Thách thức của thị trường lao động
Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới thị trường lao động, gây ra tình trạng mất việc làm tại nhiều nơi, trong khi nhiều quốc gia lại rơi vào cảnh “khát” nguồn cung nhân lực trên một số lĩnh vực. Triển vọng mong manh của thị trường lao động vẫn hiện hữu, khi thế giới đang chứng kiến mức độ thiệt hại kéo dài tiềm tàng đối với thị trường quan trọng này.
Trong báo cáo mới mang tên “Triển vọng việc làm và xã hội thế giới”, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã điều chỉnh dự báo vốn nhận định thị trường tuyển dụng toàn cầu sẽ gần như hồi phục trong năm 2022. Theo ILO, tác động của những biến thể như Delta hay Omicron và sự bất ổn liên quan đại dịch sẽ gây ra việc giảm giờ làm đáng kể trong năm nay so với mức trước đại dịch. Cụ thể, số giờ làm việc trên toàn cầu năm nay dự kiến sẽ giảm 2% so với năm 2019, tương đương thế giới sẽ mất 52 triệu việc làm. Hồi tháng 5/2021, ILO dự báo tỷ lệ này chỉ là 1%. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp chính thức trên toàn thế giới vẫn cao hơn đáng kể so với trước đại dịch. Dự kiến sẽ có 5,9% số người lao động toàn cầu, tương đương 207 triệu người, chính thức đăng ký thất nghiệp. Trong năm 2022, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động toàn cầu vẫn sẽ thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với năm 2019, tương đương 40 triệu người lao động.
Đại dịch Covid-19 đã làm suy yếu cơ cấu kinh tế, tài chính và xã hội ở hầu hết các quốc gia, bất kể tình trạng phát triển. Sự khác biệt trong tiếp cận vắc-xin và các biện pháp khôi phục kinh tế đồng nghĩa khủng hoảng do dịch Covid-19 đang tác động đến các nhóm người lao động và các nước theo những cách khác nhau. Có khả năng các thị trường lao động ở những nước có thu nhập cao sẽ hồi phục nhanh hơn, tuy nhiên một vài quốc gia này bắt đầu đối mặt tình trạng thiếu hụt lao động. Trong khi đó, thay đổi cách thức làm việc dường như làm sâu sắc hơn các hình thái bất bình đẳng, đặc biệt trong vấn đề bất bình đẳng giới. Tác động này có thể kéo dài ngay cả khi đại dịch kết thúc, do hiện có nhiều lo ngại tiêu cực về hội chứng Covid-19 kéo dài (long-Covid) trong vấn đề giới. Tại Mỹ đang nổi lên vấn đề các lao động nữ phải nghỉ việc do vướng bận chăm sóc và kèm con học tập trong bối cảnh đại dịch khiến các trường học đóng cửa.
Số người mắc Covid-19 tăng nhanh cũng gây tình trạng thiếu hụt lao động. Theo kết quả khảo sát mới đây tại Mỹ, khoảng 57% số người được hỏi đối mặt tình trạng thiếu hụt lao động, cao hơn 10% so với cuộc khảo sát vào tháng 10/2021, trong khi 25% gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các lao động phổ thông, cao hơn nhiều so với con số chỉ 11% trong cuộc khảo sát trước đó. Gần 30% số người được hỏi cho rằng tình trạng thiếu hụt lao động sẽ kéo dài đến năm 2023 hoặc lâu hơn. Nhằm giảm tác động của tình trạng bị gián đoạn hoạt động do biến thể Omicron lây lan rộng, Chính phủ Anh đã yêu cầu các nhà quản lý lĩnh vực công thử nghiệm các kế hoạch chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là 25% số nhân viên nghỉ làm do nhiễm bệnh.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, tình trạng người lao động lớn tuổi nghỉ việc cũng là nguyên nhân chính gây ra sự thiếu hụt nhân lực mà các công ty ở Mỹ và Anh đang phải chật vật đối phó. Tại Mỹ, tình trạng nghỉ hưu sớm của người lao động từ 55 tuổi trở lên kết hợp với giảm số lao động nữ có thể khiến tỷ lệ người lao động giảm tới 70% so với thời điểm trước đại dịch. Tại Anh, số lao động lớn tuổi chiếm 35% tổng số lao động thiếu hụt. Cả hai quốc gia này đều chịu tác động lớn từ số nhân viên bỏ việc tăng vọt, tuy nhiên phần lớn các vị trí này là những công việc có mức lương thấp. Viện Kinh tế Đức ước tính, lực lượng lao động nước này sẽ giảm hơn 300.000 người trong năm nay do số người lao động lớn tuổi nghỉ hưu lớn hơn số những người trẻ tuổi tham gia thị trường lao động. Một yếu tố khác dẫn đến thiếu lao động là sự không phù hợp giữa cơ hội việc làm và mức độ sẵn sàng tiếp nhận việc làm của người lao động, đặc biệt là đối với những vị trí được trả lương thấp.
Sự hồi phục của thị trường lao động mang tính bền vững cần phải dựa trên những nguyên tắc việc làm đúng đắn, gồm y tế và an toàn, bình đẳng, an sinh xã hội và đối thoại xã hội. Theo các chuyên gia, nếu không có các chính sách trong nước và quốc tế hiệu quả và mang tính phối hợp, có thể nhiều quốc gia sẽ phải mất nhiều năm để khắc phục hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra đối với thị trường việc làm.
Ý kiến ()