Tết nhân lên sức mạnh, niềm tin
Những ngày này, người dân Việt Nam ai cũng tất bật, chuẩn bị đón Tết truyền thống. Những người đi làm ăn hoặc đi đâu xa cũng chỉ muốn nhanh thu xếp công việc để về nhà. Tết đối với người Việt bao đời nay vẫn luôn là sự kiện thiêng liêng.
Với cộng đồng kiều bào, dù sống khắp mọi phương trời, nhưng cứ đến dịp này lại khát khao trở về cho thỏa nỗi nhớ quê, nhớ Tết. Thật xúc động khi chứng kiến cảnh hàng nghìn kiều bào về nước ăn Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 chiều 13-1 mới đây, khiến khu vực nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) chật cứng người, cùng những nụ cười và nước mắt đoàn tụ…
TP Hồ Chí Minh hiện là địa phương thu hút đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư, làm việc. Theo số liệu thống kê, thành phố có khoảng 200 doanh nhân, chuyên gia, trí thức kiều bào; hơn 2.500 doanh nghiệp của kiều bào đang thực hiện 122 dự án. Đây cũng là nơi thu hút phần lớn dòng kiều hối trong những năm qua, chiếm gần 50% so với cả nước. Tổng số kiều hối năm 2016 chuyển về Việt Nam qua hệ thống các ngân hàng trên địa bàn đạt gần 6 tỷ USD. Đáng chú ý, nếu những năm trước, lượng kiều hối về TP Hồ Chí Minh thường chiếm khoảng 45 đến 47% tổng số kiều hối của cả nước, thì năm 2016 vừa qua, con số này đã tăng lên mức 57%.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, 72% kiều hối chuyển về nước là để tài trợ vốn sản xuất, kinh doanh, 21,8% đưa vào bất động sản, còn lại dành cho tiêu dùng. Thực tế thời gian qua cho thấy, một bộ phận kiều bào muốn về sinh sống và làm việc tại nước nhà; một bộ phận về tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác; còn một bộ phận khác không kém phần quan trọng là những người có uy tín đứng ra làm cầu nối để thu hút đầu tư về Việt Nam. Tại nhiều diễn đàn, kiều bào bày tỏ mong muốn mang về nước không chỉ là tiền bạc mà còn là ý tưởng đầu tư, công nghệ, tri thức. Cần chuyển từ tư duy thu hút kiều hối thành tư duy lắng nghe, trọng dụng, kết nối sức mạnh kiều bào. Bà con mong được các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý trong nước phối hợp đội ngũ kiều bào ở nước ngoài xây dựng các đầu cầu kết nối ở khắp nơi trên thế giới, mang nguồn lực tài chính, tri thức và công nghệ về với Việt Nam. Và nếu có những đầu cầu như vậy thì không chỉ người Việt ở nước ngoài trở về, mà cả những bạn bè quốc tế sẽ hiểu, yêu mến và mong muốn được đến đầu tư, làm việc, sinh sống tại đất nước Việt Nam.
Những năm qua, cùng với chính sách cởi mở của Đảng và Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, chúng ta bắt đầu có những chính sách và hoạt động cụ thể nhằm tập hợp và thu hút trí thức Việt kiều tham gia xây dựng đất nước. Nhiều hoạt động như chương trình gặp gỡ kiều bào đầu Xuân mới; mời các đoàn kiều bào tiêu biểu về thăm đất nước trong các dịp lễ lớn; tổ chức trại hè cho thanh thiếu niên Việt kiều; mời kiều bào tham gia góp ý vào dự thảo Hiến pháp; xây dựng các văn kiện đại hội Đảng; tham gia các diễn đàn chính sách; tổ chức cho kiều bào ra thăm Trường Sa… Đáng chú ý, chính sách miễn thị thực đã đáp ứng nguyện vọng của đông đảo bà con kiều bào, được dư luận hết sức hoan nghênh, góp phần làm sâu sắc thêm tình cảm của kiều bào với quê hương, đất nước. Tuy nhiên, một số chủ trương, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài chưa được thực hiện tốt, ảnh hưởng tâm lý khiến đồng bào còn băn khoăn… Hiện nay, Đảng và Nhà nước đang tiếp tục chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, luật pháp đáp ứng những quyền lợi thiết thân của kiều bào; tạo mọi điều kiện thuận lợi để kiều bào duy trì quan hệ với quê hương đất nước; khuyến khích hợp tác khoa học – công nghệ, đầu tư, kinh doanh. Cụ thể như bổ sung, hoàn thiện các chính sách, quy định về việc mở rộng diện kiều bào được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam; tạo thuận lợi hơn nữa trong việc nhập cảnh, xuất cảnh, đăng ký công dân, đăng ký thường trú cho người hồi hương và vấn đề quốc tịch; đẩy mạnh triển khai việc giảng dạy tiếng Việt cho kiều bào thế hệ thứ 2, thứ 3… Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Quốc tịch (sửa đổi), tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào có quốc tịch nước ngoài được giữ quốc tịch Việt Nam…
Ông Trương Đình Thanh, kiều bào đã có gần 40 năm sinh sống ở Nhật đã trở về Việt Nam từ năm 2008, làm việc tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Với ông, Tết ở Việt Nam mới là “Tết thật”, bởi ở nước ngoài, tìm những đồ ăn, nguyên liệu làm món ăn ngày Tết của người Việt không khó, nhưng không sao tìm được không khí ấm cúng như ở quê nhà. Còn ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương chia sẻ, thế hệ ông là đại diện cho thế hệ thứ nhất người Việt xa quê hương, vẫn còn giữ được các mối quan hệ mật thiết với gia đình, quê hương. Nhưng các thế hệ con cháu được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài thì mối quan hệ ấy không còn được gắn bó như cha mẹ. Vì vậy, rất cần Nhà nước tạo điều kiện cho con cháu được hòa nhập với quê hương… Chúng ta đã tổ chức những hoạt động tăng sự gắn bó với quê hương, như các trại hè thanh niên kiều bào tại Việt Nam. Song rất cần nhiều hoạt động hơn nữa để các bạn trẻ hiểu hơn về quê hương, nguồn cội, truyền thống văn hóa Việt Nam, trong đó có phong tục đón Tết Nguyên đán.
Tết của những người con phương xa trở về không chỉ là niềm vui đoàn tụ trong khoảnh khắc giao thừa lúc sang Xuân. Mỗi cái Tết của con Lạc, cháu Hồng, từ trong tâm khảm mỗi con dân đất Việt, phải là Tết tự hào về truyền thống Việt, từ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để chung tay vượt qua mọi khoảng cách, rào cản, cùng nhau nghĩ và làm nhiều hơn cho một đất nước Việt Nam phát triển, hội nhập.
Theo Nhandan
Ý kiến ()