Thách thức bảo đảm nguồn cung điện
Tình trạng nắng nóng cực đoan kéo dài đang đặt nhiều nước trên thế giới trước thách thức bảo đảm nguồn cung điện cho người dân và doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo là một trong những giải pháp quan trọng giúp giảm nguy cơ thiếu điện.
Nhà máy lọc dầu lớn nhất Venezuela bị mất điện. (Ảnh: Reuters) |
Những tuần gần đây, Bangladesh thường xuyên xảy ra tình trạng mất điện trên cả nước khi đợt nắng nóng gay gắt kéo dài khiến nhu cầu tăng cao. Tất cả trường tiểu học đã buộc phải đóng cửa để bảo đảm an toàn cho học sinh. Thiếu điện không chỉ ảnh hưởng cuộc sống của người dân mà gây tổn hại cho nền kinh tế Bangladesh, trong đó có lĩnh vực may mặc, vốn chiếm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu của nước này. Đáng lo ngại, tình trạng này có thể tiếp diễn.
Bộ trưởng Điện lực, Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Nasrul Hamid cảnh báo về việc cắt điện trong khoảng 2 tuần tới, do nhà máy điện lớn nhất Bangladesh ngừng hoạt động vì thiếu nhiên liệu.
Bảo đảm điện sinh hoạt cho người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không phải thách thức riêng đối với Bangladesh mà với nhiều nước trên thế giới. Các quốc gia châu Á như Ấn Độ, Thái Lan cũng đối mặt bài toán khó này.
Bảo đảm điện sinh hoạt cho người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không phải thách thức riêng đối với Bangladesh mà với nhiều nước trên thế giới.
Tại Venezuela, một số khu vực bị cắt điện hằng ngày do các nhà máy thiếu nhiên liệu sản xuất. Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực Israel buộc phải cắt điện luân phiên nhằm bảo vệ an toàn cho các nhà máy điện và khôi phục dần nguồn cung cho người dân.
Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên chủ yếu do nắng nóng kéo dài khiến nhu cầu tăng bất thường, trong khi lượng nước tại các hệ thống sông, hồ thủy điện suy kiệt làm ảnh hưởng nguồn cung. Theo Ủy ban Điều tiết năng lượng Thái Lan, nhiệt độ tăng cao làm lượng điện tiêu thụ của nước này có thời điểm chạm mức kỷ lục gần 35.000MW/ngày. Giới chức ngành năng lượng Bangladesh cũng cho biết, nắng nóng gay gắt nhất trong 50 năm qua khiến nhu cầu sử dụng điện tăng đáng kể so dự báo.
Với nỗ lực bảo đảm nguồn cung cho người dân, Thái Lan có kế hoạch tăng nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lên 6 triệu tấn trong năm nay, gần gấp đôi mức năm 2022. Trong bốn tháng từ đầu năm 2023, Thái Lan đã nhập khẩu tới 4 triệu tấn LNG, vượt tổng mức nhập khẩu cả năm 2022.
Thái Lan và nhiều nước cũng tích cực triển khai chiến dịch truyền thông về tiết kiệm điện, kêu gọi người dân sử dụng biện pháp làm mát không cần điện, như mặc trang phục thoáng mát, dùng rèm chống nắng, hay giảm thời gian sử dụng máy điều hòa không khí. Một số nước chủ động cắt điện luân phiên hoặc giới hạn điện cho sản xuất để bảo đảm nguồn cung.
Các phương án nêu trên có thể giải quyết khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách cũng cần đề ra giải pháp dài hạn, bởi hiện tượng nắng nóng cực đoan được dự đoán tiếp diễn với tần suất và mức độ cao hơn.
Nghiên cứu của tổ chức hợp tác quốc tế World Weather Attribution chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu làm tăng 30 lần khả năng xảy ra các đợt nắng nóng cực đoan ở châu Á. Theo báo cáo được đăng trên tạp chí Earth System Science Data, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã đạt mức cao nhất mọi thời đại và đẩy nhanh quá trình nóng lên toàn cầu với tốc độ chưa từng thấy.
Báo cáo do IEA công bố mới đây cho thấy, thế giới chưa đi đúng hướng để bảo đảm mục tiêu tiếp cận năng lượng sạch và phù hợp cho mọi người vào năm 2030.
Thời gian qua, với sự nỗ lực của các quốc gia và tổ chức quốc tế, tiến trình chuyển đổi năng lượng trên toàn cầu đạt nhiều kết quả tích cực. Song theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tiến bộ này chưa đủ để đạt được các mục tiêu Liên hợp quốc đề ra.
Báo cáo do IEA công bố mới đây cho thấy, thế giới chưa đi đúng hướng để bảo đảm mục tiêu tiếp cận năng lượng sạch và phù hợp cho mọi người vào năm 2030. Ngân sách công hỗ trợ phát triển năng lượng sạch ở những nước nghèo hiện thấp hơn giai đoạn trước đại dịch Covid-19.
Nguy cơ thiếu điện dự kiến còn tiếp diễn trong bối cảnh nắng nóng cực đoan tiếp tục bao phủ nhiều khu vực trên thế giới. Theo IAEA, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo là giải pháp “1 mũi tên trúng 2 đích”, vừa là chìa khóa quan trọng để bảo đảm nguồn cung, vừa giúp hãm phanh quá trình nóng lên của trái đất – một trong những nguyên nhân khiến nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao.
Ý kiến ()