Tết Việt trong trường học - Hoạt động giáo dục truyền thống cho học sinh
– Trong những năm gần đây, vào những ngày cận Tết Nguyên đán, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động trải nghiệm tết cho học sinh. Đây là dịp để các trường lồng ghép các hoạt động giáo dục truyền thống và những nét đẹp của tết cổ truyền đến học sinh.
Đầu tháng 1/2023, chúng tôi có dịp tham dự chương trình “Tết Đoàn viên – Xuân hạnh phúc” tại Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh. Theo ghi nhận, ngay từ sớm, sân trường đã rất nhộn nhịp, tất cả giáo viên và học sinh đều tất bật chuẩn bị nguyên, vật liệu để gói bánh chưng. Cô Vương Xuân Thuận, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngoài hoạt động gói bánh chưng, hằng năm, mỗi dịp tết đến xuân về, trường còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: tái hiện không gian phiên chợ xưa, viết câu đối thư pháp, trang trí không gian tết, hoa đào, gấp lì xì… và nhiều hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu về phong tục đón tết cổ truyền như: thờ cúng tổ tiên, chúc tết và mừng tuổi đầu xuân, xin chữ đầu năm… Qua đây nhằm giáo dục cho học sinh những phong tục, nét đẹp về văn hoá truyền thống, từ đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho học sinh.
Học sinh Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh tham gia thi gói bánh chưng
Năm học 2022 – 2023, toàn tỉnh có 674 trường học với hơn 200.000 học sinh. Không riêng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, những năm học gần đây, vào dịp cuối năm âm lịch, nhiều trường học từ bậc học mầm non đến THPT đã tổ chức cho học sinh tham gia các chương trình, hoạt động trải nghiệm về Tết Việt. Đối với cấp học mầm non, tiểu học: học sinh được tham gia phiên chợ quê, nhận biết nguyên liệu làm bánh chưng, học những câu chúc tết ông bà, cha mẹ… Đối với cấp THCS và THPT, học sinh được trải nghiệm thi gói bánh chưng, viết câu đối thư pháp, tham gia những trò chơi dân gian… Một số trường còn tổ chức thi bày mâm ngũ quả, trình diễn trang phục dân tộc, gây quỹ dành tặng những phần quà đến các học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Hoạt động này nhằm giáo dục truyền thống cho học sinh, giúp các em có thêm những trải nghiệm, hiểu thêm về ý nghĩa của ngày tết cổ truyền. Qua đó khắc sâu giá trị văn hoá, phong tục, tập quán Nhân dân ta trong ngày Tết Nguyên đán, giúp các em có những suy nghĩ, cách làm, góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy tốt những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của ngày tết Việt.
Với sự chuẩn bị chu đáo, phong phú về nội dung và hình thức nên việc tổ chức tết Việt trong các trường học trên địa bàn tỉnh đã được đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh tham gia.
Em Đoàn Minh Huyền, Trường THPT chuyên Chu Văn An (thành phố Lạng Sơn) cho biết: Hằng năm, trường tổ chức các hoạt động vui tết cổ truyền như thi gói bánh chưng, chơi kéo co, nhảy bao… Điều làm em thấy ý nghĩa hơn cả là được tham gia chương trình tình nguyện “Mùa xuân cho em”. Tại đây chúng em tham gia gây quỹ bằng việc bán bỏng ngô, kêu gọi ủng hộ từ các nhà hảo tâm sau đó dành tặng những phần quà cho các bạn, các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Dù là những phần quà nhỏ nhưng giúp chúng em phát huy được tinh thần tương thân tương ái, chia ngọt sẻ bùi với những hoàn cảnh khó khăn để các bạn, các em nhỏ có một cái tết trọn vẹn hơn.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khuyến khích các trường từ bậc mầm non đến THPT linh hoạt lồng ghép việc giáo dục truyền thống đến học sinh, trong đó có việc giáo dục ý nghĩa ngày tết cổ truyền vào các môn học hay hoạt động ngoại khoá trong nhà trường. Qua đó, các trường tích cực tổ chức thực hiện. Đơn cử như tại huyện Tràng Định, dịp Tết Nguyên đán năm nay, 56/56 trường học đều tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, đặc biệt là tổ chức Tết Việt. Bà Nguyễn Thị Đào, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: Trong 3 năm học trở lại đây, các trường đều tổ chức các hoạt động ngoại khoá giáo dục văn hoá truyền thống, tết cổ truyền. Theo đó, 100% trường đều trang trí khuôn viên, lớp học, lồng ghép linh hoạt nội dung tết cổ truyền vào bài giảng… Đặc biệt, đối với bậc học mầm non, ngay từ giữa tháng 1/2023, các trường đã trang trí và hoàn thiện không gian tết như: phiên chợ quê, các gian hàng ẩm thực Tết Việt, tổ chức các chương trình văn nghệ, trò chơi dân gian…
Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Thực hiện yêu cầu của sở, hằng năm, 100% trường học đều thực hiện tốt hoạt động giáo dục văn hóa truyền thống, trong đó có tổ chức Tết Việt, sôi nổi nhất là ở bậc học mầm non và THPT. Có thể nói, việc giáo dục truyền thống giúp học sinh ý thức, trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn những phong tục, nét đẹp văn hoá của ngày tết cổ truyền. Từ đó, giúp các em thêm yêu quê hương, đất nước, gắn bó với gia đình, cộng đồng và thêm trân quý những giá trị của cuộc sống.
THU HIỀN
Ý kiến ()