Tết cho người nghèo: Không chỉ đơn thuần là vật chất
Nhiều năm gần đây, cứ mỗi độ Tết đến, xuân về phong trào chăm lo Tết cho người nghèo, người có công với cách mạng diễn ra rất sôi nổi trên cả nước, trở thành hành động mang đậm giá trị nhân văn trong đời sống cộng đồng người Việt.
Đây cũng chính là một trong những cách làm nhằm thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhất là vào dịp năm hết, Tết đến.
Cần phải thừa nhận rằng: Thực hiện phong trào chăm lo Tết cho người nghèo đã mang lại hiệu quả rất thiết thực, không chỉ hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất, mà nhiều tổ chức, đơn vị, địa phương còn có những cách làm rất sáng tạo, mang giá trị nhân văn sâu sắc. Đây là cơ hội để cả xã hội thể hiện tinh thần đoàn kết, chia sẻ và sẻ chia với những người kém may mắn trong xã hội. Thực tiễn cho thấy, việc thăm hỏi, tặng quà người nghèo trong dịp Tết không chỉ đem lại niềm vui, sự ấm áp mà còn thể hiện sự quan tâm, tình thương từ cộng đồng xã hội đối với họ. Điều này giúp tạo dựng một môi trường xã hội tốt đẹp, lan tỏa giá trị yêu thương. Và đó cũng chính là cách để giúp người nghèo tin tưởng vào cuộc sống, khích lệ họ vượt qua khó khăn, phấn đấu hơn trong tương lai. Sự quan tâm, chăm sóc đúng nghĩa giúp họ cảm thấy không cô đơn và bị bỏ rơi. Sâu xa hơn, việc chăm lo Tết cho người nghèo là cách thể hiện lòng hiếu nghĩa, phát huy và giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”.
Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, việc nâng cao giá trị văn hóa từ việc chăm lo Tết cho người nghèo đóng vai trò quan trọng để duy trì và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Được coi là ngày lễ lớn nhất của Việt Nam, Tết Nguyên đán không chỉ mang đến không khí vui tươi, mà còn là dịp thể hiện lòng biết ơn, tôn trọng gia đình, đồng bào và cộng đồng dân tộc.
Chăm lo Tết cho người nghèo mang lại giá trị và ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc. Nhìn vào thực tế, quả thật thành công của việc thực hiện chủ trương này thời gian qua đạt được rất lớn và với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Tuy nhiên, việc chăm lo Tết cho người nghèo vẫn còn những điều rất đáng bàn. Đâu đó vẫn có chuyện mượn việc làm này để đánh bóng tên tuổi, trục lợi cá nhân. Thậm chí, có không ít trường hợp hàng hóa để hỗ trợ người nghèo, dành tặng người nghèo trong dịp Tết chất lượng không cao, hết hạn sử dụng.
Kinh tế đất nước ngày càng phát triển, vì thế đời sống của đại bộ phận nhân dân ngày càng được nâng cao. Không ít địa phương hiện nay không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới cũng chỉ là con số rất nhỏ. Nói vậy, không phải là không còn người trong xã hội cần hỗ trợ, giúp đỡ. Do đó, việc nâng cao giá trị văn hóa trong chăm lo Tết cho người nghèo không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là phương cách để bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chính vì vậy, thúc đẩy sự hiếu khách, lòng biết ơn và tôn trọng con người thông qua việc chăm lo Tết cho người nghèo là cần thiết và vô cùng ý nghĩa trong đời sống xã hội. Suy đến cùng đó chính là biểu hiện cao nhất bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội ở nước ta, một chế độ luôn đặt con người vào vị trí trung tâm; mọi chủ trương, giải pháp đều vì con người; phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Giá trị và ý nghĩa nhân văn của việc chăm lo Tết cho người nghèo là rất lớn. Thực tế, các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức, cá nhân đã có nhiều cách làm sáng tạo và mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, để việc làm nhân nghĩa này thực sự có giá trị rất cần được tổ chức một cách bài bản, khoa học và chặt chẽ; triệt để khắc phục tình trạng tự phát, làm theo kiểu phong trào vừa gây lãng phí nguồn lực, vừa vô tình tạo ra sự bất công.
Nâng cao chất lượng hiệu quả việc chăm lo Tết cho người nghèo một cách toàn diện và bền vững, chính là góp phần tăng cường tình đoàn kết và phát triển cộng đồng. Tết Nguyên đán Ất Tỵ-2025 đang đến rất gần, hy vọng sẽ có nhiều những việc làm, hành động ý nghĩa để mỗi người dân Việt Nam khởi nguồn một năm mới ngập tràn yêu thương, vững bước đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới.
Ý kiến ()