Tây Phi tìm cách giải quyết khủng hoảng chính trị ở Gambia
Các nhà lãnh đạo Tây Phi ngày 13/1 đã bày tỏ hy vọng giải quyết khủng hoảng chính trị tại Gambia, với việc tìm cách thuyết phục Tổng thống sắp mãn nhiệm Yahya Jammeh nhường lại quyền lực cho Tổng thống đắc cử Adama Barrow vào ngày 19/1 tới.
Ngoại trưởng Nigeria Geoffrey Onyeama khẳng định các cuộc đàm phán trong ngày 13/1 có ý nghĩa hết sức quan trọng vì trên cơ sở đó, các bên có thể bắt đầu xem xét hướng giải quyết tiếp theo.
Ngay khi đến thủ đô Banjul của Gambia, các nhà lãnh đạo Tây Phi, trong đó có Tổng thống Nigeria, Tổng thống Liberia và cựu Tổng thống Ghana, đã tiến hành họp kín.
Phái đoàn của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) cũng sẽ tiến hành gặp các ông Jammeh và Barrow.
Ngoài ECOWAS, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế trong đó có Liên hợp quốc đã gây sức ép đòi ông Jammeh phải chuyển giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử Adama Barrow.
Hội đồng Hòa bình và An ninh Liên minh châu Phi (AU) ngày 13/1 tuyên bố AU sẽ không còn công nhận ông Jammeh là tổng thống hợp pháp của Gambia kể từ ngày 19/1 tới, thời điểm theo quy định ông Jammeh sẽ chuyển giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử.
Hội đồng trên cũng cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp hành động của ông Jammeh có thể gây ra khủng hoảng dẫn đến bất ổn chính trị và thảm họa nhân đạo.
Về phần mình, ông Barrow tuyên bố sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 19/1 tới và sẽ là Tổng thống Gambia kể từ ngày đó.
Theo kết quả kiểm phiếu cuộc bầu cử tổng thống ở Gambia tháng 12/2016, ứng cử viên đối lập Barrow, 51 tuổi, một doanh nhân, thủ lĩnh của liên minh các đảng phái chính trị đối lập, đã giành chiến thắng với 43,3% số phiếu, trong khi tỷ lệ ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Jammeh là 39,64%.
Ông Jammeh ban đầu chấp nhận kết quả nhưng sau đó đã thay đổi quan điểm, cáo buộc có những sai phạm trong quá trình kiểm phiếu của Ủy ban Bầu cử Độc lập (IEC).
Tổng thống Jammeh lên nắm quyền ở Gambia sau cuộc đảo chính quân sự năm 1994 và liên tiếp tái đắc cử vào các năm 2001, 2006 và 2011.
Trước cuộc bầu cử tổng thống lần này, ông Jammeh đã yêu cầu sửa đổi Hiến pháp, theo đó bãi bỏ quy định hạn chế số nhiệm kỳ tổng thống./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()