm soát hàng lậu gặp rất nhiều khó khăn. Các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn để vận chuyển hàng vào sâu trong nội địa. Trước diễn biến phức tạp của tình hình buôn lậu, lực lượng công an đã chủ động tham mưu cho Ban chỉ đạo Phòng chống buôn lậu tỉnh xây dựng kế hoạch đấu tranh, chủ động phối hợp với các lực lượng quản lý biên giới tăng cường tuần tra kiểm soát. Mở các đợt cao điểm đấu tranh quyết liệt với các hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại. Lực lượng biên phòng, hải quan phối hợp xây dựng các lán trại, ngăn chặn tại các đường mòn, đường tắt qua biên giới, không để tình trạng xuất nhập cảnh trái phép và những hoạt động vi phạm khác diễn ra. Qua đó đã kiềm chế hàng lậu qua các đường mòn. Tuy nhiên trước những biện pháp đấu tranh của lực lượng chống buôn lậu, các đối tượng lại chuyển sang hình thức khác.
Công an phòng PC46 bắt giữ hàng tạp hoá nhập lậu |
Vào hồi 0 giờ 30 ngày 28/4/2013, tại thị trấn Đồng Đăng (Cao Lộc), Phòng CSĐTTP về kinh tế và chức vụ Công an tỉnh đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 2 kiểm tra xe 12C-014.33. Trên xe chất đầy hàng hóa do Trung Quốc sản xuất, bao gồm các mặt hàng như quần áo, đồ gia dụng… nhưng không thể bắt giữ được hàng hóa vì chủ hàng xuất trình đủ hóa đơn thu gom hàng của cư dân biên giới theo Quyết định 254/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mất rất nhiều thời gian và công sức để dỡ hàng xuống đối chiếu với từng hóa đơn, lực lượng chống buôn lậu chỉ tạm giữ được một số hàng ít ỏi nằm ngoài danh mục kê khai. Tình trạng hợp thức hàng lậu bằng những tờ hóa đơn như thế này đang diễn ra phổ biến hiện nay. Đây là thách thức rất lớn đối với công tác đấu tranh chống buôn lậu.
Thay vì hoạt động công khai, nhộn nhịp như trước thì nay buôn lậu gần như hoạt động ngầm, kín đáo hơn, khó phát hiện hơn. Hiện nay một số chủ hàng vào sâu trong nội địa Trung Quốc mua thu gom hàng rồi đưa về Việt Nam bằng đường sắt. Tại khu vực sân ga Đồng Đăng, hàng lậu được xếp lẫn với hàng có hóa đơn nhưng để thu giữ được không phải đơn giản. Những toa tàu chất đầy hàng, lực lượng chống buôn lậu biết chắc chắn trong số hàng hợp pháp có hàng lậu cũng không thể kiểm tra xuể vì lực lượng quá mỏng, thời gian có hạn, không thể dỡ hết các toa hàng để đối chứng với từng hóa đơn. Một số hàng được kẹp chì từ Trung Quốc, thông quan qua cửa khẩu, theo quy định thì Hải quan Lạng Sơn không có chức năng để kiểm tra. Đây cũng là một lý do để hàng lậu vào sâu trong nội địa nước ta. Để phát hiện, bắt giữ được hàng hóa gian lận bằng hóa đơn như vậy phải mất rất nhiều thời gian trinh sát, nắm tình hình.
Vụ bắt giữ số hàng lậu ước tính trị giá khoảng 100 triệu đồng gồm hàng điện tử, điện gia dụng, quần áo, hàng tạp hóa do Trung Quốc sản xuất mà Công an huyện Văn Lãng bắt giữ vào ngày 16/5 vừa qua đã chứng minh: nếu số hàng lậu trên mà không bị bắt giữ thì chỉ cần vài chục phút sau sẽ được các cá nhân mua gom hàng viết hóa đơn, kê khống một số giấy tờ, đương nhiên sẽ trở thành hàng hợp pháp. Nguy hại hơn, số hàng này lại được gắn tem nhãn bảo hành bằng chữ Việt Nam, nơi sản xuất cũng tại Việt Nam. Các đối tượng còn dùng thủ đoạn là ghi giá trị hàng thấp hàng chục lần, gây thất thu không nhỏ cho ngân sách. Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng hóa đơn quay vòng, kê khai không đúng số lượng… Lợi dụng hóa đơn, chứng từ các đối tượng buôn lậu đã biến hàng lậu thành hàng hợp pháp một cách dễ dàng. Thực tế lực lượng chống buôn lậu trong tỉnh đang nỗ lực, tăng cường các biện pháp để ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, góp phần ổn định an ninh kinh tế trong nước, nhưng với thủ đoạn gian dối hóa đơn chứng từ như vậy khiến cho công tác đấu tranh gặp rất nhiều trở ngại.
Ý kiến ()