Temu và những điều cần biết
Có một ứng dụng liên tục được người dùng tải xuống với số lượng lớn trong mấy tuần gần đây mà không phải là Tiktok, Youtube hay Instagram. Đó là ứng dụng mua sắm Temu. Câu hỏi đặt ra là Temu là gì và tại sao nó lại tạo nên một cơn cuồng mua sắm trong các cộng đồng trên toàn thế giới?
Temu hoạt động như thế nào và ai là chủ sở hữu?
Temu là nền tảng thương mại điện tử đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng kể từ khi ra mắt vào tháng 9-2022, hoạt động giống như Amazon hay các nhà bán lẻ trực tuyến lớn khác.
Temu được chính thức thành lập tại bang Delaware, có trụ sở chính tại Boston, Mỹ nhưng công ty mẹ là Tập đoàn thương mại toàn cầu PDD Holdings của tỷ phú người Trung Quốc Colin Huang, 44 tuổi, có trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc. PDD Holdings cũng vận hành một nền tảng thương mại điện tử khác tại Trung Quốc có tên Pinduoduo. Năm 2023, PDD Holdings đã chuyển trụ sở chính đến Dublin, Ireland.
Cuối năm ngoái, vốn hóa thị trường của PDD Holding đã vượt qua gã khổng lồ Trung Quốc Alibaba và trở thành công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ có giá trị nhất.
Theo Forbes, Temu bán nhiều loại sản phẩm trực tiếp từ các nhà cung cấp Trung Quốc với giá cực thấp, thậm chí còn giảm giá tới 99% thông qua các chương trình khuyến mại chớp nhoáng. Mô hình của Temu dựa vào việc duy trì chi phí ở mức thấp nhất bằng cách kết nối người tiêu dùng trực tiếp với nhà cung cấp và chỉ xử lý công đoạn vận chuyển tới khách hàng.
Trên thực tế, gã khổng lồ thương mại điện tử Pinduoduo, người chị em với Temu, đã cung cấp các giao dịch tương tự tại Trung Quốc trong vài năm qua. Pinduoduo đã thành công tại Trung Quốc khi bán các sản phẩm giảm giá mạnh, trực tiếp từ nhà sản xuất cho người mua thu nhập thấp, cũng như các sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.
Độ “phủ sóng” của Temu rộng đến đâu?
Thị trường đầu tiên Temu “khuynh đảo” là Mỹ. Theo TIME, chỉ 2 tháng sau khi ra mắt hồi tháng 9-2022, Temu đã vượt Tiktok, Youtube, Instagram về lượt tải về trên App Store và Google Play. Theo trang Marketplace Pulse, ứng dụng Tamu luôn giữ vị trí hàng đầu mỗi ngày trong gần 2 năm tại Mỹ. Hiện tại, ứng dụng này đứng số 1 tại hầu hết trong số các quốc gia mà ứng dụng này hoạt động.
Temu có mặt tại nhiều quốc gia châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ, thậm chí cả châu Phi và Mỹ Latinh. Từ tháng 8-2023, Temu đã có mặt tại Philippines, bắt đầu hành trình vươn tới Đông Nam Á. Hiện Temu đã hiện diện tại Malaysia (9-2023), Thái Lan (7-2024), Brunei và Việt Nam (tháng 10-2024).
Theo trang Statista, tính đến ngày 9-10-2024, thị phần tải về của ứng dụng mua sắm Temu cao nhất là 31% tại Mỹ, tiếp đó là Brazil với 29%, Mexico 10%, Anh 5%, Pháp và Đức 4%, Philippines 3%.
Còn theo dữ liệu của trang SimilarWeb, Temu.com có gần 700 triệu lượt truy cập hằng tháng. Temu hoạt động tại 79 quốc gia. Doanh số của Temu chủ yếu từ ứng dụng, không phải trên trang web. Temu đặt mục tiêu doanh số 60 tỷ USD trong năm 2024, tham vọng trở thành công ty chỉ đứng sau Amazon ở Mỹ và số 1 ở châu Âu.
Tại sao Temu bị cấm tại Indonesia?
Temu bị cấm tại Indonesia vì chính quyền “xứ sở vạn đảo” cho biết việc cho phép Temu hoạt động sẽ khiến hàng hóa giá rẻ tràn vào nước này và bóp nghẹt các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Tin học của Indonesia Budi Arie Setiadi, Indonesia sẽ duy trì lệnh cấm đối với Temu vì lo ngại nền tảng thương mại điện tử này có thể gây gián đoạn cho hoạt động của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của nước này. Một quan chức thuộc Bộ Thương mại Indonesia nhấn mạnh, mô hình kinh doanh bán sản phẩm trực tiếp từ nhà máy đến người tiêu dùng của Tamu đi ngược lại quy định thương mại của Indonesia yêu cầu phải có bên trung gian hoặc nhà phân phối.
Tại thị trường châu Âu, Temu cũng có thể phải đối mặt với các quy định kiểm duyệt nội dung nghiêm ngặt của Liên minh châu Âu (EU) cũng như đặt dưới sự giám sát của Ủy ban châu Âu khi có tới 75 triệu người châu Âu truy cập trang web này mỗi tháng. EU đang thẩm vấn Temu về cách tiếp cận đối với rủi ro bảo vệ người tiêu dùng, rủi ro sức khỏe cộng đồng và rủi ro đối với sức khỏe của người dùng để đảm bảo Tamu thực hiện theo đúng Đạo luật dịch vụ số.
Mặc dù có thị phần tải về cao nhất tại Mỹ, nhưng Temu cũng đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ ở “xứ sở cờ hoa”. Hồi tháng 9, chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết sẽ có động thái hạn chế miễn thuế cho các lô hàng giá trị thấp dưới ngưỡng 800 USD vào Mỹ.
TIME dẫn lời chuyên gia về bảo mật và quyền riêng tư Schmidt tại Vanderbilt cho biết nếu ngày càng nhiều người tiêu dùng Mỹ đổ xô mua hàng hóa giá rẻ từ Temu, điều đó có thể gây áp lực buộc Amazon (hiện đang giữ vị thế gần như độc quyền trong thương mại điện tử tại Mỹ) và các đối thủ cạnh tranh khác phải giảm giá, và sẽ ảnh hưởng đến tiền lương. Ông cũng cho biết thêm, các nhà sản xuất hàng hóa sẽ phải cắt giảm thêm chi phí và cơ cấu lợi nhuận của họ, hậu quả sẽ làm xói mòn hoạt động sản xuất trong nước.
Trao đổi bên lề Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu phải nộp thuế như Google, Facebook... và yêu cầu Tổng cục Thuế rà soát việc Temu đăng ký kê khai, nộp thuế. Trường hợp Temu không nộp thuế, cơ quan quản lý sẽ thanh tra, xử lý. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử. Cụ thể là tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới; tham mưu nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn thương mại điện tử chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam... |
Ý kiến ()