Tết Độc lập trong ký ức của những Anh hùng
– Những người lính cụ Hồ đã một thời vào sinh ra tử, chiến đấu giành độc lập tự do cho dân tộc – họ không thể nào quên một thời hoa lửa, gian lao mà anh dũng đó. Những hy sinh của đồng đội, mất mát đau thương cả một phần cơ thể của bản thân đã trở thành những ký ức không thể phai mờ theo tháng năm. Những ký ức đó như những thước phim quay chậm, để mỗi lần những người lính cụ Hồ ngồi nhớ lại mắt họ vẫn rưng rưng…
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của Nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo. Và trong mùa Thu lịch sử ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), cả dân tộc Việt Nam đã lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa lịch sử dân tộc Việt Nam bước sang trang mới, bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Thời khắc lịch sử đó đã trở thành ký ức không thể nào quên của Nhân dân cả nước, trong đó có Nhân dân Lạng Sơn.
Anh hùng LLVTND Trần Quang Thắng (ngoài cùng) và đại biểu người có công của tỉnh tham quan những kỷ vật trưng bày tại Toà nhà Quốc hội Việt Nam (Hà Nội, tháng 6/2022)
Trong không khí hào hùng của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm nay, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND) Trần Quang Thắng (phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn). Trước đó tôi đã được đồng hành với ông trong chuyến về thăm chiến trường xưa vào tháng 6/2022 vừa qua. Chính vì vậy mà gặp cô nhà báo “người quen” đã giúp cho câu chuyện với người Anh hùng từng bắn rơi 7 máy bay địch trở nên cởi mở, thân tình hơn. Vừa chỉ cho chúng tôi xem những kỷ vật chiến trường, Anh hùng LLVTND Trần Quang Thắng vừa kể cho chúng tôi nghe về những ký ức hào hùng của ông.
Ông sinh năm 1953 tại thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định. Năm 1971, chàng thanh niên đầy nhiệt huyết khi đó tròn 18 tuổi đã tình nguyện lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội 4 tiểu đoàn 172, Trung đoàn 64, Sư đoàn Phòng không 361 thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, ông được cử đi huấn luyện sử dụng tên lửa A72 tiêu diệt mục tiêu máy bay tầm thấp do chuyên gia Liên Xô đào tạo. Trong thời gian chỉ có 3 tháng, chiến sĩ Trần Quang Thắng đã nỗ lực học tập, lĩnh hội kỹ thuật và đạt thành tích chiến sĩ xuất sắc. Sau khi được đào tạo, chiến sĩ Trần Quang Thắng cùng đơn vị nhận nhiệm vụ mới hành quân vượt dãy Trường Sơn vào mặt trận các tỉnh: Bến Tre, Tây Ninh, Đồng Tháp và biên giới Tây Nam… đảm nhiệm vai trò là xạ thủ bắn tên lửa A72, mục tiêu là bám sát trận địa địch, bắn máy bay chỉ huy, máy bay trinh sát và máy bay chiến đấu tầm thấp hỗ trợ cho các đơn vị bộ binh của ta. Trong thời gian từ tháng 4/1972 đến 30/4/1975, chiến sĩ Trần Quang Thắng đã tham gia 9 trận đánh, bắn 9 quả tên lửa A72, hạ 7 máy bay địch, 7 lần được phong Dũng sĩ diệt máy bay, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Sau giải phóng ông tại ngũ đến năm 1984 với cấp bậc Thượng úy, sau đó chuyển ngành về Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh, đến năm 1990 nghỉ chế độ và năm 2015 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Kể về ký ức những cái tết Độc lập, Anh hùng LLVTND Trần Quang Thắng xúc động: Tôi sinh ra khi Cách mạng Tháng Tám đã thành công, chính quyền đã về tay Nhân dân, nhưng bối cảnh ngày ấy vẫn rất gian khó bởi sự xâm lược của các đế quốc lớn. Chính vì vậy, khi lớn lên, thấm nhuần lý tưởng cách mạng và tiếp bước truyền thống cha anh đi trước tôi đã xung phong nhập ngũ để góp sức mình bảo vệ nền độc lập, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đơn vị chúng tôi nhiều đồng đội đã hy sinh, may mắn tôi được trở về nhưng mỗi dịp 27/7 hay kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9, hay đơn giản nhìn thấy những kỷ vật thời chiến lại khiến tôi nhớ về đồng đội, nhớ những năm tháng chiến đấu oanh liệt, rồi nhớ những cái Tết Độc lập ở chiến trường…
Còn đối với Đại tá Nông Văn Phiao, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn được phong tặng Anh hùng LLVTND trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, ông là một trong số ít chiến sĩ sống sót sau cuộc chiến sống còn tại pháo đài Đồng Đăng (huyện Cao Lộc) khi quân bành trướng Trung Quốc bất ngờ tấn công vị trí chiến lược này.
Anh hùng LLVTND Nông Văn Phiao sinh năm 1957, dân tộc Nùng, quê ở xã Quốc Việt, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là binh nhất, chiến sĩ Đại đội 5, Công an Nhân dân vũ trang tỉnh Lạng Sơn.
Anh hùng LLVTND Nông Văn Phiao chậm rãi kể chuyện cho chúng tôi nghe về cuộc chiến ngày 17/2/1979 ấy. Pháo đài Đồng Đăng nằm trên trục đường chính, bao quát bốn phía thị trấn Đồng Đăng và chỉ cách cửa khẩu 2km đường chim bay. Muốn tiến vào thị xã Lạng Sơn, quân bành trướng Trung Quốc phải chiếm lĩnh được pháo đài này.
“Sáng 17/2/1979, quân xâm lược có pháo và xe tăng yểm trợ ồ ạt tấn công khu vực Đồng Đăng. Tôi đã cùng đồng đội chiến đấu diệt hàng trăm tên địch, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của chúng. Được giữ súng trung liên, cùng tổ chiến đấu ở hướng chính diện, bảo vệ pháo đài Đồng Đăng, tôi đã cơ động linh hoạt, diệt nhiều tên địch, bẻ gãy hàng chục đợt tấn công của chúng. Cuộc chiến đấu ác liệt kéo dài, giữa vòng vây của địch, đơn vị bị thiếu nước nghiêm trọng. Ban đêm, tôi xung phong một mình len lỏi qua vòng vây của địch, lấy nước suối về phục vụ đồng đội. Tôi thường xuyên có mặt ở chiến hào, cảnh giác theo dõi, kịp thời chặn đánh địch, góp phần tích cực tiêu diệt nhiều tên địch bảo vệ pháo đài” – Anh hùng LLVTND Nông Văn Phiao kể.
Sau một tuần chiến đấu, địch tăng quân, tập trung hỏa lực đánh chiếm pháo đài. Chúng dùng bộc phá đánh sập tầng trên, dùng lựu đạn cay, chất độc hóa học, xăng trút xuống tầng dưới, nơi đơn vị đang cố thủ. Đói và khát, nóng, ngạt thở, binh nhất Nông Văn Phiao đã cùng đồng đội kiên trì bới đất tìm lối ra. Sau 3 ngày đêm, các đồng chí đã đưa thương binh cùng thoát ra khỏi pháo đài, tìm đường về đơn vị, tiếp tục chiến đấu. Trong một tuần liên tục chiến đấu, riêng binh nhất Nông Văn Phiao đã diệt 70 tên địch, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất và Huy chương “Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc”. Ngày 19/12/1979, Nông Văn Phiao được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
“Được sống trong thời bình, hưởng những cái Tết Độc lập như ngày hôm nay là sự hy sinh xương máu của lớp lớp cha anh, những chiến sĩ cộng sản kiên trung, của biết bao đồng đội. Chính vì vậy, tôi luôn dạy con cháu phải luôn trân trọng nền độc lập này và không ngừng cống hiến vì sự phát triển, ngày càng đi lên của đất nước, sự giàu mạnh của quê hương Xứ Lạng” – Anh hùng LLVTND Nông Văn Phiao xúc động chia sẻ.
Cũng một thời tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, Anh hùng LLVTND Hoàng Văn Liên, sinh năm 1959, quê gốc xã Thiện Long, huyện Bình Gia được người dân thị trấn Bình Gia gọi trìu mến là “Người Anh hùng xóm núi”. Khi chúng tôi liên lạc với Anh hùng LLVTND Hoàng Văn Liên để ngỏ ý muốn nghe những câu chuyện thời chiến của ông thì ông cười hiền: “Giờ hoà bình độc lập rồi, chiến tranh cũng lùi xa, tôi may mắn hơn nhiều đồng đội còn sống đến ngày hôm nay, nên điều mong mỏi nhất là cuộc sống bình an, hạnh phúc, đoàn viên của gia đình tôi và nhiều gia đình trên khắp đất nước mình”.
Anh hùng LLVTND Hoàng Văn Liên sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông thôn có 5 anh chị em, ông là con trai út trong nhà. Ngày ông còn bé thì lần lượt anh cả rồi anh thứ hai nhập ngũ, ông ở nhà cùng các chị chăm sóc bố mẹ. Khi các anh trai lần lượt phục viên, trở về quê hương, lúc ấy Hoàng Văn Liên 18-19 tuổi thì mới “đến lượt” ông nhập ngũ. Năm 1978, Hoàng Văn Liên xung phong nhập ngũ và tham gia chiến đấu trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979. Với thành tích diệt 34 tên địch, bắn cháy một ô tô chở vũ khí , chiến sĩ Hoàng Văn Liên được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vào tháng 8/1980.
Anh hùng LLVTND Hoàng Văn Liên cho biết: Hiện nay, đất nước đã hòa bình, ngày càng phát triển, Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo các chính sách cho người có công rất tốt, chúng tôi thường xuyên được lãnh đạo các cấp, các tổ chức đoàn thể đến thăm hỏi, tặng quà, động viên nên rất phấn khởi. Hòa Bình, phát triển là hạnh phúc nhất rồi, cũng không còn mong gì hơn thế.
Trong thời bình, câu chuyện về những ký ức của các Anh hùng LLVTND, những người có công với cách mạng luôn là động lực, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ và các tầng lớp Nhân dân. Đó là ngọn lửa truyền cảm hứng để khơi dậy khát vọng xây dựng quê hương, đất nước ngày một mạnh, giàu.
Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã tiễn đưa hơn 120.000 thanh niên ra chiến trường. Trong đó, có trên 5.600 người con đã anh hũng hy sinh, trên 2.600 người bị thương tật, trên 800 người bị nhiễm chất độc hóa học, trên 150 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 10 đồng chí được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân; trên 23.000 người được Nhà nước xác nhận hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và hàng nghìn người đang phải mang trên mình thương tật hoặc di chứng chiến tranh. |
THANH HUYỀN
Ý kiến ()