Thạch Đạn: Thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo
– Cùng với sự quan tâm của tỉnh và của huyện, cấp ủy, chính quyền, Nhân dân xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc đã có nhiều nỗ lực vượt khó thoát nghèo bằng những giải pháp cụ thể. Nhờ đó, công tác giảm nghèo trên địa bàn xã đã đạt những kết quả đáng ghi nhận.
Thạch Đạn là xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện Cao Lộc. Hiện toàn xã có 679 hộ với 3.019 nhân khẩu, bà con trên địa bàn chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Toàn xã có hơn 381 ha diện tích đất nông nghiệp (chiếm 10,53% tổng diện tích tự nhiên của xã) và hơn 1.900 ha đất lâm nghiệp (chiếm 53,94% tổng diện tích tự nhiên của xã). Đây là lợi thế để xã phát triển những mô hình sản xuất như: trồng thông, bạch đàn, lúa, ngô…
Người dân xã Thạch Đạn phát triển kinh tế từ mô hình trồng cây ăn quả
Ông Hứa Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Đạn cho biết: Thời gian qua, chúng tôi chú trọng và đẩy mạnh việc phối hợp tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho bà con về chính sách giảm nghèo bền vững của Đảng và Nhà nước. Qua đó, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của các hộ nghèo trên địa bàn xã. Cùng với đó là tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án giảm nghèo để triển khai hiệu quả đến bà con.
Theo đó, từ năm 2020 đến nay, xã được hỗ trợ 1 dự án thuộc nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất Chương trình 135 của huyện cho 407 hộ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Các hộ được hỗ trợ phân bón NPK với tổng trị giá hơn 350 triệu đồng để bón các loại cây như: lúa, ngô, thông, bạch đàn… Cùng với đó, thông qua việc tìm hiểu gia cảnh, nắm bắt nguyện vọng của người dân, xã có hướng hỗ trợ phù hợp với nhiều hình thức, trong đó, nổi bật là hoạt động hỗ trợ vay vốn. Đến nay, tổng dư nợ với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện do các tổ chức đoàn thể, chính trị – xã hội trên địa bàn xã nhận ủy thác đạt trên 15,6 tỷ đồng cho 357 hộ vay. Trong đó, hộ nghèo vay trên 5,6 tỷ đồng; hộ cận nghèo vay trên 1 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo vay gần 600 triệu đồng.
Bên cạnh đó, UBND xã luôn chú trọng phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con. Từ năm 2020 đến nay, UBND xã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tổ chức được 4 lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho gần 300 lượt người tham gia. Đồng thời, phối hợp đưa hơn 50 lượt người dân tham quan học tập kinh nghiệm tại các mô hình sản xuất ở các xã lân cận như: Gia Cát, Hòa Cư, Yên Trạch… để qua đó có thể áp dụng tại địa bàn.
Với những cách làm trên, từ năm 2019 đến nay, toàn xã phát triển 5 mô hình sản xuất, đơn cử như: mô hình trồng bí xanh tại 2 thôn Khuôn Cuổng và thôn Nà Sla với diện tích 0,4 ha; mô hình trồng cây ăn quả với diện tích hơn 10 ha, mô hình trồng dưa chuột bao tử với diện tích 4 ha… Các mô hình trên đem lại nguồn thu nhập từ 40 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng/hộ/năm sau khi trừ chi phí. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm dần qua các năm, năm 2021 toàn xã còn 40/679 hộ, chiếm 5,89% (giảm 21,41% so với năm 2019).
Bà Hứa Thị Ích, thôn Nà Sla cho biết: Năm 2019 về trước, gia đình tôi là hộ nghèo. Hai năm qua, được UBND và các tổ chức đoàn thể ở xã hỗ trợ vay vốn ưu đãi (50 triệu đồng vốn Ngân hàng Chính sách xã hội) để phát triển kinh tế và được tham gia các lớp tập huấn về trồng cây ăn quả nên tôi chủ động nghiên cứu, triển khai mô hình trồng bưởi, ổi kết hợp với nuôi cá. Nhờ áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật nên mô hình phát triển tốt, đem lại thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí, năm 2021, gia đình tôi đã thoát nghèo, đời sống dần ổn định hơn.
Có thể nói, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, sự chỉ đạo sát sao của chính quyền xã và sự nỗ lực vươn lên của người dân, công tác giảm nghèo của xã Thạch Đạn đã đạt những kết quả nổi bật, tạo đà quan trọng để xã tiếp tục phấn đấu giảm nghèo trong thời gian tới. Với những nỗ lực đó, tháng 2/2022, UBND xã Thạch Đạn vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đạt hai năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (2020 – 2021).
Ý kiến ()