Tết ở Trường Sa: Người lính đảo gửi nỗi nhớ về đất Mẹ
Tết ở quần đảo Trường Sa thường đến sớm hơn trên đất liền, bắt đầu từ khi những chuyến tàu chở hàng Tết ra đến đảo, và cũng đủ đầy hương vị Tết cổ truyền dân tộc với bánh chưng, dưa hành, câu đối đỏ... Tết ở Trường Sa do đất liền mang đến, nhưng cũng chính sự hy sinh thầm lặng của những người lính đảo phải ăn Tết xa nhà đã mang lại cho đất liền một cái Tết đầm ấm, yên vui...
Những chuyến tàu chở Tết ra đảo
Thị trấn Trường Sa trở nên bận rộn khác thường trong một ngày giáp Tết. Chuyến tàu chở hàng và người thay quân ra đảo Trường Sa Lớn không cập cảng được vì sóng lớn nên phải vận chuyển bằng xuồng. Từng chuyến xuồng lần lượt chở nhóm phóng viên, đoàn công tác, quân và dân ra đảo cùng khối lượng lớn hàng Tết. Phải đến gần hết ngày, công việc vận chuyển người và hàng lên đảo mới xong.
Từ đảo nhìn ra, con tàu HQ561 chở chúng tôi ra đảo chò ng chành chao liệng trên mặt biển như chiếc lá… Cũng từ lúc tàu đến đảo, một không khí tấp nập khó tả bao trùm lên toàn bộ thị trấn. Cả đảo đổ ra vận chuyển hàng từ cầu cảng vào. Ô tô tải, xe ba gác được huy động chở hàng. Ngay cả xe đạp, loại phương tiện giao thông phổ biến ở thị trấn nhỏ này cũng được sử dụng hết công suất.
Đại tá Bùi Hải Phước, Phó lữ đoàn trưởng – Tham mưu trưởng – Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân Hồ Hải cho biết, chuyến công tác cuối năm này diễn ra theo thông lệ hằng năm với nhiệm vụ là tổ chức thay thu quân, bảo đảm hàng Tết, chúc Tết và kiểm tra động viên bộ đội.
Thời tiết cuối năm thường sóng to gió lớn, không thuận lợi, nên việc chuẩn bị cho chuyến đi lại càng cần phải chu đáo hơn. Từ Quân chủng Hải quân, Tư lệnh vùng 4 cho đến Lữ đoàn 146 và các điểm đảo đều phải xây dựng kế hoạch tỉ mỉ từ khâu khai thác hàng, kế hoạch nhận hàng, đóng gói đến vận chuyển hàng và quà Tết. Và điểm mới của hàng Tết ra đảo năm nay là tập trung về một đầu mối là siêu thị Fivimart, vì thế thực phẩm Tết có chất lượng tốt hơn, hàng hóa được kiểm tra ngay từ khi lên tàu, bảo đảm ra đến đảo chất lượng hàng vẫn tốt.
Hệ thống điện mặt trời đã được trangbị đến các đảo nên đảo nào cũng có tủ đông, vì thế, năm nay, ngoài lợn, bộ đội có thịt bò và thịt đà điểu đông lạnh đón Tết. Thượng tá Phạm Văn Hòa, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa và Trung tá Nguyễn Văn Tuấn, Chính trị viên đảo Trường Sa, Chủ tịch HĐND của thị trấn vừa bận chỉ huy đơn vị tiếp khách, chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng, lại vừa tiếp nhận hàng Tết để chuẩn bị đón xuân. “Từ khi đoàn công tác bước chân lên đảo đã thấy không khí tết rộn ràng trên khắp đảo Trường Sa Lớn. Chúng tôi cảm nhận thấy dù ở đâu thì Tết cũng mang hương vị của đất liền, của Tổ quốc, của quê hương”, Thượng tá Hòa nói.
Năm nay, những chuyến tàu chở Tết ra đảo “nặng” hơn những năm trước, do suất ăn Tết của bộ đội được tăng từ ba chiếc bánh chưng lên bốn chiếc, nên tiêu chuẩn lá dong, gạo nếp, lợn… cho mỗi đảo cũng nhiều lên. Nhưng hơn cả là nặng nghĩa tình của đất liền gửi tới đảo xa.
Tết đủ đầy và ấm cúng
Tết trên đất liền có gì thì trên đảo có thứ ấy, đó là phương châm đón Tết của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thị trấn Trường Sa. Và để thực hiện được điều đó, họ phải chuẩn bị Tết từ rất sớm. Trước khoảng một tháng, cả đảo đã tăng gia trồng rau xanh, nuôi lợn gà nhiều hơn để dự trữ cho Tết. Còn những thứ trên đảo không có được như lá dong, hành củ, đậu xanh… thì đều phải vận chuyển từ đất liền thì phải được bảo quản cẩn thận để chờ Tết. Mặc dù vậy, khi Tết đến lá dong trên đảo thường cũng không còn giữ được mầu xanh, nên bộ đội thường hay dùng thêm lá bàng vuông để gói bánh.
Bánh chưng gói bằng lá bàng vuông thể hiện hồn cốt Trường Sa.
Bánh chưng gói lá bàng vuông là một “đặc sản” chỉ có ở Trường Sa, mang hương vị riêng của biển cả, thể hiện sức sống bất diệt trên vùng chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Miếng bánh chưng gói lá bàng vuông cũng khác lá dong, thường có vị chát đặc trưng của lá bàng. Trên bàn thờ của các điểm đảo ở Trường Sa, bên cạnh bánh chưng truyền thống thường có thêm bánh chưng lá bàng vuông.
Không chỉ có cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị Tết, từng hộ dân trên đảo cũng tấp nập chuẩn bị bàn thờ, cỗ Tết cho gia đình mình và giúp bộ đội chuẩn bị cỗ Tết để dự thi. Sau khi về thăm đất liền hai tháng, hai mẹ con chị Phạm Thị Như Trinh quay lại đảo đón Tết. Trong hành trang của chị khi lên tàu về đảo, có rất nhiều bột làm bánh, nguyên liệu làm hoa, cùng nhiều loại trái cây chỉ có ở đất liền.
Lúc chúng tôi đến thăm nhà, chị đang bày lên bàn thờ những thứ quả mà vất vả lắm chị mới mang được về đảo. Chị cũng tự tay làm những bông hoa sen, hoa hồng để tặng bộ đội cắm ngày Tết. Lúc rảnh, chị còn bày cho các chị em khác làm các loại bá nh như bánh cam, bánh bao, bánh tiêu, bánh bò… để biếu bộ đội. “Nhiều người bảo từ 5-6 năm rồi mới được ăn những loại bánh này vì họ đi miết. Ngoài này đâu có phụ nữ mà làm cho họ ăn, chợ thì không có, nên chị em chúng tôi tranh thủ làm thêm biếu bộ đội”, chị Trinh nói.
Chị Trinh đang sửa soạn bàn thờ cúng Tết trên đảo Trường Sa Lớn.
Đêm giao thừa trên đảo Trường Sa Lớn, toàn đảo tập trung về hội trường để giao lưu văn nghệ, hái hoa dân chủ và xem cầu truyền hình từ đất liền. Cả quân và dân cùng nhau hát và biểu diễn những tiết mục văn nghệ mà họ đã tập cả tháng trước. Cây hoa dân chủ được làm từ gốc cây phong ba, được trang hoàng bằng những nụ hoa mai vàng và câu đố mầu đỏ. Từng chiến sĩ được mời lên bốc thăm để trả lời câu hỏi. Thường những câu đố đó gắn với mùa xuân, nên những bài hát, bài thơ về mùa xuân được cất lên trong tiếng cổ vũ hòa theo của tất cả mọi người. Tết ở thị trấn Trường Sa, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được triển khai rất rầm rộ.
Tiết mục văn nghệ của quân và dân thị trấn Trường Sa mừng đón Xuân mới.
Chỉ huy đảo tổ chức nhiều trò chơi dân gian cho cán bộ, chiến sĩ cù ng người dân tham gia. Trò chơi được nhiều người hưởng ứng nhất là bịt mắt bắt dê, nhưng trên đảo không có dê nên được thay bằng lợn. Tiếng reo hò cổ vũ vang cả sân đảo. Rồi trò nhảy bao bố, kéo co, bóng chuyền, bóng bàn… cũng thu hút sự tham gia của nhiều người. “Ở sân chơi ngày tết nơi công cộng, mọi người được hò hét vui chơi thoải mái. Đó không chỉ là niềm vui của người lính đảo mà vui chơi cũng giúp người dân nghĩ Tết đang diễn ra ở đất liền chứ không phải nơi đảo xa”, Thượng tá Hòa nói.
Còn đại tá Phước cho biết, ở đảo tổ chức vui xuân vui hơn trong bờ. Bởi đảo ít người nên người chỉ huy phải tổ chức những trò chơi quy tụ được nhiều cá nhân, tập trung nhiều người vào cuộc chơi. Trong bờ, những trò chơi thường mang tư tưởng cá nhân, ngoài đảo tính tập thể cao hơn.
Một chiến sĩ tham gia trò chơi Hái hoa dân chủ đêm Giao thừa.
Nguyện làm lá chắn cho đất liền đón Tết bình yên
Hơn chục năm gắn bó với nhiều hòn đảo ở Trường Sa, Thượng tá Hòa cho biết, chỉ có hai cái Tết ông được về quê, còn lại toàn ở đảo. Và khi tôi hỏi về cảm xúc của ông trước bữa cơm tất niên nơi đảo xa, vị chỉ huy đảo đã ngoài 50 tuổi tâm sự: “Bữa cơm tất niên làm khơi dậy truyền thống của dân tộc về sự sumhọp, đoàn tụ của gia đình, bạn bè, người thân. Ở đảo, trong điều kiện vật chất khó khăn, nhưng chúng tôi không bao giờ bỏ bữa cơm tất niên chúng tôi vì đó là phong tục truyền thống. Bộ đội chúng tôi coi đảo là nhà thì cũng coi bữa cơm tất niên đó chính là buổi đoàn tụ của mái nhà chung này. Mặc dù ở xa, nhưng bữa cơm tất niên ở đây có thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh nên bộ đội cũng cảm thấy đầm ấm và ý nghĩa lắm, như đang ở nhà ăn tết với gia đình vậy”.
Nhưng bữa cơm tất niên ở đảo cũng khiến những người lính dù đã dạn dày như ông không nguôi nhớ nhà. Trước bữa cơm tất niên, dù ở đâu, con người cũng muốn trở về nhà, bởi họ biết con họ đang mong chờ để có một tấm áo mới, hay một món quà để đi chơi Tết. Mẹ cũng có thể làm được điều ấy, nhưng ý nghĩa món quà của mẹ không như của bố, vì mẹ thường xuyên tiếp xúc với con, nên quà của bố thường được các con mong đợi nhiều hơn. “Lúc đó chúng tôi thường tưởng tượng giá như mình ở nhà, sẽ được con chạy ra ôm chầm lấy mình khi nhận quà. Đó là cảm xúc thường tình của mỗi con người thôi mà, ai cũng vậy”, người lính trầm ngâm.
Nhưng rồi cảm xúc ấy trong ông qua đi rất nhanh. “Thường chúng tôi kìm nén lại những cảm xúc riêng tư đó để thực hiện nhiệm vụ chung, thiêng liêng và cao cả hơn”, Thượng tá Hòa lên tiếng sau phút suy tư. “Đang làm nhiệm vụ canh giữ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc nên chúng tôi luôn luôn xác định tư tưởng vui xuân không quên nhiệm vụ, nguyện làm phên dậu, lá chắn cho đất liền được đón Tết bình yên, vui vẻ. Đối với chúng tôi, mặc dù vui xuân rất vui tươi, rầm rộ, nhưng tinh thần sẵn sàng chiến đấu cũng rất cao, sẵn sàng đập tan các thế lực có hành động vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam”, Thượng tá Hòa cười rất tươi sau câu nói đầy quyết tâm ấy.
Chia tay Trường Sa Lớn, nụ cười của người chỉ huy ấy trên cầu cảng khiến chúng tôi cảm thấy ấm áp hơn khi trở về đất liền, bởi Trường Sa đã có Tết, và hơn ai hết, trong giây phút cả nước vui mừng đón Xuân Ất Mùi, những người lính Trường Sa vẫn kiên cường canh gác những điểm đảo, giữ chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()