Thách thức lớn từ dòng người di cư
Thời gian qua, chính quyền Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn đẩy mạnh các biện pháp đối phó sự lây lan đại dịch Covid-19 và bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực. Tuy nhiên, một vấn đề nổi cộm khác hiện vẫn chưa tìm được lời giải thỏa đáng là dòng người di cư đổ về từ khu vực biên giới phía nam.
Trong buổi trao đổi với truyền thông Mỹ mới đây, Tổng thống G.Bai-đơn đã dành nhiều thời lượng nói về vấn đề người di cư. Dòng người từ khu vực Tam giác Bắc Trung Mỹ, gồm En Xan-va-đo, Goa-tê-ma-la và On-đu-rát, với mong muốn thoát khỏi tình trạng nghèo đói, thất nghiệp và bạo lực tại quê nhà, đang ồ ạt đổ về Mê-hi-cô để tìm cách vượt biên giới vào Mỹ. Chỉ trong tháng 3, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) đã xử lý hơn 171 nghìn trường hợp di cư dọc biên giới với Mê-hi-cô, cao hơn nhiều con số 100 nghìn người trong tháng 2 và 78 nghìn người trong tháng 1. Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ lên tiếng bảo vệ chính sách mới, tuy nhiên cũng phải thừa nhận đất nước đang đối mặt làn sóng người di cư ở khu vực biên giới lớn nhất trong vòng 20 năm qua.
Ngay từ ngày đầu nhậm chức, Tổng thống G.Bai-đơn đã đảo ngược chính sách nhập cư của chính quyền tiền nhiệm, như đình chỉ dự án xây dựng bức tường biên giới và lên kế hoạch tạo điều kiện cho khoảng 11 triệu người di cư bất hợp pháp có cơ hội trở thành công dân Mỹ. Chính quyền mới cũng chủ trương xây dựng lại hệ thống nhập cư an toàn, hợp pháp và có trật tự dựa trên các ưu tiên cơ bản của quốc gia, như duy trì an ninh khu vực biên giới, bảo đảm quyền trẻ em theo quy định luật pháp và cho phép các thành viên gia đình ở bên nhau.
Tuy nhiên, chính sách mới của Tổng thống G.Bai-đơn lại vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các nghị sĩ đảng Cộng hòa. Họ cho rằng, quyết định này sẽ khuyến khích thêm nhiều người cố gắng vượt biên vào Mỹ một cách bất hợp pháp, làm gia tăng nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng mới ở biên giới; bên cạnh đó là sự thâm hụt ngân quỹ quốc gia do phải bảo đảm an sinh cho người di cư, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế nước Mỹ vẫn đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch.
Theo báo Washington Post, tính đến tháng 3 vừa qua, Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ (HHS) đã chăm sóc hơn 10 nghìn trẻ em di cư vượt biên mà không có cha mẹ đi cùng, trong khi CBP đang phụ trách hơn năm nghìn trường hợp tương tự. Con số này có xu hướng gia tăng do cam kết của chính quyền Tổng thống G.Bai-đơn cho phép trẻ em dưới 17 tuổi vượt biên có thể ở lại Mỹ. Quân đội Mỹ mới đây đã phê chuẩn đề nghị của HHS cho phép mở các căn cứ quân sự tại bang Tếch-dát để bảo đảm nơi ở tạm thời cho trẻ em di cư.
Tổng thống G.Bai-đơn khẳng định cần chú trọng giải quyết nguyên nhân gốc rễ khiến người di cư rời bỏ quê hương, bao gồm tình trạng đói nghèo, bạo lực và thiên tai,… Người đứng đầu Nhà trắng chủ trương thúc đẩy đối thoại với Mê-hi-cô và các quốc gia khu vực Tam giác Bắc Trung Mỹ, đồng thời giao vai trò dẫn đầu nỗ lực ngoại giao cho Phó Tổng thống C.Ha-rít. Chính phủ Mỹ cũng vừa cử đặc phái viên về khu vực Tam giác Bắc Trung Mỹ tới Goa-tê-ma-la và En Xan-va-đo để cùng tìm giải pháp kiểm soát hiệu quả dòng người di cư, một trong số đó là nỗ lực tạo ra khuôn khổ pháp lý phù hợp.
Không chỉ Chính phủ Mỹ mà nước láng giềng Mê-hi-cô cũng rất quan tâm đối phó vấn đề di cư hiện nay. Mê-hi-cô tăng cường truy quét người di cư từ Trung Mỹ, đồng thời triển khai các dự án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội ở khu vực phía nam. Tổng thống Mê-hi-cô L.Ô-bra-đô kêu gọi Mỹ đầu tư thúc đẩy phát triển ở khu vực Tam giác Bắc Trung Mỹ và miền nam Mê-hi-cô, giúp cải thiện mức sống của người dân nơi đây, cũng là cách tốt nhất để giảm áp lực di cư trong suốt nhiều năm qua.
Dù còn nhiều khó khăn để tiến tới giải quyết triệt để bài toán di cư hóc búa, nhưng chính quyền Tổng thống G.Bai-đơn vẫn đang nỗ lực hướng tới cách tiếp cận nhân đạo, đồng thời xây dựng một chính sách cụ thể và chắc chắn để từng bước gỡ rối vấn đề.
Ý kiến ()