Tết Việt - xúc cảm thiện lành
Trước dịp Tết Giáp Thìn 2024, việc Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) thông qua nghị quyết lần đầu tiên công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ hằng năm của LHQ không chỉ là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với văn hóa cổ truyền Á Đông, mà còn là niềm vui chung của 100 triệu người Việt.
Không biết tự bao giờ, Tết đã trở nên thân thuộc đối với mỗi người dân Việt Nam. Hầu như mọi hoạt động, mọi việc, mọi thứ liên quan đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân Việt gắn liền với từ “Tết” đều mang những hàm ý vô cùng tinh tế, nhuần nhụy và thấm đượm tâm hồn dân tộc.
Này nhé! Chuẩn bị đón Tết, ta đi “chợ Tết”-phiên chợ nhộn nhịp, rộn ràng, náo nhiệt nhất trong năm. Ở đó, ta tha hồ “mua sắm Tết” để chuẩn bị cho gia đình những “thực phẩm Tết” ngon lành, những “bức tranh Tết” tươi tắn, những bộ “quần áo Tết” mới đẹp, những “hoa quả Tết” rực rỡ sắc màu, những cành “đào Tết”, “mai Tết” lung linh sắc thắm, những trái “bưởi Tết” mịn màng, những hộp “mứt Tết” thơm ngon, những giỏ “quà Tết” xinh xắn…
Những ngày giáp Tết, ta háo hức dọn dẹp vệ sinh, “trang trí Tết” cho nhà cửa thêm trang hoàng, lộng lẫy. Nhà nhà nhắn nhủ nhau treo “cờ Tết” cho thêm phơi phới sắc xuân. Ôi, nghĩa tình xiết bao với tổ tiên bởi ở “mâm cỗ Tết” trên “bàn thờ Tết” của gia đình, bao thứ tinh túy nhất của đất trời, hoa lá, hồn người Việt được kết tụ thành những “hương vị Tết” đặc trưng như “bánh chưng Tết”, “mâm ngũ quả Tết”, “câu đối Tết”, “lọ hoa Tết”… để “thờ cúng Tết” tổ tiên.
Phô diễn tinh thần thượng võ dân tộc tại Lễ hội gò Đống Đa (Hà Nội) tổ chức thường niên vào mồng 5 Tết Nguyên đán. Ảnh: NGỌC PHÒNG |
Trong những “ngày Tết”, anh em đầm ấm trong không khí “đoàn tụ Tết” của gia đình; bạn bè chan hòa trong không gian “sum họp Tết” của tình bằng hữu; cơ quan, đoàn thể vui vẻ trong khí thế “gặp mặt Tết” dịp đầu xuân và nhà nhà, người người luôn dành cho nhau những lời “chúc Tết” tốt đẹp, thân thương nhất. Vào dịp Tết, người lớn không quên “lì xì Tết” cho trẻ nhỏ, cháu con vẫn giữ mỹ tục “mừng tuổi Tết” ông bà, bố mẹ.
Xưa, dân ta thường nói “ăn Tết” với một quan niệm “No ba ngày Tết, ấm ba tháng hè”. Nay, đời sống đã sung túc hơn và sống giữa thời mở cửa, hội nhập với bốn phương, cái Tết đâu chỉ gói gọn trong sự ăn uống đơn thuần, mà đã sinh sôi, nảy nở biết bao hoạt động đầy ý nghĩa khác. Đó là “vui Tết” sôi nổi, rầm rộ hơn và “chơi Tết” rộn ràng, sang trọng hơn. Yêu môn nghệ thuật thứ bảy và muốn thỏa niềm vui “giải trí Tết”, người ta có thể đến rạp xem “phim Tết”, xem biểu diễn “ca nhạc Tết”, “hài Tết, “thời trang Tết”. Thích chỗ đông người, người ta có có thể “đi hội Tết”, ra ngắm “đường hoa Tết”, đi “du lịch Tết”, hòa vào các “trò chơi dân gian Tết”. Muốn lòng thanh thản, thư thái, người ta có thể đi “chùa Tết” để cầu phúc, cầu an. Ngại ra đường, người ta có thể ở nhà mà vẫn hưởng những “thú vui Tết” thời hiện đại như xem “truyền hình Tết”, đọc “báo Tết”…
Cái Tết thật kỳ lạ. Lúc vui vẻ gặp nhau, người người chúc nhau “chén rượu Tết” nồng nàn, thi vị. Chẳng may hay vô tình làm mếch lòng nhau, người ta thường bảo “Tết mà” để dễ bề bỏ qua giận dỗi, bày tỏ sự bao dung, vị tha với những sơ suất, lỗi lầm của nhau. Đã là Tết, người ta kiêng kỵ nói những điều xấu, điều rủi, mà luôn nghĩ về những điều thiện, điều may. Cái Tết lúc này thực sự trở thành sợi dây tình cảm gắn kết người với người, làm cho nghĩa thêm sâu, tình thêm nặng.
Không như ngày bình thường, ngày Tết được ví như thời gian vàng ngọc, vì nó thường trôi đi nhanh trong khi người ta còn biết bao thú vui khác chưa trọn vẹn. Sau một năm lao động, làm việc tất bật, vất vả, ai cũng muốn có thời gian vui chơi, giải trí, thăm hỏi nhau thoải mái hơn, mặc dù “nghỉ Tết” là thời gian nghỉ dài nhất trong một năm. Trong dịp Tết, đúng lúc trời đất chuyển giao năm cũ và năm mới, hòa cùng khoảnh khắc thiêng liêng nhất của đất trời, ta lại càng nhớ thương, biết ơn những người lính đang thực hiện “phiên gác Tết” nơi biên giới, hải đảo xa xôi và những người bác sĩ, kỹ sư, công nhân đang “trực ca Tết” nơi bệnh viện, nhà máy, công trường… cho bao người được hưởng một cái Tết đầm ấm, an lành bên gia đình.
Chỉ cần lướt qua vài lời về Tết như vậy cũng đủ thấy Tết luôn mang những giá trị nhân văn, tích cực. Bởi các hoạt động liên quan, gắn liền với Tết đều bao hàm những ý nghĩa rất thiết thân đối với cuộc sống mỗi cá nhân và khát vọng cao cả của cộng đồng như vui vẻ, mạnh khỏe, thành đạt, hạnh phúc, viên mãn, sáng láng, may mắn, tươi tắn, phấn chấn, hội tụ, đủ đầy… Không chỉ vậy, Tết còn mang giá trị tinh thần và tâm linh thiêng liêng vì Tết đến là dịp để mọi người thể hiện sự tri ân, tôn kính đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thầy cô; để gắn bó mỗi người với tổ ấm gia đình, dòng tộc, làng xóm, quê hương; để sẻ chia, cảm thông với những nỗi đau, mất mát; để khích lệ, động viên nhau hướng tới những cử chỉ, việc làm thiện chí, thiện tâm hơn; để nương tựa vào nhau cùng tạo bệ đỡ, động lực tinh thần cho một năm mới với nhiều ý chí, khát vọng và thành công mới.
Tết là một danh từ chung nhưng luôn được viết hoa thành “Tết”, vì từ lâu Tết đã ở “trong tim mọi người” nên nó vừa như là “của chung” của cộng đồng, vừa như là “sở hữu riêng” của mỗi người. Tết là một từ khó có thể định nghĩa hoàn hảo, cũng không thể phiên âm chính xác sang ngôn ngữ các dân tộc khác. Chỉ có một từ “Tết” thôi nhưng nó như một mầm sống bất tử, luôn phát sinh, phát triển, không ngừng mở rộng cả về nội hàm và ý nghĩa. Bởi thế, hoàn toàn có cơ sở để khẳng định rằng, “Tết Việt” nhất định sẽ có tên trong từ điển văn hóa thế giới. Đó không phải là sự ngộ nhận, là lạc quan tếu, là “con hát mẹ khen hay”, mà là một “thực thể từ” sống động đã được minh chứng sâu sắc trong quá khứ, đang hiện diện phong phú trong hiện tại và còn trường tồn, đồng hành mãi với tương lai dân tộc.
Mỗi người Việt xa xứ, mỗi người con xa quê khi xuân về không bao giờ hết nguôi ngoai một nỗi lòng “nhớ Tết”. Khi cuộc sống vật chất đã đủ đầy, ai đâu khỏi có những giây phút nao lòng “thương Tết” túng thiếu một thời chưa xa. Tết chỉ là thời gian ngưng tụ trong một không gian đặc biệt của người Việt, dù không rõ hình hài, sắc thái, nhưng ai cũng mang một tình cảm “quý Tết”, một tâm lý “yêu Tết”, một thái độ “trọng Tết” với tất cả tâm trạng bản năng vốn có của chính mình. Có bao nhiêu trái tim mang dòng máu Việt là có bấy nhiêu cung bậc xúc cảm về Tết. Tết là một giá trị đặc sắc, độc đáo nhất của văn hóa Việt. Do vậy, cũng có thể tự tin, tự hào gọi đó là một “thương hiệu văn hóa Việt” có đủ khả năng neo giữ tâm hồn, cốt cách dân tộc Việt trong thời hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/tet-viet-xuc-cam-thien-lanh-764582
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()