Thách thức lớn cho ngành sản xuất công nghiệp
Chíp bán dẫn, một linh kiện tuy nhỏ nhưng không thể thiếu trong các sản phẩm điện tử hiện đại, đang trở thành bài toán nan giải đối với các nhà sản xuất công nghiệp trên thế giới. Dịch bệnh hoành hành và những gián đoạn trong chuỗi cung ứng chíp toàn cầu có thể trở thành rào cản với sự phục hồi của nền kinh tế thế giới.
Các ngành sản xuất công nghiệp như ô-tô, đồ gia dụng hay thiết bị điện tử đang rơi vào tình cảnh lao đao, buộc phải gián đoạn sản xuất, khi nguồn linh kiện chíp bán dẫn bị thiếu hụt. Các tập đoàn bị cuốn vào cuộc đua tranh đặt, mua hàng từ các “lò” chíp lớn trên thế giới, như Intel, TSMC hay Samsung… khiến giá thành của nhiều sản phẩm đang bị đẩy lên theo đà tăng của giá chíp.
Chíp bán dẫn chịu trách nhiệm chạy phần mềm, thao tác dữ liệu và điều khiển các chức năng của thiết bị điện tử. Hầu hết các sản phẩm hiện nay như điện thoại, tủ lạnh, máy giặt, hay các sản phẩm thông minh, như ca-mê-ra, khóa cửa, đồ chơi trẻ em… đều cần chíp. Nhu cầu cho linh kiện này ngày càng lớn và quy trình để sản xuất ra chíp đòi hỏi thời gian dài, cùng những khoản đầu tư khổng lồ khiến nguồn cung chíp khó theo kịp những thay đổi bất thường của thị trường thế giới. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm gián đoạn hoạt động kinh tế và dòng chảy thương mại toàn cầu, sản lượng chíp cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Năm 2020, dịch bệnh khiến nhiều nhà máy chíp chậm trễ trong kế hoạch sản xuất và giao hàng. Cùng với đó, việc phải ở nhà và làm việc từ xa trong thời gian dài khiến nhu cầu mua sắm các sản phẩm điện tử tăng vọt. Các tập đoàn vì vậy đồng loạt tăng cường kế hoạch tích trữ số lượng lớn chíp để phục vụ sản xuất. Sự cố cháy tại một nhà máy sản xuất chíp của Renesas (chiếm khoảng 35% thị phần linh kiện bán dẫn dành cho ngành ô-tô) ở Na-ca, Nhật Bản hồi giữa tháng 3-2021 càng khiến cho “cơn sốt” chíp nóng hơn. Các “ông lớn” trong ngành ô-tô như Ford, BMW, Honda… đồng loạt đưa ra tuyên bố cắt giảm kế hoạch sản xuất và giãn, dừng hoạt động ở các nhà máy của mình. Tại Đức, một số nhà máy của Volkswagen và Mercedes buộc phải ngừng hoạt động khi không có đủ linh kiện bán dẫn, khiến hàng nghìn lao động đã bị giảm giờ làm hoặc nghỉ việc tạm thời. Trong khi đó, một số nhà sản xuất khác, như Nissan hay Chevrolet thậm chí quyết định thay đổi thiết kế của các mẫu xe để giảm bớt thành phần có chíp, nhằm duy trì số lượng ô-tô xuất xưởng ở mức cao. Để bảo đảm doanh thu và hoạt động sản xuất, ngành ô-tô lại đang “đổ thêm dầu vào lửa” khi kéo các ngành sản xuất khác vào cuộc cạnh tranh khốc liệt cho nguồn cung chíp giữa cuộc khủng hoảng chưa từng có của thị trường linh kiện bán dẫn.
Theo dự báo của các tập đoàn, sự thiếu hụt trầm trọng nguồn cung chíp có thể còn kéo dài đến năm 2023, do các nhà cung cấp không thể đáp ứng nhu cầu tăng đột biến trong bối cảnh thương mại toàn cầu bị đứt đoạn. Tập đoàn sản xuất điện tử Samsung, mặc dù có khả năng tự sản xuất chíp bán dẫn, song vẫn phải chuẩn bị cho tình huống lùi kế hoạch tung ra những sản phẩm chiến lược mới sang năm sau. Nhà sản xuất chíp hàng đầu thế giới TSMC mới đây đã công bố lộ trình đầu tư thêm 100 tỷ USD trong ba năm tới để mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, trong ngắn và trung hạn, “cơn khát” chíp vẫn sẽ là vấn đề nhức nhối đối với các tập đoàn sản xuất công nghiệp.
Cuộc khủng hoảng chíp toàn cầu đang cho thấy điểm yếu vì sự phụ thuộc linh kiện này trong ngành sản xuất hiện đại. Các tập đoàn dự tính sẽ thiệt hại hàng tỷ USD, thu nhập của hàng chục nghìn lao động cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tiến trình phục hồi sau đại dịch và mở cửa trở lại ở các nền kinh tế lớn được dự báo còn khiến các tập đoàn cạnh tranh gay gắt hơn trong việc tiếp cận nguồn cung ứng chíp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang tăng. Chíp bán dẫn đã trở thành sản phẩm chiến lược, không thể thay thế trong nền kinh tế hiện đại.
Theo Nhandan
Ý kiến ()