Techfest Mekong: Khai mở những tiềm năng vùng đất Chín rồng
Techfest Mekong 2022 lan tỏa khát vọng vươn lên của một vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và đặc biệt là nguồn nhân lực – những chủ thể sáng tạo, ý chí, biến tiềm lực thành nguồn lực để phát triển thông qua hoạt động khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo.
Ngày 19/10, với chủ đề “Khát vọng vùng đất Chín Rồng”, Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Techfest Mekong 2022) do UBND TP. Cần Thơ và Bộ KH&CN phối hợp tổ chức, đã khai mạc tại TP. Cần Thơ.
Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, đây là sự kiện ý nghĩa tạo môi trường liên kết, hợp tác và phát triển kết nối các nguồn lực hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của TP. Cần Thơ, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với các tỉnh thành khác của cả nước và quốc tế.
Các cá nhân, nhóm và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, học sinh, sinh viên tiếp cận ý tưởng, tri thức mới có cơ hội gặp gỡ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ với các chuyên gia, nhà đầu tư, quỹ đầu tư có tiềm năng hợp tác trong tương lai.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, Techfest Mekong 2022 góp phần tạo động lực và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân cho mọi tầng lớp nhân dân; tạo lập văn hóa khởi nghiệp và khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa.
Đồng thời đẩy mạnh liên kết Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở, kết nối các chủ thể; liên kết và phát triển Mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo các tỉnh khu vực ĐBSCL, thúc đẩy ứng dụng giải pháp công nghệ trong sản xuất và kinh doanh, thực hiện thành công mục tiêu của Đề án 844 “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” và chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Trong đó, Cần Thơ sẽ trở thành một trong những địa phương đóng vai trò hạt nhân cùng với các địa phương khu vực ĐBSCL phát triển các lĩnh vực thế mạnh theo hướng mở để thu hút các nguồn lực bên trong và bên ngoài, triển khai các hoạt động để kết nối các mạng lưới và cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hoạt động đổi mới sáng tạo.
Đây cũng là những điểm quan trọng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được nhắc tới trong Chiến lược Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 569/QĐ-TTg vừa qua.
Hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo là hết sức cốt yếu
Gửi thông điệp đến Techfest Mekong 2022, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng, nền tảng nguồn lực con người, đặc biệt là các chuyên gia, cố vấn, huấn luyện viên, giảng viên chuyên nghiệp về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là nền tảng chính của mọi hệ sinh thái. Để tạo lập ra những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cần phải bắt đầu nuôi dưỡng từ những ý tưởng, mô hình nhỏ nhất.
“Do đó, việc đẩy mạnh hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa khởi nghiệp và tinh thần doanh nhân, phát triển thế hệ trẻ có khả năng thích ứng, tương tác và chủ động trong bối cảnh toàn cầu là điều hết sức cốt yếu”, Thứ trưởng Trần Văn Túng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần phát triển và huy động các nguồn lực hỗ trợ, tài trợ, đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cả từ khu vực công và khu vực tư nhân. Những sáng kiến mới cần phải được sự quan tâm, hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý, thậm chí tham gia đặt hàng, thu hút, thử nghiệm các giải pháp mới từ phía cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, hiện Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) đang phối hợp chặt chẽ với Sở KH&CN TP. Cần Thơ xây dựng Đề án Trung tâm đổi mới sáng tạo Cần Thơ theo mô hình mở, gắn kết chặt chẽ với khu vực doanh nghiệp và khu vực trường đại học, viện nghiên cứu, với định hướng trở thành hạt nhân kết nối trong khu vực ĐBSCL với quốc gia và quốc tế.
Nơi đây cần trở thành nơi khuyến khích, hỗ trợ, ươm tạo, đầu tư cho các giải pháp đổi mới sáng tạo phục vụ cho chính các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp nhỏ và vừa; cả cho khu vực công, giải quyết những bài toán kinh tế, xã hội đặc thù của không chỉ trong khu vực ĐBSCL mà còn trong khắp cả nước.
Ngoài ra, các địa phương vùng ĐBSCL cần thu hút sự tham gia các doanh nghiệp đã trưởng thành, các hiệp hội doanh nghiệp với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết giữa các địa phương, giữa các vùng, liên kết giữa trung ương – địa phương, liên kết, hợp tác quốc tế…, học tập, nhân rộng chính những mô hình hỗ trợ khởi nghiệp đã có hiệu quả trong vùng, trong nước, của quốc tế.
Đồng thời thu hút những nhân tài, những mô hình khởi nghiệp tốt của chính người Việt trên khắp cả nước về triển khai tại địa phương, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho chính các doanh nghiệp tại địa phương. Tìm ra những điểm mạnh, phát huy nội lực của địa phương và của vùng thông qua các sáng kiến mới như cụm đổi mới sáng tạo, hàng lang đổi mới sáng tạo…
Techfest Mekong 2022 cũng quy tụ hơn 100 gian triển lãm, trưng bày trực tiếp và 30 gian triển lãm trực tuyến giới thiệu các sản phẩm, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sản phẩm KHCN của vùng ĐBSCL, trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, sự kiện còn diễn ra hoạt động trình diễn các thiết bị công nghệ, sản phẩm và dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Start- up Demo) nhằm giới thiệu, kết nối, tư vấn và thương mại hóa trực tiếp các sản phẩm.
Ý kiến ()