Thạch đen Tràng Định: Khó về đầu ra
– Hiện nay, nhiều hộ trồng thạch đen trên địa bàn huyện Tràng Định đang gặp khó khăn do các doanh nghiệp, thương lái tạm ngừng thu mua thạch đen hoặc mua với số lượng rất ít.
Những ngày đầu tháng 3/2022, chúng tôi có mặt tại tại xã Kim Đồng, huyện Tràng Định. Đây là một trong những xã có diện tích trồng thạch đen lớn nhất huyện với khoảng 240 ha, sản lượng ước đạt khoảng 1.300 tấn (theo thống kê sơ bộ của UBND xã Kim Đồng).
Ông La Văn Đài, Tổ trưởng Tổ Sản xuất thạch đen thôn Nà Thà, xã Kim Đồng cho biết: Tổ chúng tôi có hơn 60 hộ trồng thạch với tổng diện tích trên 20 ha. Mặc dù diện tích trên đã được cấp mã số vùng trồng, nhưng việc tiêu thụ hiện nay gặp không ít khó khăn. Trong hơn 6 tháng trở lại đây, không có doanh nghiệp, thương lái đến thu mua thạch. Hiện nay, lượng thạch tồn kho của các hộ trong tổ trên 100 tấn. Chỉ riêng gia đình tôi vẫn tồn hơn 5 tấn vì chưa thể bán được chút nào từ khi thu hoạch.
Người dân xã Đề Thám, huyện Tràng Định thu hoạch thạch đen (vụ thạch năm 2021)
Được biết, cùng với các hộ trồng thạch của Tổ Sản xuất thạch đen thôn Nà Thà, hàng trăm hộ khác tại xã Kim Đồng cũng gặp phải tình cảnh tương tự.
Ông Hoàng Văn Toàn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kim Đồng cho biết: Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn xã hiện còn khoảng 400 tấn thạch đen (chiếm 1/3 tổng sản lượng thạch đen của xã trong năm 2021) của người dân chưa thể tiêu thụ vì không có thương lái hoặc doanh nghiệp thu mua. Trước tình trạng trên, xã đã kiến nghị lên các cấp, ngành và cơ quan chuyên môn để sớm đưa ra giải pháp tháo gỡ. Nhưng đến nay, thạch của bà con vẫn nằm trong kho.
Không riêng xã Kim Đồng, tại một số xã trên địa bàn huyện Tràng Định, lượng thạch của người dân không bán được còn rất lớn. Đơn cử như xã Chi Lăng, hiện vẫn còn khoảng 150 tấn thạch không thể tiêu thụ. Không bán được thạch cũ, nhiều hộ đang phải chịu áp lực rất lớn về chi phí phân bón, vật tư để chăm sóc vụ thạch mới.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân tình trạng trên hầu hết là do các doanh nghiệp đã ngừng thu mua thạch ruộng. Tại một số xã, chỉ còn một lượng rất ít thương lái đến thu mua thạch. Tuy nhiên, hiện nay, mức giá chỉ khoảng 20.000 đồng/kg. So với thời điểm tháng 8/2021, mức giá này thấp hơn từ 10.000 đến 11.000 đồng/kg.
Ông Hà Đức Quý, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư xuất, nhập khẩu Đức Quý (một trong những doanh nghiệp thu mua thạch đen lớn nhất trên địa bàn huyện Tràng Định) cho biết: Thời gian qua, các cơ quan chuyên môn của huyện đã nỗ lực tuyên truyền đến bà con đảm bảo quy trình sản xuất thạch theo đúng Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với thạch đen xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Tuy nhiên, qua trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp trên địa bàn, một số ít hộ dân vẫn chưa thực hiện đúng các quy định trong khâu thu hoạch, bảo quản. Do đó, một số lô thạch đen xuất khẩu chính ngạch của các doanh nghiệp xuất bán sang thị trường Trung Quốc phải quay đầu do lẫn tạp chất. Cùng với đó, hiện nay, nhiều kho bãi chứa thạch đen của doanh nghiệp, thương lái chưa đáp ứng các yêu cầu cũng ảnh hưởng đến chất lượng thạch.
Ngoài những nguyên nhân trên, theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tràng Định, hiện nay, việc xuất khẩu thạch đen sang các thị trường cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhiều thời điểm, phải mất từ 10 đến 12 ngày mới có thể xuất bán một lô thạch đen. Điều này đã khiến các chi phí mà doanh nghiệp phải chịu như: vận chuyển, bến bãi… trở nên rất lớn.
Theo rà soát của Phòng NN&PTNT huyện, sản lượng thạch đen năm 2021 của toàn huyện trên 13.000 tấn. Tuy nhiên, đến nay, lượng thạch của người dân trên địa bàn huyện chưa thể tiêu thụ khoảng 3.000 tấn. Trong đó, lượng thạch tồn kho các doanh nghiệp khoảng 2.000 tấn và của người dân khoảng 1.000 tấn.
Bà Nông Thị Kim Oanh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tràng Định cho biết: Trước tình trạng trên, đơn vị đã họp bàn, trao đổi với chính quyền các xã và các doanh nghiệp thu mua, chế biến thạch đen trên địa bàn để tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho cả doanh nghiệp và người dân. Trước mắt, đơn vị đang kiến nghị, đề xuất các cấp, ngành có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho việc xuất khẩu thạch đen sang các thị trường lớn. Tuy nhiên, về lâu dài, cần tập trung vào việc xây dựng “vùng xanh” chuyên canh thạch đen. Từ đó, đảm bảo cho sản phẩm thạch đen Tràng Định đáp ứng về mọi điều kiện để có thể xuất khẩu sang các thị trường lớn trong bất kỳ tình huống nào.
Năm 2022, tổng diện tích thạch đen của huyện Tràng Định khoảng 2.500 ha, năng suất ước đạt 5,6 tấn/ha. Chỉ còn vài tháng nữa, vụ thạch đen năm 2022 sẽ bước vào thu hoạch. Việc thạch đen khó tiêu thụ như hiện nay đã và đang tạo áp lực về kinh tế cho không ít hộ dân. Do đó, các cấp, ngành cần sớm có các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thạch đen cho người dân. Trong số đó, việc chú trọng chế biến, kết nối, đưa các sản phẩm từ thạch đen trên địa bàn huyện Tràng Định vào các hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh là một giải pháp đáng cân nhắc.
Ý kiến ()