Thạch Thất phát triển các mô hình nông nghiệp cho thu nhập cao
Sau hơn ba năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã có các xã: Đại Đồng, Hương Ngải, Phùng Xá, Dị Nậu, Hạ Bằng, Bình Yên đạt 19 trong tổng số 19 tiêu chí (TC). Huyện phấn đấu đến hết năm nay sẽ có thêm bốn xã Đồng Trúc, Tân Xã, Thạch Xá và Cần Kiệm đạt chuẩn NTM.
Trên đường đi cùng chúng tôi xuống Đại Đồng, xã điểm NTM của Thạch Thất, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoàng Chí Lượng cho biết, trong thời gian thực hiện chương trình, với sự quyết tâm cùng nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể và sự hưởng ứng tích cực của người dân, bộ mặt nông thôn của địa phương đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Huyện đã làm thêm được 216 km đường nhựa hóa, bê-tông hóa, nâng tổng số đường cứng hóa của toàn huyện lên 414 km.
Với hơn 50 làng nghề, hơn 900 doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn, huyện đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho gần 30 nghìn lao động. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 10,56%, nay giảm còn 3,14%. Thu nhập bình quân đầu người hiện ước đạt 26 triệu đồng/người/năm, tăng 8,5 triệu đồng so với năm 2010. Bên cạnh đó, Thạch Thất còn có nhiều cách làm hay trong nông nghiệp như: Hoàn thành tốt công tác dồn điền đổi thửa, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, lập quy hoạch các vùng sản xuất lúa có năng suất, chất lượng cao, hình thành nhiều mô hình sản xuất hiệu quả: Trồng rau an toàn, trồng hoa ly, hoa lan, thanh long ruột đỏ, khoai tây, bưởi Diễn…, ở Hương Ngải, Hạ Bằng, Canh Nậu, Bình Yên…
Cùng với đó là quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, đồng thời áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là mô hình trang trại lợn rừng chăn thả tự nhiên bảo đảm an toàn sinh học ở Yên Bình với quy mô hơn 10 nghìn con, thu nhập từ 15 đến 16 tỷ đồng/năm. Mô hình nuôi bò BBB ở Tiến Xuân và Thạch Hòa bước đầu đạt kết quả khả quan.
Khi hỏi Đại Đồng có bí quyết gì “cán đích” đầu tiên trong xây dựng NTM, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban chỉ đạo NTM của xã Nguyễn Hữu Minh chia sẻ: Đó là sự đồng thuận cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền và sự nhiệt tình tham gia của người dân. Chúng tôi đã làm tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở khi công khai bàn bạc công việc với cán bộ, đảng viên, quần chúng. Mọi việc đều có dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Bà con hiểu mình vừa là chủ thể vừa là người thụ hưởng thành quả của chương trình. Chủ trang trại chăn nuôi Kiều Hữu Hợp bộc bạch: Từ khi xây dựng NTM đến nay, cuộc sống của nông dân được nâng lên một bước, có của ăn, của để. Tôi nuôi lợn rừng, cá…mỗi năm thu lãi từ 300 đến 400 triệu đồng.
Bên cạnh những việc làm được, xây dựng NTM ở Thạch Thất cũng còn nhiều bất cập. Một số xã chậm lập quy hoạch, phê duyệt đề án. Hệ thống giao thông nội đồng và hệ thống tưới tiêu bị chia cắt bởi các quy hoạch; các dự án có diện tích đất nông nghiệp lớn đang trong giai đoạn chờ thu hồi đất làm ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư phát triển sản xuất. Chương trình được tiến hành trong bối cảnh kinh tế suy thoái, ngân sách gặp khó khăn, việc khai thác các nguồn thu từ đất, nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn từ sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp còn thấp. Một số xã đang vướng ở tiêu chí hộ nghèo vì tiêu chí này có nhiều đối tượng, trong đó có những hộ người già neo đơn, không nơi nương tựa. Bản thân họ không thể làm việc để có thu nhập. Vì vậy, nếu không tính các khoản hỗ trợ thì đối tượng này khó thoát nghèo…
Để khắc phục hạn chế, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM Trần Đức Nguyên cho biết, cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt quan tâm khai thác, huy động các nguồn thu, nhất là nguồn thu từ đấu giá đất và các nguồn kinh phí ủng hộ từ doanh nghiệp, hộ nông dân trên địa bàn…, mới có thể hoàn thành mục tiêu thành phố đề ra.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()