Thách thức phức tạp hơn từ IS
Trong một bài viết mới đây, trang mạng Arab News cho biết trước sự gia tăng về tần suất và mức độ tàn khốc của các cuộc tấn công do tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS) thực hiện tại Syria, người ta không khỏi hoài nghi liệu rằng IS có thực sự đã bị quét sạch tại quốc gia Trung Đông cách đây hơn 4 năm hay không.
Mưu đồ phô trương sức mạnh
Theo bài viết, vào những ngày cuối tháng 3-2019, người dân thuộc mọi tầng lớp khác nhau đã đổ ra các đường phố Syria ăn mừng sau khi hay tin IS bị quét sạch khỏi thành trì cuối cùng ở miền Đông nước này. Tuy nhiên, họ hầu như không biết rằng cho dù bị mất quyền kiểm soát đối với những khu vực lãnh thổ từng chiếm đóng, IS vẫn tiếp tục “duy trì các căn cứ bên trong và bên ngoài Syria” để làm bàn đạp tiếp tục tấn công khủng bố tại quốc gia Trung Đông. Trong đó, vùng sa mạc rộng lớn Badia chiếm hơn 1/2 diện tích lãnh thổ Syria với dân cư thưa thớt đã trở thành “căn cứ hoạt động lý tưởng” với IS.
Trang mạng Arab News cho biết kể từ sau khi bị đánh bại, IS đã tiến hành hơn 1.400 cuộc tấn công khủng bố nhằm vào các mục tiêu quân sự và dân sự trên khắp Syria, cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 người. Chỉ tính riêng trong nửa đầu năm 2023 này, hơn 260 người tại Syria, chủ yếu là thường dân, đã bị thiệt mạng trong các cuộc tấn công do IS đứng đằng sau trong khi hơn 160 người khác bị bắt cóc. IS gieo rắc tội ác ở các địa bàn khác nhau tại Syria, không phân biệt là khu vực do Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad hay Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF)-nòng cốt là người Kurd được Mỹ hậu thuẫn, kiểm soát. “Những cuộc tấn công này là mưu đồ của IS nhằm phô trương sự hiện diện và sức mạnh”, trang mạng Arab News nhận định.
Hiện trường vụ đánh bom khủng bố do IS tiến hành tại thị trấn Sayeda Zeinab ở ngoại ô thủ đô Damascus của Syria, tháng 7-2023. Ảnh: AFP |
Lời cảnh báo
Tờ The Atlantic cũng cho rằng tuy IS bị đánh bại trên thực địa nhưng điều đó cũng chưa thể giúp loại bỏ hết nguy cơ, nhất là khi năng lực tài chính của IS vẫn còn rất lớn. Khai thác các mỏ dầu ở Iraq, Syria và tiền thuế của người dân sống dưới ách cai trị của IS từng là hai nguồn thu chính đem lại cho tổ chức khủng bố này gần 1 triệu USD mỗi ngày, biến IS trở thành tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới. Mặc dù không còn kiểm soát các mỏ dầu, song IS được cho là vẫn có nguồn thu lớn từ bảo kê mạng lưới vận chuyển dầu khắp Trung Đông. Bên cạnh đó, việc nắm trong tay thông tin chi tiết của hàng triệu người dân Iraq và Syria từng sống dưới ách cai trị của IS chính là một công cụ hiệu quả để tổ chức khủng bố này thực hiện thủ đoạn tống tiền. Nguồn tài chính dồi dào giúp IS “níu giữ lòng trung thành” của những phần tử cốt cán để tiếp tục gieo rắc nỗi kinh hoàng bằng các vụ tấn công khủng bố.
Trang mạng Arab News nhận định các cuộc xung đột chưa thấy hồi kết tại Trung Đông có thể là “lò ấp” cho IS. Đối với Syria, việc thiếu một giải pháp chính trị khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo ở quốc gia Trung Đông này ngày càng thêm trầm trọng, từ đó tạo cơ hội để IS tiếp tục theo đuổi nỗ lực chiêu mộ thêm các tay súng mới. Trang mạng Arab News cảnh báo, cho dù IS-hiện có khoảng 5.000-7.000 tay súng trên khắp Iraq và Syria-có thể không bao giờ lặp lại được thành công trong việc xây dựng được một thực thể trải dài ở hai quốc gia này như trước kia, thế nhưng sự lơ là trong bối cảnh IS tái tập hợp lực lượng “có thể dẫn đến những hậu quả thảm khốc”.
“Sau khi mất quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ, một số tay súng IS đã trà trộn vào các cộng đồng dân cư trong khi nhiều tay súng khác tháo chạy tới những khu vực hẻo lánh để tìm cách tái tập hợp lực lượng. Việc chống lại một IS hoạt động bí mật, linh hoạt đặt ra thách thức phức tạp hơn so với chống lại một tổ chức khủng bố hoạt động công khai ở vùng lãnh thổ được phân định rõ ràng”, nhà nghiên cứu Charles Lister thuộc Viện Trung Đông (MIE) có trụ sở tại Washington (Mỹ) khẳng định trong một bài viết trên trang web của MIE.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/thach-thuc-phuc-tap-hon-tu-is-740389
Ý kiến ()