Tết ở đảo chìm
(LSO) – Trong khi ở đất liền, người người, nhà nhà quây quần bên nhau vui tết đón xuân, thì ở đảo chìm Trường Sa, những người lính ôm súng đứng gác trong gió lạnh sương biển và căng thẳng theo dõi những con tàu “không mời mà đến”. Dẫu vẫn biết đó là nhiệm vụ nhọc nhằn gian khổ và sứ mệnh của người lính biển thời bình lặng im tiếng súng, song niềm vui của các anh chỉ trọn vẹn khi biển đảo yên bình và nhân dân cả nước đón tết cổ truyền trọn vẹn trong mùa xuân mới.
Sừng sững Cô Lin và sức mạnh từ nỗi nhớ
Với những cán bộ chiến sĩ ở 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân ngoài quần đảo Trường Sa, ngoài luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng, Quân đội, Nhân dân giao phó, thì có một điều luôn đau đáu trong tim họ là nỗi nhớ đất liền.
Mặc dù đã nhiều năm gắn bó cùng đồng đội ở đảo Cô Lin, song nỗi nhớ đất liền, bếp lửa quê nhà luôn đau đáu trong tim Thượng úy, Chính trị viên Ngô Văn Bun mỗi khi xuân về tết đến. Anh nói: “Ngày tết ai chẳng nhớ đất liền, bố, mẹ, vợ, con, nhưng vì nhiệm vụ phải gác lại tất cả. Biến nỗi nhớ thành sức mạnh nội sinh, thêm vững chắc tay súng canh trời giữ biển đảo yên bình để nhân dân cả nước vui tết đón xuân, đó là bản lĩnh và sức mạnh của bộ đội Hải quân Trường Sa. Dù khó khăn vất vả thế nào, niềm vui của cán bộ chiến sĩ đảo Cô Lin chỉ trọn vẹn khi Nhân dân cả nước đón tết yên bình”.
Bên cột mốc chủ quyền
Lần đầu tiên xa quê hương Yên Thành, Nghệ An đón tất niên ở “chân trời Tổ quốc”, chiến sĩ trẻ Nguyễn Nhật Thuận chia sẻ nỗi nhớ đất liền luôn khắc khoải trong trái tim anh. Nhưng chính những phút giây ấy là một “bước ngoặt” thử thách bản lĩnh người lính trẻ. “Tết này, lần đầu tiên tôi đón tết xa bố mẹ, gia đình. Tôi rất nhớ nhà. Nhưng cũng rất tự hào vì cùng đồng đội canh gác, bảo vệ Tổ quốc để nhân dân đón tết. Ở đảo chìm còn nhiều vất vả gian lao, nhưng nếu không có những người như chúng tôi thì ai là người giữ đảo. Để Tổ quốc yên bình cho nhân dân đón tết, thì dù vất vả, thậm chí hi sinh đến tính mạng thì đó cũng là sứ mệnh, là kiêu hãnh” – Thuận nói.
Thêm một mùa xuân đón tết giữa biển trời Tổ quốc, Thượng úy Quân nhân chuyên nghiệp Trần Quang Nhật gắn bó với đảo Cô Lin cùng đồng đội đã 3 năm. Và đó cũng là quãng thời gian anh rèn luyện cho mình bản lĩnh gan dạ kiên cường của người lính biển. Tôi hỏi: Anh có nhớ nhà khi xuân về tết đến? Nhật nhìn tôi rồi nhì xa xăm về hướng đảo Gạc Ma- nơi mà 64 đồng đội của anh đã hi sinh anh dũng và vĩnh viễn nằm lại biển sâu. “Nỗi nhớ đất liền thì thấm vào đâu so với sự hi sinh thầm lặng của 64 liệt sĩ ở đảo Gạc Ma hơn 30 năm về trước. Các anh đã ngã xuống cho Trường Sa mãi trường tồn bất tử. Thế hệ chúng tôi phải có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng. Lời thề giữ đảo các anh để lại, cán bộ chiến sĩ Trường Sa nói chung và đảo Cô Lin nói riêng đã, đang và mãi thực hiện. Đó là sứ mệnh. Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam mãi mãi không thể tách rời”- Quang Nhật chia sẻ.
Mùa xuân hơn 30 năm trước, 64 cán bộ chiến sĩ Vùng 4 Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng hi sinh trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở đảo đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Sau hơn 30 năm, Cô Lin, Len Đao, Sinh Tồn vẫn sừng sững hiên ngang như một bằng chứng lịch sử. Các đảo chìm Cô Lin, Len Đao mãi là “dáng đứng Việt Nam”, là pháo đài thép canh biển bất khả xâm phạm mang hồn Tổ quốc giữa ngàn khơi. Trên pháo đài ấy là Thượng úy, Chính trị viên Ngô Văn Bun, là chiến sĩ Nguyễn Nhật Thuận, là Thượng úy Quân nhân chuyên nghiệp Trần Quang Nhật và những người lính Hải quân Việt Nam khác. Các anh đang thầm lặng hi sinh tuổi xanh của mình cho Tổ quốc vào xuân. Đó là sự hi sinh vì dân tộc, vì một Trường Sa trường tồn mãi mãi.
Nơi mùa xuân chưa bao giờ đến muộn
Với cán bộ chiến sĩ quần đảo Trường Sa nói chung và các đảo chìm Cô Lin, Len Đao, Đá Lớn, Đá Lát, Đá Tây… nói riêng, mùa xuân chưa bao giờ đến muộn, dẫu đây là hòn đảo xa nhất của Tổ quốc.
Trước Tết Nguyên đán hơn 1 tháng, Vùng 4 Hải quân tổ chức đóng gói hàng quân nhu của Bộ Quốc phòng và tiếp nhận hàng quà của nhân dân cả nước gửi tặng các chiến sĩ Trường Sa. Hàng quà tết được chuyển xuống tàu trước 3 ngày trước khi tàu rời bến. Trong hai chuyến tàu chở hàng quà xuân ra 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân, có hàng trăm phóng viên báo đài đi theo để đưa tin viết bài và nhiều cán bộ chiến sĩ ra đảo thay quân cho đồng đội khác vào bờ đón tết.
Tuần tra mùa xuân
Gần tết là thời điểm biển động sóng to gió lớn. Sau chặng đường vượt sóng gió gần 1 ngàn km, hai chuyến tàu hải quân ra đến Trường Sa. Đối với các đảo nổi như Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Nam Yết, Song Tử Tây, việc chuyển hàng quà tết vào đảo thuận lợi hơn. Tàu trực tiếp vào cầu cảng, bộ đội chuyển quà vào đảo sau khi bốc lên từ khoang tàu. Đối với các đảo chìm như Cô Lin, Len Đao, Đá Lát, Đá Lớn việc chuyển quà tết vào đảo khó khăn phức tạp. “Do các đảo chìm có triền san hô rộng nửa nổi nửa chìm, quà tết được chuyển xuống xuồng chuyển tải đem vào đảo. Có khi nước cạn, bộ đội phải lội xuống biển kéo xuồng vào hoặc vác quà tết trên vai. Nghe đến quà tết là sướng rồi, còn lội biển mà nhận được quà tết thì nhọc mấy bộ đội cũng làm được.”- Chính trị viên Ngô Văn Bun đảo Cô Lin cho hay.
Sau khi nhận được quà tết, cán bộ chiến sĩ đảo chìm tổ chức gói bánh chưng, bánh tét đón tết sớm. Giữa biển đảo bao la, giữa sóng nước Trường Sa bộn bề bốn phía; lính trẻ ngồi sát phóng viên, sĩ quan ngồi cạnh khách đến từ đất liền quây quần bên mâm cuối cùng năm cũ. Ly rượu mừng xuân cầu chúc cho nhau sức khỏe, hoàn thành nhiệm vụ canh biển, giữa trời.
Phút chia tay bịn rịn trên cầu cảng, nữ nhà báo ghi lại dòng nhật ký hẹn chiến sĩ trẻ ngày gặp lại ở đất liền. Chàng sĩ quan xin số điện thoại mong gặp lại “cô nhà báo” trong chuyến nghỉ phép giữa mùa xuân mới. Cái bắt tay siết chặt giữa những người đồng hương xứ Nghệ, Thanh Hóa, Lạng Sơn. Món cá kìm khô, chai mắm biển gửi tặng đất liền khi giờ chia tay đã đến. Đọng lại trong tim của chiến sĩ đảo chìm là những món xuân của Nhân dân gửi tặng. Nhớ mãi trong trong lòng những phóng viên báo chí là dũng khí kiên cường của những người lính đảo. Chính trị viên Ngô Văn Bun chia sẻ với chúng tôi Đảo chìm Trường Sa, nơi mùa xuân chưa bao giờ đến muộn.
Hướng về Trường Sa
Khi bài báo này đến tay độc giả thì cũng là lúc Trường Sa vào tết đón xuân. Ở giữa ngàn khơi bao la ấy, những người lính “áo vằn cánh sóng” vẫn kiên cường bám đảo và thầm lặng cống hiến tuổi thanh xuân cho bình yên Tổ quốc. Trong những phút giây lặng lẽ đứng gác trên hầm hào công sự, các anh lại dõi mắt về hướng đất liền tìm bóng dáng những con tàu.
Xin hãy dành những phút giây mùa xuân hướng về cán bộ chiến sĩ nơi đảo chìm Trường Sa. Bởi, để đất liền có những ngày tháng yên bình, vui tết đón quân, những chiến sĩ đảo chìm đang âm thầm canh biển để mời những con tàu “không mời mà đến” ra khỏi lãnh hải của Tổ quốc. Bởi niềm vui của các anh chỉ trọn vẹn khi Nhân dân cả nước vui xuân đón tết trong hạnh phúc, yên bình.
Ý kiến ()