Tên lửa của Nga, Trung Quốc có thể khiến tàu sân bay Mỹ "hết thời"
Khả năng một loại tên lửa hoặc virus máy tính có thể phá hủy, vô hiệu hóa vũ khí hiện đại khiến các nhà hoạch định chính sách của Mỹ phải đau đầu để tìm ra các năng lực mới, duy trì ưu thế quân sự.
Các vũ khí không quá đắt đỏ của Nga và Trung Quốc, như chiến tranh mạng và tên lửa chống hạm , đang đe dọa sự phụ thuộc của phương Tây vào các phương tiện tấn công đắt đỏ như tàu sân bay.
Một báo cáo gần đây của Viện nghiên cứu Hoàng gia Anh về Quốc phòng và An ninh (RUSI) nhận định: “Trung Quốc và Nga dường như tập trung nhiều (không phải tất cả) các nỗ lực của họ vào việc có thể đặt ra mối đe dọa cho những khí tài chủ chốt của phương Tây, vốn là những thứ lớn, số lượng ít và đắt đỏ.”
Báo cáo này của RUSI là nhằm phản ứng lại Chiến lược Bù đắp Thứ 3 của Mỹ – chiến lược giúp Mỹ tìm kiếm các cách thức duy trì ưu thế quân sự của nước này, giữa lúc chiến tranh bất đối xứng gia tăng.
Khả năng một tên lửa hoặc một loại virus máy tính có thể phá hủy hoặc vô hiệu hóa các vũ khí thời Chiến tranh Lạnh như tàu sân bay, xe tăng hoặc vệ tinh và mạng máy tính hỗ trợ chúng đã khiến các nhà hoạch định chính sách của Mỹ phải đau đầu để nghĩ ra những năng lực mới, vừa phải tăng năng lực phòng thủ cho các vũ khí cũ.
Tuy nhiên, điều khiến cho báo cáo trên của RUSI đặc biệt thú vị chính là quốc gia tạo ra nó.
Với ngân sách quốc phòng chỉ bằng 1/12 của Mỹ, Anh không thể lãng phí tiền bạc vào nhiều dự án như đồng minh phía bên kia Đại Tây Dương.
Vì thế, do tính cấp thiết, nghiên cứu của Anh đã đưa ra một cái nhìn đặc biệt rõ ràng về tình huống này.
Ví dụ, RUSI chỉ ra rằng tình hình hiện nay không gây ngạc nhiên. Mỹ đã trang bị máy bay tàng hình và tên lửa hành trình cách đây hơn 25 năm.
Phương Tây không thể trông mong vào sự vượt trội về công nghệ. Lực lượng vũ trang của Anh và Mỹ được định hình để chiến đấu ở nước ngoài, trong các lực lượng viễn chinh hoặc lực lượng hỗ trợ hoặc liên minh.
Ngược lại Nga và Trung Quốc đã lựa chọn tập trung vào chiến đấu gần biên giới, như Đông Âu hoặc Biển Đông.
RUSI nhấn mạnh: “Do đó, mặc dù Mỹ tiêu tốn nhiều hơn so với các đối thủ tiềm năng về phát triển công nghệ quốc phòng, song công nghệ tốt hơn không nhất thiết chuyển thành ưu thế quân sự tương xứng trong một chiến trường cụ thể.”
Nghiên cứu của RUSI chỉ ra rằng, Anh và dĩ nhiên là cả Mỹ, đã áp dụng cách tiếp cận 4 hướng được gọi là Duy trì, Nghiên cứu, Biến đổi và Tiêu hủy.
Trong đó, 3 hướng đầu tiên đề cập tới duy trì năng lực của các vũ khí hiện tại, nâng cấp vũ khí hiện tại để đối phó các mối đe dọa trong tương lai và phát triển các công nghệ hoàn toàn mới.
Tuy nhiên, lựa chọn cuối cùng, mà RUSI gọi là Tiêu hủy mang tính cực đoan nhất. Về cơ bản, nó có nghĩa là loại bỏ những vũ khí không còn hiệu quả trong chiến đấu, không thể hoặc quá đắt đỏ để nâng cấp.
Báo cáo của RUSI thận trọng tránh nêu cụ thể các vũ khí có thể cần bị loại bỏ.
Tuy nhiên báo cáo kết luận rằng, các vũ khí của Nga và Trung Quốc hiện đe dọa sự phụ thuộc của phương Tây vào một số lượng nhỏ các nền tảng phức tạp và không thể thay thế được và các tàu sân bay được Hải quân Mỹ yêu thích dường như nằm trên đầu danh sách này./.
Ý kiến ()