LSO-Đối với người Việt Nam, một năm có rất nhiều lễ tết, trong đó Tết ông Công, ông Táo ngày 23 tháng chạp hàng năm là một trong những cái tết quan trọng. Nhiều người dân thả cá và vứt cả túi nilông xuống sông Kỳ Cùng làm mất mỹ quanTheo cuốn “Cơ sở văn hóa Việt Nam” của tác giả Trần Ngọc Thêm do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1999 có viết: “Trong gia đình, ngoài thờ tổ tiên, người Việt Nam còn tục thờ Thổ Công. Thổ Công là vị thần trông coi gia cư, định đoạt phúc họa cho một gia đình. Sống ở đâu thì có Thổ Công ở đó: đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”. “Thổ Công là một hình tượng bộ ba, truyện thường được kể dưới nhan đề Sự tích ông đầu rau (hay Sự tích thần Bếp) với rất nhiều dị bản khác biệt về chi tiết. Đại để là ngày xưa có hai vợ chồng nghèo khổ, sau một năm trời làm mất mùa, chồng phải đi làm ăn, đã nhiều năm trôi qua mà vẫn bặt tin không thấy về. Người vợ để tang chồng...
LSO-Đối với người Việt Nam, một năm có rất nhiều lễ tết, trong đó Tết ông Công, ông Táo ngày 23 tháng chạp hàng năm là một trong những cái tết quan trọng.
Nhiều người dân thả cá và vứt cả túi nilông xuống sông Kỳ Cùng làm mất mỹ quan
Theo cuốn “Cơ sở văn hóa Việt Nam” của tác giả Trần Ngọc Thêm do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1999 có viết: “Trong gia đình, ngoài thờ tổ tiên, người Việt Nam còn tục thờ Thổ Công. Thổ Công là vị thần trông coi gia cư, định đoạt phúc họa cho một gia đình. Sống ở đâu thì có Thổ Công ở đó: đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”.
“Thổ Công là một hình tượng bộ ba, truyện thường được kể dưới nhan đề Sự tích ông đầu rau (hay Sự tích thần Bếp) với rất nhiều dị bản khác biệt về chi tiết. Đại để là ngày xưa có hai vợ chồng nghèo khổ, sau một năm trời làm mất mùa, chồng phải đi làm ăn, đã nhiều năm trôi qua mà vẫn bặt tin không thấy về. Người vợ để tang chồng rồi nối duyên với một người đã cưu mang mình. Một hôm, trong khi chồng mới đi vắng thì chồng cũ sau bao năm bặt tin bỗng trở về. Người vợ chỉ còn biết ôm chồng cũ khóc than rồi đem cơm rượu cho ăn. Rồi để tránh tiếng người vợ bảo người chồng cũ ra đống rơm núp tạm. Chồng mới về vào bếp lấy tro bón ruộng không có, bèn ra đốt đống rơm, vô tình giết chết người chồng cũ. Thấy chồng cũ chết oan trong đống rơm, người vợ thương xót quá bèn nhảy vào lửa cùng chết. Chồng mới thấy vậy, tuy không hiểu đầu đuôi, nhưng vì thương vợ nên cũng nhảy vào lửa chết theo. Trời thấy ba người sống đầy tình nghĩa bèn phong cho cả ba cùng làm Vua Bếp (Táo Quân, ông Táo, do vậy mà bếp có ba ông đầu rau) để được gần nhau mãi mãi và để lửa luôn đốt nóng tình yêu của họ. Trong bộ ba đó, chồng mới là Thổ Công trông nom việc trong bếp, chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà và vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa”.
“Cuối năm, 23 tháng chạp là ngày Tết ông Táo, các gia đình sắm 2 mũ ông, 1 mũ bà để cúng bộ ba Thổ Công – Thổ Địa – Thổ Kỳ cùng với cá chép để ông lên chầu trời. Mở đầu bằng Tết Nguyên đán, kết thúc bằng tết ông Táo, để rồi đêm 30, ông Táo lại trở về cùng gia đình bước vào năm tiếp theo…”.
Nếu theo nội dung trên, chúng ta cũng phần nào hiểu rõ hơn về sự tích Vua Bếp và ý nghĩa của Tết ông Công, ông Táo mang tính nhân văn hết sức sâu sắc. Từ đó cần có cách ứng xử thế nào cho đúng đối với cái tết truyền thống này.
Hiện nay, Tết ông Công, ông Táo hàng năm được người dân duy trì, tổ chức ăn tết vẫn rất tươm tất với các lễ nghi kèm theo. Trong đó, đáng chú ý có việc ra sông, suối thả cá chép để tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời. Do nhu cầu của người dân nên tại các chợ, vào ngày 22, 23 tháng chạp đều có rất nhiều người bán cá chép đỏ loại nhỏ cỡ hai, ba ngón tay người lớn để phục vụ người dân mua về thả cá để tiễn ông Công, ông Táo sau khi đã làm lễ tại gia đình. Thường thì giá của ba con cá chép nhỏ dao động từ 15 đến 40 ngàn đồng. Quan niệm dân gian cho rằng thả cá chép làm phương tiện cho ông Công lên chầu trời. Ẩn tàng trong đó còn là ý nghĩa của việc phóng sinh, làm phúc. Xét về góc độ văn hóa ứng xử của con người với môi trường tự nhiên sẽ là một việc làm rất có ý nghĩa. Anh Hà Tuấn Anh (phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn) cho hay, năm nào Tết ông Công, ông Táo anh cũng mang cá chép ra thả ở sông Kỳ Cùng nhưng bao giờ cũng đựng vào ang, chậu. Nếu đựng vào túi nilon sau khi thả cá xong sẽ bỏ túi nilon vào đúng nơi thu gom và thường xuống thả gần mặt nước. Còn bác Đinh Thị Hường (phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn) thì cho rằng: thả cá là một việc làm mang ý nghĩa nhân văn; phóng sinh, giải thoát cho cá khỏi cảnh “cá chậu, chim lồng” về với môi trường tự nhiên. Nhưng nếu đứng từ trên cầu mà thả như ném xuống sông có thể làm cá chết, lại mất ý nghĩa đi…
Thật sự, nếu ai đi thả cá cũng như anh Tuấn Anh và bác Hường thì không có gì đáng bàn. Đằng này, lại xuất hiện những hiện tượng phải suy ngẫm. Đó là thả cá như thế nào cho có văn hóa, ý nghĩa. Quan sát tại sông Kỳ Cùng đoạn cầu Kỳ Lừa (đây là địa điểm nhiều người ở thành phố Lạng Sơn xuống thả cá) nhiều năm qua thấy, có người từ trên cầu thả cá rồi tiện tay thả luôn cả túi nilon đựng cá theo hoặc vứt túi cá từ trên thành cầu xuống. Nhiều người lại xách túi cá xuống bờ sông nhưng sau khi thả cá lại vứt vương vãi túi đựng cá trông rất mất mỹ quan… Nhưng do nước lặng nên túi đựng cá không trôi đi ngay mà ứ đọng lại. Nhìn từ trên cầu xuống thấy mặt sông túi nilon xanh, đỏ, tím, vàng… nổi đầy mặt sông, để rồi sau đó lại vất vả cho công nhân môi trường thu gom.
Vậy nên, để Tết ông Công, ông Táo thật ý nghĩa, mỗi người cần hiểu đúng về cái tết này. Đồng thời có cách ứng xử sao cho phù hợp, nhất là việc thả cá, đốt vàng mã… Đó cũng chính là một hành động thiết thực góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, gìn giữ những nét đẹp của tết Việt.
Hoàng Hà
Ý kiến ()