LSO-Những năm gần đây, cây trồng vụ đông đã và đang trở thành cây mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với nhiều địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, tại xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc – nơi có hơn 200 ha đất nông nghiệp, trong đó có 60% diện tích đảm bảo tưới tiêu lại không phát huy được tiềm năng này. Tại thời điểm này, bà con nông dân xã Thạch Đạn đang tích cực thu hoạch cây trồng vụ mùa. Trên diện tích đất đã thu hoạch, một số gia đình đang tiếp tục làm đất trồng rau, màu vụ đông. Có đường giao thông thuận tiện lại gần với thị trấn Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn nên việc tiêu thụ rau màu tương đối thuận lợi. Một số hộ gia đình trong xã cũng đã đầu tư trồng rau bán ra thị trường mang lại hiệu quả đáng kể. Chị Hoàng Thị Thái ở thôn Nà Lệnh tâm sự: một vụ rau đã mang lại thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng cho gia đình tôi. Từ nguồn thu này, ngoài việc trang trải cuộc sống hàng ngày, thì đây chính là...
LSO-Những năm gần đây, cây trồng vụ đông đã và đang trở thành cây mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với nhiều địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, tại xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc – nơi có hơn 200 ha đất nông nghiệp, trong đó có 60% diện tích đảm bảo tưới tiêu lại không phát huy được tiềm năng này.
Tại thời điểm này, bà con nông dân xã Thạch Đạn đang tích cực thu hoạch cây trồng vụ mùa. Trên diện tích đất đã thu hoạch, một số gia đình đang tiếp tục làm đất trồng rau, màu vụ đông. Có đường giao thông thuận tiện lại gần với thị trấn Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn nên việc tiêu thụ rau màu tương đối thuận lợi. Một số hộ gia đình trong xã cũng đã đầu tư trồng rau bán ra thị trường mang lại hiệu quả đáng kể. Chị Hoàng Thị Thái ở thôn Nà Lệnh tâm sự: một vụ rau đã mang lại thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng cho gia đình tôi. Từ nguồn thu này, ngoài việc trang trải cuộc sống hàng ngày, thì đây chính là vốn để đầu tư cho vụ đông.
|
Nông dân huyện Cao Lộc chăm sóc rau vụ đông – Ảnh: Thanh Sơn |
Hiệu quả là vậy nhưng hiện nay số hộ gia đình trồng rau màu vụ đông bán ra thị trường trên địa bàn xã Thạch Đạn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa số các gia đình chỉ gieo trồng vụ đông để phục vụ nhu cầu gia đình. Trong vụ đông hàng năm, loại cây được trồng nhiều nhất thậm chí gần như là duy nhất ở Thạch Đạn là khoảng 10ha khoai tây. Trong khi đó toàn xã có trên 100 ha đất nông nghiệp thuận lợi cho trồng cây vụ đông. Nếu như trước kia vấn đề đường giao thông khó khăn là rào cản khiến cho việc giao thương hàng hoá ở Thạch Đạn bị đình trệ, thì hiện nay, với hệ thống đường giao thông thuận tiện, chỉ khoảng 30 phút, người dân ở đây có thể mang sản phẩm nông nghiệp của mình ra tận thành phố Lạng Sơn tiêu thụ dễ dàng. Tuy nhiên, do tập quán canh tác lạc hậu, tư duy thị trường kém nên hầu hết người dân ở đây để phí nguồn lợi từ cây trồng vụ đông. Giải thích về việc này, cán bộ khuyến nông xã Thạch Đạn cho biết rằng, ai cũng hiểu tầm quan trong của các loại rau, màu vụ đông nhưng do tập quán canh tác từ lâu của bà con nên trong một sớm, một chiều chưa thể định hướng cho bà con được. Cùng đó, việc thiếu nguồn nước tưới cũng là một nguyên nhân dẫn đến bà con không mặn mà với vụ đông.
Trước thực tế để phí nguồn lợi từ cây trồng vụ đông ở Thạch Đạn cho thấy: Ngoài sự kém nhạy bén của người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường thì cấp uỷ chính quyền địa phương cũng còn nhiều hạn chế trong việc định hướng người dân trong việc đầu tư sản xuất nông nghiệp. Mặc dù có đủ điều kiện về con người và tư liệu sản xuất nhưng cấp uỷ chính quyền địa phương chưa chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai các lớp tập huấn cũng như triển khai các mô hình trình diễn kỹ thuật canh tác mới để bà con trong xã có điều kiện học tập, ứng dụng vào thực tế sản xuất. Cho đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Lạng sơn còn khá nhiều địa phương chưa khai thác được tiềm năng về đất sản xuất – đây chính là điểm yếu từ lâu của các địa phương trên địa bàn tỉnh nói chung. Không một năm nào, Sở NN&PTNT là không khuyến cáo bàn con nông dân nên tận dụng đất đai và tranh thủ thời tiết cuối năm để gieo trồng các loại cây trồng vụ đông, nhưng không phải địa phương nào cũng làm tốt vụ này. Một cán bộ công tác trong lĩnh vưc khuyến nông khẳng định: Mô hình trồng cây vụ đông đã và đang đem lại những kết quả tích cực cho nông dân ở Lạng Sơn. Nguồn thu từ trồng cây vụ đông cao gấp mấy lần trồng lúa. Để tăng nhanh giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác, ngoài việc chuyển đổi các giống lúa chất lượng cao, có năng suất ổn định nhằm bảo đảm an ninh lương thực, trong nhiều năm, tỉnh đã chú trọng phát triển cây vụ đông trên đất hai vụ lúa. Đây là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, tạo ra tập quán thâm canh. Minh chứng cụ thể là bà con nông dân ở xã Tân Liên và Gia Cát đã mạnh dạn trồng rau vụ đông. Theo tính toán của bà con, làm rau đông như su hào, cải bắp thu về một triệu đồng/sào là trong tầm tay, với điều kiện canh tác hiện nay, trồng cà chua, bí xanh đều cho hiệu quả cao. Thế mà, có thời gian dài, những người nông dân ở đây không có tập quán làm vụ đông, ruộng đất sau vụ mùa đều bỏ hoang lãng phí, nhưng bây giờ khi thành công rồi thì mọi chuyện lại trở nên dễ dàng hơn.
Hiệu quả sản xuất đã thấy rõ nhưng thực tế, diện tích vụ đông những năm qua ở Lạng Sơn mới chỉ tập trung tại một số xã có truyền thống thâm canh, chưa phát triển đều khắp tại các vùng, miền trong tỉnh. Thạch Đạn là một trong số xã như vậy, bà con đang lãng phí tiềm năng gieo trồng của vụ đông, và như vậy, người nông dân Thạch Đạn đang “mất tiền” chính trên mảnh ruộng của mình.
Lưu Vũ
Ý kiến ()