Thách thức lớn của NAFTA
Việc tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Mỹ, Ca-na-đa và Mê-hi-cô đã đạt được tiến triển tích cực ở vòng đàm phán vừa qua. Ba bên đang chuẩn bị bước vào vòng đàm phán thứ 8 trong tuần đầu tháng tư này, tại Oa-sinh-tơn. Tuy nhiên, đàm phán NAFTA có thể sẽ vẫn không thể “về đích” như kế hoạch do đang phải đối mặt không ít thách thức lớn.
Đàm phán NAFTA vòng thứ 7 vừa qua tại Mê-hi-cô đã diễn ra “xuôi chèo mát mái” khi các bên hoàn tất thêm được ba chương mới gồm các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động, thực vật. Thủ tướng Ca-na-đa G.Tru-đô bày tỏ lạc quan vào sự thành công của tiến trình đàm phán NAFTA giữa ba nước Bắc Mỹ, khẳng định “thắng lợi có thể đạt được rõ ràng cho cả ba bên là kết quả định sẵn” và NAFTA vẫn luôn là một thỏa thuận hữu ích cho cả ba nước. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Đ.Trăm trong cuộc điện đàm mới đây với Thủ tướng Ca-na-đa G.Tru-đô cũng kêu gọi nhanh chóng hoàn tất các cuộc tái đàm phán NAFTA và một thông báo của Nhà trắng cho biết, Tổng thống Đ.Trăm đã nhấn mạnh rằng, việc hoàn thành NAFTA mới sẽ “bảo đảm sức sống” của ngành công nghiệp sản xuất Mỹ và khu vực Bắc Mỹ, cũng như bảo vệ nền kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ.
Tuy nhiên, ngay sau những phát biểu đầy thiện chí này, Tổng thống Mỹ Đ.Trăm vừa “dội nước lạnh” vào kỳ vọng hoàn thành đàm phán NAFTA khi lên tiếng cảnh báo về khả năng Oa-sinh-tơn sẽ rút khỏi hiệp định nêu trên. Hãng Sputniknews của Nga cho biết, Tổng thống Mỹ Đ.Trăm đưa ra cảnh báo là nhằm gây sức ép với Mê-hi-cô về vấn đề di cư bất hợp pháp. Sputniknews dẫn thông tin từ mạng xã hội Twitter của ông Đ.Trăm cho biết, ông chủ Nhà trắng đã chỉ trích rằng: “Mê-hi-cô đang làm rất ít, nếu không muốn nói là không làm gì, trong việc ngăn chặn dòng người tràn vào nước này từ biên giới phía nam và sau đó là tới Mỹ”. Ông cảnh báo Mê-hi-cô phải ngăn chặn dòng người di cư và ma túy số lượng lớn, nếu không Mỹ sẽ chặn NAFTA.
Trong bối cảnh các cuộc bầu cử sắp tới ở cả ba nước Bắc Mỹ đang đến gần, giới phân tích quan ngại rằng, tuyên bố nêu trên của ông chủ Nhà trắng sẽ gây khó khăn cho tiến trình đàm phán NAFTA khi mà quỹ thời gian của các nhà thương thuyết đã gần cạn. Nếu đàm phán NAFTA không sớm kết thúc trước bầu cử, tiến trình đàm phán sau đó sẽ gặp nhiều bất lợi. Theo Bộ trưởng Kinh tế Mê-hi-cô I.Gua-gia-đô, lịch trình bầu cử Tổng thống ở Mê-hi-cô vào ngày 1-7 tới và bầu cử giữa kỳ Quốc hội Mỹ vào tháng 11 sẽ ảnh hưởng tiến trình tái đàm phán NAFTA. Trong trường hợp các bên không hoàn tất tái đàm phán hiệp định vào cuối tháng tư này để quốc hội hiện hành thông qua, nhiều khả năng việc đàm phán sẽ phải kéo dài tới cuối năm. Ngoài ra, nếu đảng Dân chủ giành đa số phiếu tại Quốc hội Mỹ vào tháng 11, khi đó sự cân bằng của thỏa thuận NAFTA sẽ phải thay đổi để được các nhà lập pháp Mỹ thông qua. Mê-hi-cô cho rằng, quan điểm của đảng Dân chủ Mỹ có xu hướng không ủng hộ các cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư và chính quyền các bang.
Nguy cơ hiệp định nêu trên đổ vỡ càng gia tăng khi Mê-hi-cô cũng không chấp nhận lùi bước trước việc ông Đ.Trăm mang “cây gậy NAFTA” ra đe dọa nước này. Bộ trưởng Kinh tế Mê-hi-cô trong phát biểu trước báo giới tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về Mỹ la-tinh vừa diễn ra ở Bra-xin khẳng định, NAFTA sẽ vẫn tiếp tục giữa Mê-hi-cô và Ca-na-đa và Mỹ sẽ phải quyết định tiếp tục hay rời khỏi cuộc chơi.
Một thách thức lớn nữa đối với NAFTA là các nội dung phải thảo luận trong vòng đàm phán tới đều là những vấn đề gai góc và ba đối tác Mỹ, Ca-na-đa, Mê-hi-cô không dễ đạt được đồng thuận. Số chương mà ba bên chưa đạt được thỏa thuận cũng rất lớn. Sau bảy vòng đàm phán đã qua, tổng số chương mà ba nước đạt được đồng thuận mới chỉ là 6 trong số 33. Một số vấn đề gai góc nhất là Mỹ, Ca-na-đa, Mê-hi-cô còn nhiều bất đồng sâu sắc về quy định xuất xứ, điều khoản tự động hết hạn sau 5 năm và giải quyết tranh chấp thương mại… trong khung khổ NAFTA. Qua bảy vòng đàm phán trước, các nội dung này hầu như chưa có tiến triển.
Theo kế hoạch, vòng 8 về đàm phán lại NAFTA sẽ bắt đầu vào ngày 8-4 tới tại Oa-sinh-tơn, Mỹ. Bộ Kinh tế Mê-hi-cô cho biết, nhiều cuộc gặp cấp bộ trưởng giữa ba nước được tiến hành trước vòng đàm phán sắp tới nhằm đẩy nhanh tiến trình hoàn tất một NAFTA mới. Bộ trưởng Ngoại giao Ca-na-đa C.Phri-len vừa có chuyến công du ba ngày tới Oa-sinh-tơn để gặp Đại diện thương mại Mỹ R.Lai-thai-dơ, Bộ trưởng Thương mại U.Rốt và các thành viên chủ chốt của Quốc hội Mỹ.
Tuy nhiên, nếu như các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Mỹ, Mê-hi-cô và Ca-na-đa vẫn không đạt được đồng thuận đáng kể về việc đẩy nhanh tiến trình đàm phán thì nguy cơ đổ vỡ NAFTA vẫn luôn hiện hữu.
Theo Nhandan
Ý kiến ()